Mang thông điệp Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Hà Thanh GiangSau gần 22 tiếng đồng hồ bay và hai tiếng dừng kỹ thuật, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73 đã hạ cánh xuống thành phố Niu Oóc (Hoa Kỳ). Là nơi 'đóng đô' của LHQ, tổ chức quyền lực và lớn nhất thế giới, Niu Oóc những ngày này dường như đông đúc và nhộn nhịp hơn, khi mà đông đảo các nguyên thủ, nhà lãnh đạo, quan chức của 193 nước thành viên LHQ tập trung về đây dự Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề: 'Làm cho LHQ gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững'.

Kể từ khi gia nhập LHQ, tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, từ năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ, đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia tích cực, có những đóng góp cụ thể vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ và xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Đóng góp của Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, nhất là trong hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc LHQ. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của LHQ và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới, như mô hình “Thống nhất hành động - Một LHQ” tại Việt Nam...

Tham dự Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 này, trước đông đảo các nguyên thủ, nhà lãnh đạo trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngày nay, LHQ đã thật sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh của các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ trong hơn 70 năm qua. Thủ tướng trịnh trọng tuyên bố, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quốc tế đa phương và tích cực, đóng góp thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của LHQ về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người. Việt Nam nhất quán trong việc đề cao Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

Thủ tướng nêu bật quan điểm, không một quốc gia nào, dù đó là cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Thủ tướng đề nghị “trách nhiệm kép” - mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vai trò của LHQ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của LHQ và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững”. Thủ tướng bày tỏ, trong tiến trình này, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng LHQ hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.

Thông điệp của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã được Đại hội đồng LHQ nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá rất cao. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang vận động tích cực để ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chính nhờ những nỗ lực nêu trên mà chúng ta đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi, tích cực của rất nhiều nước, nhất là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi lên đường đi dự diễn đàn quan trọng và lớn nhất hành tinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Trong bối cảnh thế giới hiện nay các thách thức truyền thống và phi truyền thống ngày càng diễn biến nhanh, phức tạp, buộc các quốc gia, khu vực phải chung tay cùng giải quyết. Vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương, trước hết là LHQ, hơn lúc nào hết ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ cũng là dịp để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành các hoạt động tiếp xúc song phương quan trọng, cũng như quảng bá cơ hội kinh tế với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, mặc dù thời gian thực hoạt động của Thủ tướng ở Niu Oóc chỉ hơn 10 tiếng. Ngay sáng 27-9, với lịch trình hết sức bận rộn, dày đặc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn dành thời gian dự Tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hàng chục lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ đã có mặt từ rất sớm, sôi nổi thảo luận các cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam. Điều này cho thấy “sức nóng”, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện nay. Với tinh thần trân trọng sự hợp tác của các nhà đầu tư, Thủ tướng đã bắt tay từng lãnh đạo tập đoàn Hoa Kỳ.

Chia sẻ với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm nay, triển vọng kinh tế Việt Nam hết sức tích cực. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm ăn thành công tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các tập đoàn đề cập thẳng những băn khoăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác làm ăn; chia sẻ, khuyến nghị những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam cần phải làm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông B.Xan-tốt, Đại diện Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, cũng như nỗ lực, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông cho biết, lĩnh vực đầu tư phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo... tại Việt Nam rất có triển vọng và thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đại diện các tập đoàn Hoa Kỳ cũng sôi nổi đóng góp ý kiến và đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam; bày tỏ sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam; kiến nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong hoạt động đầu tư. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều gương mặt với nụ cười mãn nguyện của các nhà đầu tư sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số Bộ trưởng của Việt Nam giải đáp ngọn ngành các thắc mắc.

Nhân khóa họp, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam còn có cuộc tiếp xúc quan trọng với Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét; một số nguyên thủ, nhà lãnh đạo thế giới. Những cuộc gặp, tiếp xúc song phương cho thấy vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng và mang đến một thông điệp mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế: Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của LHQ. Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển; một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dân chủ và dựa trên luật lệ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37761502-mang-thong-diep-viet-nam-den-voi-cong-dong-quoc-te.html