Mạng lưới ngân hàng chưa phủ rộng, tín dụng đen vẫn hoành hành khu vực nông thôn

Nguyên nhân tín dụng đen hoành hành là do nhu cầu vay vốn trong dân cư doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rất cao nhưng tín dụng ngân hàng và tổ chức tài chính chưa phủ khắp. Trong khi tín dụng đen là giải quết nhanh, thủ tục kín đáo, nhanh gọn.

Dư nợ tín dụng khu vực nông thôn tăng mạnh

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua khu vực nông nghiệp nông thôn có nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao, vì vậy số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cho vay sang địa bàn này ngày một tăng. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Hiện có khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng.

Đặc biệt, Nghị định 116 ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng thì Nghị định 116 có một số điểm mới như nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ (cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).

Nhưng tín dụng đen vẫn hoành hành

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Tín dụng đen vẫn khiến nhiều người điêu đứng

Tín dụng đen vẫn khiến nhiều người điêu đứng

Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa kết nối ngân hàng và khách hàng...

Hiện tín dụng đen chưa ảnh hưởng đến ngành ngân hàng, nhưng ông Phạm Huyền Anh cho rằng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Thời gian qua, NHNN đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng; trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Dưới góc độ cơ quan công an, ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công An) cho biết, số liệu thống kê cho thấy riêng năm 2018 có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 1.309 vụ cướp tài sản liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt mấy năm gần đây len lỏi vào các vùng sâu vùng xa, các đối tượng cho vay tín dụng đen thường lách luật, không ghi mức lãi suất. Thậm chí có các gói vay rất ngắn, theo ngày, tuần, tháng. Vì thế có người vay ban đầu chỉ có 5 triệu nhưng vài tháng sau có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Nguyên nhân tín dụng đen hoành hành là do nhu cầu vay vốn trong dân cư doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rất cao nhưng tín dụng ngân hàng và tổ chức tài chính chưa phủ khắp. Trong khi tín dụng đen là giải quyết nhanh, thủ tục kín đáo, nhanh gọn, thậm chí chỉ viết tay mà không cần hợp đồng. Cùng với đó, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư lớn, nhiều người hám lãi cũng đã tạo “đầu vào” lớn cho tín dụng đen.

Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Đồng thời, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Trâm Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/mang-luoi-ngan-hang-chua-phu-rong-tin-dung-den-van-hoanh-hanh-khu-vuc-nong-thon/794934.antd