Mạng xã hội đang là kênh tiếp cận, hỗ trợ mới cho người nhiễm HIV

Hơn 50% người dân Việt Nam tiếp cận với internet và hầu hết đang sử dụng mạng xã hội. Trong đó, phần lớn nhóm nguy cơ nhiễm HIV cao đều dùng mạng xã hội. Đây cũng là kênh thông tin mới để giúp cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ cho người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao.

Nói về vai trò của mạng xã hội đối với người nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao, TS-Bác sỹ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chia sẻ: Hiện nay mạng xã hội có vai trò quan trọng vì khả năng tiếp cận, thông tin ngay, thông tin cập nhật. Mạng xã hội tiếp cận một số lượng lớn khách hàng; tiếp cận khách hàng có nguy cơ cao nhưng chưa có thông tin hoặc còn lưỡng lự trong việc tiếp cận dịch vụ HIV. Qua đó, hỗ trợ khách hàng tuân thủ điều trị và hỗ trợ những đơn vị cung cấp dịch vụ mang lại những dịch vụ chất lượng cao hơn.

TS. Kimberly Green, GĐ Dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết: Truyền thông trực tuyến mang lại cơ hội tiếp cận những cá nhân có nguy cơ cao, những người thường không tiếp cận với dịch vụ HIV trước đó. Việc gắn kết người dùng qua facebook và ứng dụng mạng xã hội như grindr và khai thác dữ liệu lớn cho phép tiếp cận nhanh đến hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước.

 TS. John Eyres, GĐ chương trình y tế của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam có sáng tạo trong dự phòng và quản lý HIV. ảnh: D.T

TS. John Eyres, GĐ chương trình y tế của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam có sáng tạo trong dự phòng và quản lý HIV. ảnh: D.T

TS. John Eyres, GĐ chương trình y tế của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, với việc áp dụng các can thiệp mới, như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), Việt Nam được biết đến như là quốc gia sáng tạo trong dự phòng và quản lý HIV. Đối với cách tiếp cận người nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao qua công cụ trực tuyến đang thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV, PrEP và sản phẩm thiết yếu như bao cao su đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu 90-90-90.

Là một đơn vị đang thực hiện cung cấp dịch vụ trực tuyến cho cộng đồng người nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao, ông Lê Minh Thành, GĐ doanh nghiệp xã hội Thành Danh cho biết: Chúng tôi có một không gian an toàn để những người có nguy cơ nhiễm HIV học hỏi, trao đổi về tình dục an toàn hơn và dịch vụ, như tự xét nghiệm HIV, dự phòng phơi nhiễm. Qua trực tuyến, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn, đặc biệt là những người ngại thảo luận về các chủ đề này công khai. Sau đó, chúng tôi kết nối họ với dịch vụ.

“Ví dụ, chúng tôi chia sẻ công cụ đặt lịch hẹn trực tuyến để kết nối những người có nguy cơ nhiễm HIV trực tiếp với dịch vụ, hướng dẫn họ đến với cửa hàng thương mại điện tử của chúng tôi để mua bao cao su, chất bôi trơn và giúp họ tuân thủ dự phòng trước phơi nhiễm lâu dài”, ông Lê Minh Thành dẫn chứng.

Thời gian qua, một số địa chỉ facebook dành cho người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao đã thu hút lượng theo dõi khá lớn. Facebook “Xóm cầu vồng” và “Cô nàng gợi cảm” hiện đang có số lượng người theo dõi tương ứng hơn 230.000 và 10.000. Ứng dụng “Tôi hẹn” đã có 479 người đặt hẹn thành công sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó 12,5% được chẩn đoán dương tính HIV. Tỷ lệ dương tính này cao gấp đôi so với khách hàng trực tiếp đến với dịch vụ chứng tỏ rằng công cụ trực tuyến hiệu quả trong việc tiếp cận những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất.

Mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đặt ra là đến năm 2020 có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp.

Việc thông qua mạng xã hội thúc đẩy, hướng dẫn sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục là biện pháp để phòng chống HIV nhằm giảm số người mắc mới; đồng thời, thông qua mạng xã hội giúp người nhiễm HIV tiếp cận được với dịch vụ để điều trị; người có nguy cơ cao biết được tình trạng nhiễm của mình… Từ đó góp phần mạnh mẽ thực hiện mục tiêu 90-90-90 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mang-xa-hoi-dang-la-kenh-tiep-can-ho-tro-moi-cho-nguoi-nhiem-hiv-113498.html