Mắng con coi chừng… phạm luật

Nếu như luật pháp có chế tài để xử lý khi con cái bất hiếu, đánh đập, lăng mạ… với cha mẹ, thì cũng tương tự, việc chửi mắng, lăng mạ, đánh đập con cái có thể khiến các bậc phụ huynh đối diện với pháp luật.

Bệnh nhân uống thuốc sâu tự tử vì mâu thuẫn với bố mẹ đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mắng nhiếc, hạ thấp nhân phẩm là hành vi vi phạm quyền trẻ em

Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng vị trí thứ 13 ở mọi lứa tuổi trên thế giới. Trong đó phần đa ở lứa tuổi vị thành niên và người lớn trẻ tuổi. Trong các lý do trẻ tự tử, trong đó có nguyên do từ những lời mắng chửi, chỉ trích… của bố mẹ.

Đơn cử, trước đó Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai mà trẻ đã có ý định tự tử.

Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng. Rất may mắn, trong cả 2 trường hợp trên, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.

Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và cứu sống một trường hợp ngộ độc hóa chất trừ sâu. Theo đó, một nữ bệnh nhân 18 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ được người nhà phát hiện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp do uống 300ml thuốc trừ sâu Dibacide 50EC. Sau nhiều giờ điều trị bằng các biện pháp hiện đại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Được biết trước đó, nữ bệnh nhân giận hờn vì bị bố mẹ mắng nên đã uống thuốc trừ sâu để tự tử. Điều đáng nói, trường hợp bệnh nhân này chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh tự tử ở tuổi vị thành niên do mâu thuẫn với gia đình.

Hiện tại, nhiều cha mẹ có thể tin rằng, không động tay động chân có nghĩa là không bạo hành nhưng thực tế thì việc mắng nhiếc, hạ thấp nhân phẩm của các em cũng là một hành vi vi phạm quyền trẻ em, một hình thức bạo hành tinh thần.

Có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng

Mặc dù hiếm có vụ việc nào mà cha mẹ bị xử phạt vì “tội” mắng con cái, nhưng trong các văn bản pháp luật có quy định về hành vi này. Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư Hà Nội, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Ngoài ra, quy định pháp luật nêu rõ các hành vi bị cấm gồm: hành hạ; ngược đãi; đánh đập hoặc những hành vi khác xâm hại đến sức khỏe; tính mạng; danh dự; nhân phẩm của các thành viên trong gia đình. Pháp luật nghiêm cấm cha mẹ có hành vi lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự; nhân phẩm của con.

Do vậy, không ai được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác; đặc biệt là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương, không tự bảo vệ được mình. Cụ thể tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình thì: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Ngoài ra còn bị buộc phải xin lỗi công khai nếu nạn nhân có yêu cầu. Cũng có nhiều cha mẹ, bởi muốn ngăn cản con không chơi bời hoặc giao du với người khác, cha mẹ thường dùng biện pháp cực đoan là nhốt con. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, hành vi của mình là đúng vì mình lo lắng cho con cái nhưng thực ra không phải.

Theo Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc hoặc không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

“Như vậy cả hành vi lăng mạ, xúc phạm con cái lẫn hành vi ngăn cản con cái ra khỏi nhà đều là hành vi trái pháp luật và có quy định chế tài xử phạt. Cha mẹ cũng nên thay đổi góc nhìn và cách tiếp cận để có thể thấu hiểu và cảm thông hơn đối với suy nghĩ và hành động của con cái” – luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mang-con-coi-chung-pham-luat-375138.html