Mắng, chửi người chen ngang nhận quà từ thiện: Tối kỵ...

Người làm từ thiện phải có văn hóa, có kiến thức giao tiếp cộng đồng, không nên dùng những từ ngữ xúc phạm, chà đạp lên nhân phẩm của người khác...

Không làm từ thiện theo phong trào

Mới đây, chia sẻ trên mạng xã hội một nữ nghệ sĩ cho biết đã đuổi thẳng một người phụ nữ mặc đẹp nhưng chen ngang khi đến nhận cơm từ thiện trong chương trình từ thiện do mình tổ chức.

Người phụ nữ áo đỏ được cho là đã bị "đuổi thẳng" không cho nhận quà từ thiện vì ăn mặc đẹp lại chen ngang lấy quà. Ảnh cắt từ clip.

Người phụ nữ áo đỏ được cho là đã bị "đuổi thẳng" không cho nhận quà từ thiện vì ăn mặc đẹp lại chen ngang lấy quà. Ảnh cắt từ clip.

Thậm chí, nữ nghệ sĩ còn dùng những lời lẽ rất gay gắt để nói về người phụ nữ này như: "cô gái vàng trong làng chen chúc; loại vô văn hóa... phải chửi; loại có tiền da đẹp, làm nails móng...; muốn táng vô cái mặt; nhìn là thấy rõ cái loại khốn nạn..." để nói về cách hàng xử thiếu tự trọng của người phụ nữ trên. Chia sẻ trên đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người lại cho rằng dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để ứng xử với một hành vi thiếu tự trọng là không nên.

Nhìn nhận về việc này, ông Lê Đức Lâu - Trưởng nhóm từ thiện Ngôi nhà yêu thương Gia Lai cho rằng, câu chuyện trên một phần do cách làm từ thiện vẫn mang tính tự phát, tổ chức cũng cũng lộn xộn, chưa khoa học, thậm chí có người làm từ thiện vì chạy theo phong trào, làm từ thiện để gây chú ý, để lấy số khiến ý nghĩa của việc làm từ thiện đã bị méo mó, sai lệch đi rất nhiều.

""Của cho không bằng cách cho", cho quà cũng phải khéo léo, tế nhị vì mỗi phần quà từ thiện chỉ khoảng từ 100.000 đồng tới 500.000 đồng, không phải quá lớn nếu cho không khéo, hoặc không làm chủ được mình, có những lời nói khiếm nhã làm tổn thương người nhận thì người phải chịu tiếng xấu lại chính là người đứng ra làm từ thiện.

Vì thế, đối với người làm từ thiện phải luôn đặt mình ở vị trí của người đi nhận quà từ thiện, phải thấu hiểu, chia sẻ được với người nhận, chứ không phải làm từ thiện với tâm thế kẻ cả, ban ơn. Xét về góc độ xã hội người làm từ thiện hay người nhận quà từ thiện đều bình đẳng như nhau.

Còn xét về mặt tổ chức, đã là những người được các mạnh thường quân tin tưởng đứng ra làm cầu nối tổ chức các chương trình từ thiện thì phải thể hiện được cái tầm, cái tâm cũng như phải khẳng định được uy tín với nhà tài trợ.

Người tổ chức cũng phải có kiến thức giao tiếp cơ bản với cộng đồng, với những người yếu thế đang phải đến nhận từng gói quà từ thiện. Phải biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, không nên dùng những lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm để nói về hành vi thiếu tự trọng của người khác. Những lời lẽ thiếu tôn trọng hay chà đạp lên nhân phẩm của người khác là điều tối kỵ, không được phép mắc phải, vì nếu làm như vậy vô tình sẽ khiến cho việc làm từ thiện của mình cũng bị hiểu khác đi", ông Lâu nói.

Từ kinh nghiệm của cá nhân, ông Lâu cho biết khi gặp những trường hợp chen ngang hoặc không có phiếu nhưng vẫn vào lấy quà thì đều được ông và cộng sự hướng dẫn, giải thích rất nhẹ nhàng, tỉ mỉ khiến người nhận lẫn người không được nhận đều vui vẻ, ủng hộ.

Còn với những người giàu mà vẫn đến nhận quà, thì cũng có nhiều cách ứng xử để người giàu không nhận được quà nữa.

Kể lại câu chuyện khi cùng một nhóm từ thiện khác trao quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó, có một cụ bà sống cô đơn trong căn nhà lụp xụp, rất khổ sở thế nhưng con cái ngay bên cạnh thì đều có nhà lầu, xe hơi, cuộc sống đầy đủ, sung sướng.

Lần đầu địa phương có đưa bà cụ vào danh sách nhận quà với lý do hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn do không được con cái chăm nuôi.

Tuy nhiên, trong lần sau, thì ông Lâu đã trao đổi lại với phía địa phương, không phát quà cho trường hợp này nữa.

"Tôi nói rằng, nuôi dưỡng cha mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái. Để cha mẹ già sống khổ sở, thiếu thốn xã hội sẽ cười chê, bản thân con cái phải biết xấu hổ.

Không thể vì lý do con cái không chăm nuôi cha mẹ mà tổ chức từ thiện phải hỗ trợ. Như vậy là làm thay phần việc của con cái, mà cũng không đúng với ý nghĩa của việc từ thiện. Từ thiện không có nghĩa là chăm nuôi người nghèo khó, từ thiện chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, động viên, giúp đỡ người nghèo khó vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục ổn định đời sống về sau này. Vì thế, chúng tôi đã không đưa tên bà cụ vào diện nhận quà định kỳ hàng tháng", ông Lâu kể.

Đi ôtô đến lấy gạo: Đến bò từ thiện còn đi lạc...

Phải có mục tiêu, mục đích cụ thể

Vẫn nhấn mạnh vấn đề tổ chức, ông Lâu cho rằng, khi thực hiện có kế hoạch, có sự kết nối với chính quyền địa phương thì việc rà soát, xử lý các đối tượng không thuộc diện nhận quà mà vẫn muốn nhận quà sẽ dễ dàng, đơn giản hơn.

Chính vì vậy, khi thành lập CLB Ngôi nhà yêu thương, ông Lâu cùng các thành viên trong nhóm luôn đặt ra mục tiêu, mục đích rất rõ ràng. CLB được thành lập dưới sự bảo trợ của một cơ quan trực thuộc tỉnh, cụ thể là Hội chữ thập đỏ Gia Lai, có tính pháp nhân, tài khoản độc lập, có ban kiểm soát, giám sát chặt chẽ về thu chi tài chính. Trên cơ sở đó, hàng năm CLB luôn xây dựng kế hoạch làm từ thiện rất cụ thể, kế hoạch này được báo cáo lên Hội chữ thập đỏ Gia Lai và được sự giám sát chặt chẽ của đơn vị quản lý tài chính kế toán của hội.

Mục tiêu duy nhất của nhóm là hỗ trợ những trẻ em mồ côi đã trưởng thành, có đất nhưng không có điều kiện để xây dựng nhà ở. Với những trường hợp này, nhóm sẽ hỗ trợ về kinh phí để giúp trẻ mồ côi có nhà ở, ổn định công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân.

"Chúng tôi tuyệt đối không làm từ thiện theo kiểu chạy theo phong trào, làm từ thiện để nổi danh, lấy số... Làm từ thiện là họa động lâu dài, có kế hoạch được tổ chức bài bản, khoa học và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Có như vậy hoạt động từ thiện mới tránh được những hình ảnh lộn xộn, tranh giành, chen lấn mà vẫn hỗ trợ được đúng đối tượng, mang lại ý nghĩa thật sự.

Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, hay vơ vét quà từ thiện vừa qua là một bằng chứng lỗ hổng trong khâu tổ chức. Bản thân những người thực hiện chương trình cũng đã không lường hết được những tình huống sẽ phát sinh, dẫn tới lúng túng trong ứng xử, ứng xử thái quá hoặc thiếu tế nhị, thậm chí là thiếu văn hóa, coi thường người nhận quà. Việc này không những tạo cơ hội cho những ngưới xấu xí trục lợi, lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của những người làm từ thiện", ông Lâu góp ý.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mang-chui-nguoi-chen-ngang-nhan-qua-tu-thien-toi-ky-3401063/