Mạng lưới tình báo không gian của NATO gây rắc rối lớn cho Nga?

Nga đang gặp khó trước mạng lưới tình báo không gian của NATO và chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để chống lại.

Những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy lĩnh vực hàng không vũ trụ mà trước đây nước Nga coi là hàng đầu trên thế giới đang tỏ ra lép vế trước mạng lưới tình báo không gian của NATO.

Thực tế cho thấy NATO có thể giám sát từng m2 lãnh thổ Nga từ không gian, nhưng Moskva thì ngược lại khi không có đủ năng lực để bắn hạ, hoặc ít nhất là chống lại trinh sát không gian của đối thủ.

Thậm chí việc phát triển và phóng tàu vũ trụ mới cũng là một vấn đề lớn đối với Nga khi thiếu linh kiện nước ngoài. Trong khi đó, đối thủ chính của Nga là Mỹ đang thực hiện giai đoạn mới của chương trình chinh phục mặt trăng, cho thấy khoảng cách giữa hai bên là rất lớn.

Mỹ đã phóng nhiều tàu vũ trụ hiện đại và lấp đầy không gian gần Trái đất bằng hàng chục vệ tinh do thám thế hệ mới. Thậm chí Trung Quốc cho dù đi sau Nga rất nhiều về công nghệ vũ trụ nhưng hiện đã đi trước vài bước.

Nếu Nga muốn duy trì vị thế của một cường quốc không gian thì họ cần phải bắt đầu thực hiện một loạt chương trình thực tiễn thay vì trên giấy để hồi sinh ngành công nghiệp vũ trụ thừa hưởng từ Liên Xô.

Điểm yếu của Quân đội Nga hiện nay là công tác tình báo chưa đáp ứng được yêu cầu. Một trong những vấn đề nổi cộm là không thể sánh bằng NATO về lĩnh vực phương tiện trinh sát không gian.

Trong 30 năm qua, riêng Mỹ đã phóng hàng trăm vệ tinh do thám khác nhau vào quỹ đạo, nếu tính thêm các đồng minh EU cùng những tập đoàn tư nhân thì rõ ràng phương Tây nắm ưu thế quá lớn.

Điển hình là tỷ phú Elon Musk với công ty SpaceX đã đưa vào quỹ đạo hơn 3.000 nghìn vệ tinh, chúng có thể thực hiện rất nhiều chức năng, bao gồm từ truyền dẫn thông tin cho tới trinh sát quân sự.

Nga mặc dù cũng có một mạng lưới vệ tinh trên quỹ đạo nhưng số lượng không được tính bằng hàng nghìn hay hàng trăm, mà chỉ vỏn vẹn có vài chục đơn vị.

Đó là chưa nói đến thực tế các thiết bị điện tử của Nga thường thua kém sản phẩm phương Tây, do vậy dễ hiểu tại sao Moskva đang thất thế trong lĩnh vực tình báo không gian.

Vấn đề lớn nhất của Nga hiện nay không phải là tăng số vệ tinh trên quỹ đạo để cân bằng mà là vô hiệu hóa phương tiện trinh sát của đối thủ, các quan chức tại Moskva đã nhiều lần nói về thực tế trên.

Cuối tháng 11/2022, Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga - ông Vladimir Yermakov nói rằng Moskva có mọi quyền bắn hạ các vệ tinh do thám nước ngoài.

"Các vệ tinh lưỡng dụng do các quốc gia phương Tây sản xuất được đối thủ sử dụng có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Lực lượng vũ trang Nga", ông Yermakov nói rõ.

Bộ Quốc phòng Nga có thể trông đợi vào hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol, có khả năng bắn hạ không chỉ các mục tiêu trên không mà cả vật thể trên không gian ở độ cao tới 700 km.

Chính A-235 đã bắn hạ vệ tinh Kosmos-1408 bị hỏng vào tháng 11/2021. Thông qua sự việc trên, Nga đã cho thế giới thấy rằng họ có thể và sẵn sàng bắn hạ vệ tinh do thám đối phương nếu cần thiết.

Ngoài A-235, Nga còn có các tổ hợp S-500 và S-550, chúng có khả năng bắn trúng mục tiêu ở độ cao lên tới 500 km, điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, đủ khả năng chống lại vệ tinh trinh sát phương Tây.

Nhưng về cơ bản đây là những tổ hợp vũ khí không được thiết kế chống lại các mục tiêu không gian. Do vậy trong trường hợp cần thiết thì chúng có thể được sử dụng một vài lần, nhưng việc triển khai thường xuyên thì phải xem xét.

Việc Nga sử dụng tên lửa phá hủy vệ tinh nước ngoài theo đánh giá sẽ dẫn tới biện pháp đáp trả. Ngoài ra sau đó không gian gần Trái đất sẽ bị ô nhiễm bởi mảnh vụn trong hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm.

Thay vì sử dụng tên lửa, tổ hợp vũ khí laser Peresvet có thể là lựa chọn tối ưu, theo người đứng đầu Tập đoàn Roskosmos - ông Yuri Borisov, hệ thống này có khả năng "làm mù" vệ tinh do thám ở độ cao lên tới 1.500 km.

Nhiều người cho rằng những cột sáng bí ẩn xuất hiện hồi tháng 10/2022 là kết quả của việc sử dụng tổ hợp laser này trong chiến đấu. Nhưng đó chỉ là một hiện tượng khí quyển, và vệ tinh trinh sát phương Tây vẫn tiếp tục bay lãnh thổ Nga hoàn toàn tự do.

Để sớm khắc phục điểm yếu, Điện Kremlin đã tiến hành một thay đổi đó là Giám đốc tập đoàn Roscosmos - ông Dmitry Rogozin đã được thay thế bởi Yuri Borisov - một con người đầy tham vọng và hiểu biết về kỹ thuật.

Trong nhiều năm qua, ông Borisov đã tham gia vào việc phát triển các tổ hợp vũ khí phòng thủ, vì vậy nhân vật trên được cho là hiểu rõ mọi vấn đề của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga.

Việc bổ nhiệm ông Borisov vào vị trí trên mang lại kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong việc phát triển lĩnh vực vũ trụ quân sự và trinh sát không gian.

Theo ông Borisov, dự kiến đến năm 2026, Nga sẽ bắt đầu sản xuất ít nhất 200 vệ tinh mỗi năm. Giới phân tích hy vọng rằng chương trình trên sẽ không bị chậm tiến độ như nhiều dự án vũ khí đình đám khác của Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mang-luoi-tinh-bao-khong-gian-cua-nato-gay-rac-roi-lon-cho-nga-post530077.antd