Mang chuông đi đánh xứ người

Tôi muốn lấy thành ngữ này đặt tên cho bài viết về nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thái An - người con của quê hương Bình Long - Bình Phước. 18 tuổi - lứa tuổi hoa mộng, Thái An lại quyết định không thi đại học, rời vòng tay ba mẹ bước thẳng vào đời. Và rồi tài năng, sự kiên trì, dấn thân với nghệ thuật nhiếp ảnh đã mang tên tuổi anh đi xa.

Từ đam mê nhiếp ảnh...

Năm 1988, Nguyễn Thái An quyết định lập nghiệp tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - vùng đất du lịch, có thể sống bằng nghề nhiếp ảnh. Và quả thật, Thái An đã sống khỏe nhờ nhiếp ảnh. Từ người giúp việc trong một tiệm ảnh nhỏ, rồi trở thành tay máy chụp dạo ở bãi biển Vũng Tàu, chẳng bao lâu, Thái An đã có được tiệm ảnh cho riêng mình. Ngày ấy chưa xuất hiện máy ảnh kỹ thuật số nên nghề ảnh có nhiều đất sống. Nhờ sự chỉn chu, kỹ tính trong nghề, Thái An thường ký được những hợp đồng chụp ảnh giá trị lớn với các tổ chức, cơ quan nhà nước. Và hợp đồng 2 năm liên tục với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giúp anh có tích lũy tài chính đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Không chỉ đam mê chụp ảnh, Thái An còn rất đam mê các thế hệ máy ảnh hiện đại. Năm 1988, khi Việt Nam bắt đầu có máy tính xách tay, anh mạnh dạn đầu tư 3,5 cây vàng mua laptop để hỗ trợ nhiếp ảnh. Rồi chân đế, đầu máy, ống lens... đều tiêu tốn rất nhiều tiền mà nếu không đủ đam mê, không đủ điều kiện tài chính thì không thể theo được.

Nghệ sĩ Nguyễn Thái An (bìa trái) cùng các đồng nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu

Năm 2015, khi đã có được những kiến thức cơ bản về nghề ảnh và có lưng vốn, Thái An bước vào “chơi” ảnh nghệ thuật. Bắt đầu nghề nhiếp ảnh từ chụp biển, nhưng khi “chơi” ảnh nghệ thuật, Thái An lại tìm hướng đi khác. Những ngày đẹp trời, anh thường vác máy lỉnh kỉnh đi săn ảnh. Chẳng bao lâu, anh nhận ra rằng, nếu chụp phong cảnh thì khó qua được những “cây đa, cây đề” trong làng nhiếp ảnh Vũng Tàu. Vùng đất Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có khu rừng còn nhiều loài chim hoang dã trú ngụ. Những lúc lang thang trong rừng, Thái An tình cờ bắt gặp các loài chim lạ, trong đó có chim đầu rìu rất đẹp. Những khoảnh khắc con chim trống săn mồi hay chim mái ấp ủ, mớm cho con ăn đã gây xúc động mạnh trái tim người nghệ sĩ. Và từ đó, anh toàn tâm toàn ý chụp các loài chim hoang dã.

Săn mồi

Tình mẹ - tác phẩm của nghệ sĩ Thái An đoạt huy chương vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế năm 2017

...đến những khoảnh khắc vàng

Là người khó tính trong nghề, Thái An chưa bằng lòng với những bức ảnh nghệ thuật đã được bạn nghề đánh giá cao. Anh luôn làm mới mình bằng sự đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ nghiêm túc nhất. Chụp phong cảnh thiên nhiên, anh không chỉ “canh chừng” ánh sáng mà còn “canh chừng” mây và gió để “bắt” được những khoảnh khắc “độc” nhất, khiến những bức ảnh của anh không chỉ đẹp mà còn rất “phiêu”. Có lẽ, đó chính là sự khác biệt giữa một thợ chụp ảnh với một nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Trên đồng muối Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Thái An

Thái An kể, có lần phát hiện một tổ chim đầu rìu tại rừng Long Điền, anh quyết săn bằng được những tấm ảnh đẹp về loài chim quý hiếm này. Anh rủ một số bạn nghề có chung đam mê vào rừng dựng chòi để canh chừng tổ chim. Suốt 2 tuần lễ, anh cùng bạn nghề phải nấp trong chòi lá đã được ngụy trang để chim bố và chim mẹ không phát hiện, nhiều lúc phải ăn mì gói, lương khô chống đói. Khi chim non đã đủ lớn, chúng không còn ở sâu trong tổ mà đã biết thò đầu ra cửa tổ chờ chim mẹ về mớm mồi. Và khoảnh khắc vàng về hình ảnh con chim đầu rìu xòe rộng đôi cánh, cặp mỏ dài gắp thức ăn mớm cho chim con đang há mỏ đón mồi đã lọt vào ống kính của Thái An. Dù là người kỹ tính, Thái An khá hài lòng với bức ảnh. Nó không chỉ hoàn hảo về bố cục, màu sắc mà còn lay động lòng người bởi tình yêu thương vô bờ mà chim mẹ dành cho chim con. Anh đặt tên bức ảnh là “Tình mẹ”. Năm 2017, Thái An tự tin gửi tác phẩm “Tình mẹ” cùng một số tác phẩm khác tham gia cuộc thi của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế. Và ngay lần đầu tham gia đấu trường thế giới, anh đã đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Từ thành công ấy, Thái An đã chụp rất nhiều ảnh về các loài chim quý hiếm và gửi tham dự các cuộc thi, liên hoan ảnh thiên nhiên quốc tế. Năm 2019, Thái An trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, trở thành Trưởng ban Nhiếp ảnh, thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, anh đã xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) cùng hơn 10 huy chương vàng, bạc, đồng tại các cuộc thi ảnh quốc tế khác và vẫn tiếp tục nuôi đam mê với những loài chim hoang dã.

Nặng tình với quê hương

Thành công và thành danh nơi xứ người, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thái An vẫn luôn hướng về quê hương Bình Phước thân yêu. Tôi gặp Thái An trong một lần đi thực tế sáng tác văn học - nghệ thuật tại vùng biên giới huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước theo lời mời của lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Hai ngày cùng làm việc, chứng kiến lịch sinh hoạt thất thường của anh, bỏ cả ăn sáng, ăn chiều, tôi mới biết đó là những thời khắc vàng anh đi “săn” ảnh. Điều khiến tôi có ấn tượng đặc biệt về nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái An là luôn muốn chia sẻ đam mê và kinh nghiệm nhiếp ảnh đến những người có cùng đam mê. Dẫu đã đoạt hàng chục giải thưởng quốc tế, Thái An vẫn tích cực tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, nhằm khơi gợi phong trào, khơi gợi đam mê cho những người muốn theo đuổi nhiếp ảnh. Với những đồng nghiệp tại quê hương Bình Phước, Thái An luôn dành nhiều tâm huyết để “truyền lửa” và truyền kinh nghiệm. Hai đợt sáng tác tại tỉnh Bình Phước trong năm 2023, Thái An đã trao tặng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước khoảng 50 tấm ảnh chất lượng cao, chụp tại thành phố Đồng Xoài, trung tâm huyện Bù Đốp, Thủy điện Cần Đơn và một số địa danh trên địa bàn huyện Bù Đốp.

Vòng xoay ngã tư huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước về đêm

Nghệ sĩ Thái An chia sẻ: Cảnh trí Bình Phước rất đẹp. Bên cạnh các danh thắng, còn có các di tích văn hóa, lịch sử khá nổi tiếng, nhưng dường như sự quảng bá bằng hình ảnh về Bình Phước còn rất khiêm tốn. Anh cho rằng, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Bình Phước cần đi thực tế sáng tác nhiều hơn, tham gia các sự kiện nhiếp ảnh của khu vực và quốc gia nhiều hơn để được giao lưu, cọ xát, để một ngày không xa, nhiếp ảnh Bình Phước có những đóng góp xứng đáng vào đời sống văn hóa - nghệ thuật của người dân trong tỉnh.

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153650/mang-chuong-di-danh-xu-nguoi