Mang thai có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động?

Bạn đọc có email camx@xxx hỏi: Hiện tôi đang mang thai ở tuần thứ 3 và đang làm việc tại công ty theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vừa qua, tôi đi khám và được bác sĩ thông báo thai không ổn định. Xin hỏi tôi có thể tạm hoãn hợp đồng lao động được không? Nếu có, sau khi tạm hoãn, tôi phải làm thủ tục gì để tiếp tục làm việc?

Luật gia Phạm Thị Minh Ngọc, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Khoản 4 Điều 32 Bộ luật Lao Động 2012 quy định về một trong các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

4. Lao động nữ mang thai.

Quyền tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao Động về chính sách đối với lao động nữ như sau:

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

3. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Căn cứ quy định trên, nếu bạn có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Việc tạm hoãn hợp đồng lao động và đi làm lại sau khi hết thời gian tạm hoãn được thực hiện theo quy định trên.

MINH NGỌC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/mang-thai-co-duoc-tam-hoan-thuc-hien-hop-dong-lao-dong-614359.ldo