Mạng quốc tế ca ngợi nghệ thuật chiến đấu Đặc công Việt Nam

Nhiều trang mạng quân sự quốc tế có bài phân tích nghệ thuật - tinh hoa chiến đấu 'xuất quỷ nhập thần', đánh giá rất cao Đặc công Việt Nam, thậm chí còn cho rằng đặc nhiệm Mỹ cũng phải e ngại lực lượng này.

Trang mạng quân sự Toutiao cho rằng, Đặc công Việt Nam linh hoạt và năng lực sinh tồn cao "Mọi người đều biết, bộ đội Việt Nam được rèn luyện trong chiến tranh lâu dài sau Thế chiến thứ 2 cho nên sức chiến đấu rất mạnh. Nhưng nói tới quân đội Việt Nam, trước hết bạn nghĩ tới lực lượng nào?".

Đó chính là Đặc công Việt Nam. Được biết Đặc công Việt Nam là một binh chủng trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Biên chế tối đa của lực lượng này hiện nay là cấp Lữ đoàn, mỗi lữ đoàn biên chế 1.600 người, bên dưới chia ra 3 tiểu đoàn đặc công và các đại đội trực thuộc gồm trinh sát, hỏa lực, quân y...

Mỗi tiểu đoàn biên chế hơn 400 người, gồm 3 đại đội đặc công và các trung đội hỏa lực, trinh sát, thông tin... Mỗi đại đội biên chế hơn 100 người, gồm 3 trung đội. Mỗi trung đội có 3 tiểu đội. Tiểu đội là đơn vị cơ bản của Đặc công Việt Nam khi chấp hành nhiệm vụ chiến đấu.

Trang bị của Đặc công Việt Nam cũng rất đặc biệt, chủ yếu gồm có pháo không giật (ĐKZ) 82mm, súng cối 82mm, súng cối 60mm, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng tiểu liên, súng trường tiến công, các loại lựu đạn cầm tay, mìn cùng các thiết bị liên lạc.

Biên chế bộ đội Đặc công Việt Nam linh hoạt, hiệu quả cao và tinh gọn. Họ chú trọng độc lập chỉ huy, độc lập hành động, trong chiến đấu thường không có liên lạc và hỗ trợ từ cấp trên, cũng không hỗ trợ lẫn nhau.

Các đơn vị đặc công chiến đấu độc lập là chính, tự chiến đấu, tự rút lui sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có năng lực tác chiến độc lập cực mạnh. Hành tung của họ bất định, năng lực sinh tồn rất cao.

Về chiến thuật, đặc công Việt Nam qua thời gian dài được chiến tranh rèn dũa, đã tổng kết ra một số phương thức chiến thuật đặc sắc, khiến cho chiến thuật của họ đạt tới tiêu chuẩn cực cao.

Ở Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến đấu viên đặc công đều là những người có trình độ, khả năng toàn diện nhất, am hiểu phong tục tập quán các địa phương; luôn mưu trí, táo bạo, dũng cảm, chủ động cao trong tất cả các nhiệm vụ dù là khó khăn, bất lợi nhất.

Trong ba lực lượng đặc công, lực lượng "Đặc công biệt động" Việt Nam được ít khi nhắc đến, do tính chất lâu dài của các cuộc kháng chiến trước đây và để phù hợp với phương châm, phương thức hoạt động tác chiến ở thành phố, do vậy lực lượng đặc công biệt động hầu như chỉ hoạt động vào ban ngày và rút lui về đêm.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã đồng loạt tiến công nhiều mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng to lớn của quân và dân miền Nam, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Ngày nay nghệ thuật tác chiến của đặc công biệt động vẫn đặc biệt được phát huy, và được nâng lên một tầm cao mới, trong điều kiện chiến tranh hiện đại, khi địch sử dụng công nghệ cao.

Để đạt được yếu tố bất ngờ trong chiến đấu, Đặc công Việt Nam luôn nắm vững, tận dụng tốt các điều kiện thời tiết như đêm tối, sương mù, mưa gió và các địa hình phức tạp, còn rất chú trọng ngụy trang.

Khi tiềm nhập vào khu vực của địch, những người lính đặc công thường hóa trang thành quân nhân đối phương hoặc là dân cư địa phương, sử dụng ngôn ngữ nước địch, xuất hiện ở sâu trong hậu phương đối phương một cách tài tình, tấn công vào chỗ yếu hại của địch hoặc thu thập tình báo. Tất cả đã được nâng tầm thành tinh hoa - nghệ thuật chiến đấu chỉ có ở lực lượng Đặc công Việt Nam.

Video Đặc công Việt Nam diễn tập chống khủng bố tại Singapore - Nguồn: QPVN

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/mang-quoc-te-ca-ngoi-nghe-thuat-chien-dau-dac-cong-viet-nam-1468233.html