Mang niềm vui, sự tự tin cho trẻ khuyết tật

(ABO) Bằng nhiều hình thức, phương pháp và các hoạt động linh hoạt, sáng tạo của các thầy, cô tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang đã hỗ trợ, can thiệp cho rất nhiều trẻ khuyết tật vượt qua mọi khó khăn, có thể hòa nhập vào cuộc sống. Đặc biệt, hằng năm, Trung tâm còn chú trọng tạo sân chơi bổ ích, lý thú, mang đến sự động viên tích cực giúp các em xóa bỏ mọi tự ti, thể hiện bản thân mình một cách tích cực hơn.

Tháng 4 năm nay, nhiều hoạt động bổ ích, sáng tạo từ sân chơi dành cho trẻ khuyết tật do Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang tổ chức. Cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Hoạt động này hằng năm Trung tâm đều tổ chức. Mỗi năm sân chơi đều đổi mới hình thức, đó là thầy, cô chú trọng sự thể hiện của các em, để các em tự tin làm điều mình thích như: Trình diễn thời trang; vẽ tranh, đính đá hay tô tượng… Bên cạnh đó, các em còn tham gia các trò chơi vận động thể hiện sức khỏe, tính nhanh nhạy của mình. Đáng chú ý là sân chơi này còn thu hút các trẻ khuyết tật đến từ các huyện, thành, thị.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang Cao Thị Tiếng cho biết: Đây là một trong những hoạt động mà Trung tâm thường xuyên tổ chức để trẻ khuyết tật có điều kiện vui chơi, phát triển tư duy, khả năng vận động; từ đó tạo niềm tin cho trẻ khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng. Việc giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng không những để các em được hưởng quyền bình đẳng như các bạn cùng trang lứa, mà còn tạo cơ hội để các em phát huy tối đa khả năng của bản thân.

Đối với việc dạy bảo, chăm sóc học sinh khuyết tật hòa nhập rất khó, bởi đỏi hỏi giáo viên phải nhẫn nại, kiên trì và hiểu được tâm lý, ý muốn của các em… Bằng tình thương và trách nhiệm, thầy, cô đã tận tâm hết mình, đặc biệt thông qua sân chơi như thế này, không chỉ giúp các em được giao lưu, học thêm từ bạn bè, mà các bậc phụ huynh cũng có dịp trao đổi thêm những kỹ năng, kiến thức trong chăm sóc, dạy bảo các em khi ở nhà, để các em ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Nhìn thấy nụ cười, sự hào hứng của con mình khi tham gia các trò chơi, đó chính là niềm hạnh phúc to lớn nhất đối với các phụ huynh. Bởi lẽ, thông qua các hoạt động này cho thấy sự thay đổi, phát triển của các con đồng nghĩa các con sẽ được hòa nhập cộng đồng như các bạn cùng trang lứa khác.

Anh Nguyễn Tuy Phong, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, nhờ sự chăm sóc, giảng dạy chu đáo của giáo viên Trung tâm, sau một thời gian, từ đứa trẻ nhút nhát, con tôi đã tự tin hoạt bát hơn hẳn; bé đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ, tự biết vệ sinh cá nhân. Tôi cảm ơn thầy, cô ở Trung tâm rất nhiều.

Có thể thấy rằng, trẻ em khuyết tật luôn là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Vì vậy, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang mong rằng thông qua nhũng sân chơi như thế này, không chỉ mang lại những lợi ích về sức khỏe thể chất, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự tự tin, hòa nhập cộng đồng, bình đẳng cho các em khuyết tật.

H. TUYẾN - P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202404/ky-niem-44-nam-ngay-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-18-4-1980-18-4-2024-mang-niem-vui-su-tu-tin-cho-tre-khuyet-tat-1008278/