Mang tết ra Nhà giàn DK1 (Bài 4)

Những ngày cuối năm 2022, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, những nhành mai, nhành đào đã bắt đầu bung nở, khoe sắc rực rỡ chuẩn bị cho giây phút chuyển giao sang năm 2023. Thời khắc ấy, đoàn công tác và phóng viên chúng tôi lên đường, vượt trùng dương rộng lớn mang hơi ấm, không khí, tình cảm của đất liền tới Nhà giàn DK1 - nơi đầu sóng ngọn gió có các chiến sĩ hải quân kiên trung, ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 4: Sức trẻ nơi đầu sóng ngọn gió

Những chàng trai mười tám, đôi mươi mang theo khát khao cống hiến, chắc tay súng nơi biển, đảo thân yêu, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào người lính hải quân

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trên Quân cảng Lữ Đoàn 171, trước khi các chuyến tàu Trường Sa 10, Trường Sa 21 khởi hành đi chúc tết, thay quân tại các Nhà giàn DK1, đã có những cuộc chia tay, những cái hôn, cái siết tay thật chặt của người thân dành tạm biệt các cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ. Trong số đó, có gia đình, người thân của những chiến sĩ trẻ lần đầu ra với biển, đảo với Nhà giàn DK1.

Tiễn con trai lên đường làm nhiệm vụ, bà Cam Ngọc Anh - mẹ của chiến sĩ trẻ Lê Đình Ngọc Tân (SN 2001) ở phường 1, TP.Vũng Tàu không giấu nổi xúc động xen lẫn tự hào khi tạm biệt con trai lên đường làm nhiệm vụ. Đây cũng là năm đầu tiên Tân đón tết xa gia đình.

Phụ huynh của các chiến sĩ trẻ động viên con trước giờ xuất phát ra nhà giàn làm nhiệm vụ

Là con út trong nhà có 4 anh em trai, Tân vinh dự có ba và anh trai từng tham gia, phục vụ trong quân ngũ. “Được cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của thanh niên. Với truyền thống của gia đình, mẹ mong con cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - bà Cam Ngọc Anh dặn dò con trai.

Chưa từng hình dung nơi biển, đảo, nhà giàn mình sẽ gắn bó, chưa được nhìn thấy sự khắc nghiệt của thời tiết nơi trùng khơi nhưng trong suy nghĩ của Tân, được ra nơi này làm nhiệm vụ là niềm tự hào, khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim mà những chiến sĩ trẻ như Tân đang khát khao được cống hiến. “Nghe mọi người nói thời tiết ngoài biển đảo xa xôi rất khắc nghiệt nhưng tôi sẽ nỗ lực khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - Tân bộc bạch.

Sau 2 ngày xuất phát và vượt qua hành trình hơn 200 hải lý, đến thăm Nhà giàn DK1/9, thuộc cụm Ba Kè, chúng tôi bắt gặp khuôn mặt hiền lành, nụ cười chân chất, lạc quan của Đại úy Trần Quốc Hoàng, Chỉ huy Nhà giàn DK 1/9 (ngụ phường 11, TP.Vũng Tàu). 35 tuổi đời, 17 tuổi quân, từng cử chỉ, lời nói của người chỉ huy trẻ Nhà giàn DK1/9 rất chững chạc.

Niềm háo hức của chiến sĩ trẻ lần đầu ra nhà giàn

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng chia sẻ, trên vai cán bộ, chiến sĩ nhà giàn là trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Khi đến đây, cán bộ, chiến sĩ có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó, quan trọng nhất là phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Song song đó, chúng tôi luôn nỗ lực giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. “Với chúng tôi, nhà giàn là nhà, biển đảo là quê hương, vững tư tưởng “Còn người, còn nhà giàn”, tôi cùng anh em chiến sĩ nguyện một lòng cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân” - anh Hoàng nói.

Cùng chung lý tưởng, khát khao cống hiến, chiến sĩ Nhà giàn DK 1/9 Võ Hồng Ân, (SN 2003), ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã có 10 tháng tuổi quân, hơn 2 tháng sinh hoạt, học tập rèn luyện trên nhà giàn.

Nơi biển, đảo xa xôi, Ân rất nhớ nhà, nhớ người thân nhưng phải tập làm quen, dần thích nghi, tạm gác việc riêng để tập trung hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó. “Ra nhà giàn, tôi được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt nơi biển, đảo, biết tăng gia, sắp xếp công việc, giữ gìn nề nếp người lính đảo,... Anh em sống với nhau đoàn kết như một gia đình giúp tôi bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo” - Ân chia sẻ.

Gác đại học ra nhà giàn

Trong nhiều cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/9 có Trung sĩ Võ Sỹ An Nguyên - chàng lính trẻ sinh năm 2002, quê gốc Khánh Hòa đang là sinh viên năm 2 của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Nguyên chia sẻ: “Năm trước, do dịch Covid-19 nên nhà trường cho chúng tôi tạm nghỉ để cách ly. Lúc ở nhà, thời gian rảnh rỗi, tôi có tìm hiểu về Hải quân và mong muốn tham gia để góp sức bảo vệ Tổ quốc. Tôi cảm thấy thật may mắn khi không chỉ được trở thành một người lính Hải quân mà còn là chiến sĩ nhà giàn để bảo vệ biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.

Trung sĩ Võ Sỹ An Nguyên tạm rời xa bục giảng lên đường làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/9

Được biết, trước đây, ba Nguyên cũng từng là lính Hải quân nên khi biết được quyết định tạm gác việc học để viết đơn tự nguyện tham gia bộ đội Hải quân của con trai thì cả gia đình đều ủng hộ.

“Khi biết được việc tôi tạm gác việc học để viết đơn tự nguyện tham gia bộ đội Hải quân, gia đình, người thân, bạn bè đều ủng hộ. Tôi luôn muốn được giống ba để sau này có thể tự hào kể lại cho ba và con của mình nghe về những điều mình từng trải qua trong quân đội” - Nguyên chia sẻ thêm.

Giữa mênh mông biển trời sóng nước, trước muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt nhưng các Nhà giàn DK1 cùng cán bộ, chiến sĩ vẫn vững chãi, hiên ngang như một biểu tượng của ý chí, bản lĩnh và quyết tâm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

(còn tiếp)

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mang-tet-ra-nha-gian-dk1-bai-4--a148352.html