Mang niềm vui cho mọi người

'Tôi đến với công việc sáng tác cổ nhạc bằng niềm đam mê, với mong muốn mang niềm vui đến cho mọi người đồng điệu', tác giả Lữ Thanh Sơn chia sẻ. Với tâm tình đó, ông vẫn hằng ngày lặng thầm gửi tình vào những cung bậc 'hò, xự, xang, xê, cống'.

Lữ Thanh Sơn (bìa phải) theo học lớp truyền nghề đờn ca tài tử của Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga.

Lữ Thanh Sơn (bìa phải) theo học lớp truyền nghề đờn ca tài tử của Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga.

Mới đây, Ðài PT-TH TP Cần Thơ giới thiệu tác phẩm mới của Lữ Thanh Sơn mang tên “Cần Thơ tôi yêu”. Ðó là những câu vọng cổ mượt mà viết về nét đẹp thơ mộng và sự đổi thay của mảnh đất Tây Ðô: “Cần Thơ đẹp quá vấn vương lòng người viễn khách. Sau chuyến về thăm lòng nghe trái tim yêu thổn thức rộn ràng...”. Tác giả Lữ Thanh Sơn chia sẻ, đó là những cảm xúc tự đáy lòng sau chưa đầy chục năm ông chọn Cần Thơ làm nơi “đất lành chim đậu”.

Lữ Thanh Sơn vốn là thợ may, thiết kế quảng cáo và có làm thơ, nhưng đam mê cổ nhạc đến với ông như một sự tình cờ. Cách đây 4-5 năm, có dịp tham dự sinh hoạt các buổi giao lưu đờn ca tài tử, ông cảm mến nét đẹp của loại hình này. Vốn sở trường văn chương, ông nghĩ đến chuyện viết lời mới cho bài bản tài tử hoặc sáng tác bài ca cổ. Vậy là ông theo học các lớp truyền dạy đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ tổ chức. Khi đã vững nhịp nhàng, điệu thức, khuôn nhạc, ông bắt đầu viết cổ nhạc từ hơn 2 năm qua. Bài ca cổ đầu tiên ông viết là “Lệ anh hùng”, viết về hai vị anh hùng dân tộc là Lê Lợi và Lê Lai.

Hiện nay, Lữ Thanh Sơn đã sáng tác được khoảng 60 bài vọng cổ. Ðiều thú vị là tác phẩm nào ra đời, ông cũng đều làm nhạc và dựng bản karaoke để đăng tải trên YouTube. Mỗi bài vọng cổ của ông đều có rất đông lượt người xem, hát karaoke. Chủ đề mà ông theo đuổi là viết về lịch sử hào hùng của dân tộc, viết về tình cảm gia đình. Những bài ca cổ như “Côn Ðảo trong tôi”, “Chiếc bóng mẹ tôi”… của ông khá mượt mà câu ca, ý tứ rõ nét, mang lại cảm xúc cho người nghe.

Qua hơn 2 năm gắn bó với sáng tác cổ nhạc, tác giả Lữ Thanh Sơn cho rằng việc này quan trọng nhất là phải có đam mê, chịu khó học hỏi và kiên trì. Ngoài ra, người viết cũng cần trang bị vốn từ, hiểu biết xã hội và sự nhạy cảm với cuộc sống. Ðặc biệt, ông cho rằng những chuyến đi sẽ giúp người viết cổ nhạc thêm cảm hứng sáng tác, hơn là “ngồi nhà tưởng tượng”. Ví như đề tài về Côn Ðảo đã được khai thác nhiều nhưng khi đặt chân đến đó, ông có cảm xúc riêng khi viết “Côn Ðảo trong tôi”. Hay ở Cần Thơ, ông thường chạy xe một mình đi tham quan các quận, huyện, ghi những hình ảnh để làm minh họa cho clip karaoke và ghi lại trong lòng những cảm xúc nhân sinh để biến thành tác phẩm cổ nhạc.

Tác giả sinh năm 1963 khiêm tốn nhận rằng chỉ là người đam mê viết cổ nhạc và mang niềm vui đến cho mọi người đồng điệu. Ở Cần Thơ, các buổi giao lưu đờn ca tài tử thường có tác giả Lữ Thanh Sơn tham dự, như thêm một cách để hiểu, để học hỏi và sẻ chia niềm đam mê. Hiện ông vẫn đang học lớp truyền nghề đờn ca tài tử của Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga, vẫn tập tành với thế giới của “hò, xự, xang, xê, cống”. Ông ví von rất hay rằng, 2 năm viết cổ nhạc, ông thấy mình chỉ mới bước vô tới ngạch cửa của ngôi nhà cổ nhạc Nam Bộ thênh thang. Trước mắt ông là cả một không gian bao la của giai điệu phương Nam để thỏa sức khám phá, chinh phục.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/mang-niem-vui-cho-moi-nguoi-a123435.html