Mạng xã hội giám sát chặt chẽ những hành vi, ứng xử lệch chuẩn

Có lẽ cả vị Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) và ông tướng về hưu khó có thể ngờ rằng cách ứng xử có tính nhất thời của mình, dù chỉ xuất phát từ những sự việc tưởng chừng hết sức đơn giản, lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội những ngày qua với nhiều ý kiến trái chiều.

Hình ảnh của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân bị đưa lên mang xã hội.

Sự giám sát từ công nghệ và mạng xã hội

Theo nhận định của TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với công nghệ ngày càng hiện đại và phát triển, mỗi hành động, mỗi ứng xử cá nhân, từ việc tốt cho đến việc không tốt đều bị giám sát, đều dễ dàng bị ghi hình và phát tán lên mạng xã hội.

"Đối với những người dân bình thường, khi hành động lệch chuẩn của họ chẳng may bị đưa lên mạng xã hội có thể không gây sự chú ý nhiều với dư luận. Nhưng với người là cán bộ, công chức, người có địa vị hay người của công chúng thì những hành vi, ứng xử không đẹp, không đúng chuẩn mực sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện bàn tán, phê phán mạnh trên mạng, rồi báo chí vào cuộc” –TS Thắng nói.

Trở lại câu chuyện bà Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cùng đồng nghiệp đi ăn trưa trên đường Nguyễn Quý Đức, chỉ vì chuyện đỗ ô tô dẫn đến lời qua tiếng lại với người chủ quán cà phê. Có lẽ câu chuyện sẽ không bị đẩy lên thành vấn đề nếu như không có sự xuất hiện của vị Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc tại khu vực bà Trang và đồng nghiệp đỗ xe.

Theo TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học, trong tình huống này, với tư cách là cán bộ công chức, bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân nên có ứng xử phù hợp. Thay vì đưa ô tô ra nơi khác đỗ bà lại đứng gọi điện, lát sau cả Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường cùng xuất hiện. Cho dù bà Trang có giải thích là hai vị cán bộ trên tự đi ra, nhưng cách giải thích này không khiến dư luận hết hoài nghi và bức xúc.

“Dư luận đặt câu hỏi nếu chỉ là vụ việc của người dân liệu các vị lãnh đạo phường có mặt nhanh đến thế để giải quyết. Người dân cho rằng việc cả Chủ tịch và Trưởng Công an phường xuất hiện để “bênh” cấp trên cũng có cơ sở” – TS Bình nói.

Hình ảnh của Trung tướng Võ Văn Liêm khi bị CSGT dừng xe do lỗi chạy quá tốc độ.

Cần làm gì để không bị “soi”?

Nhìn nhận về vụ việc nóng khác, đó là vụ của Trung tướng Võ Văn Liêm - nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy T.Ư - khi bị CSGT TP. Cần Thơ yêu cầu dừng ô tô vì xe chạy quá tốc độ đã có những lời lẽ không hay với viên cảnh sát, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Dù ông Trung tướng nói rằng clip đã bị cắt gọt nhưng người xem vẫn thấy trong clip ông nói nhiều lời lẽ không đúng mực, lệch chuẩn. Dù hoàn cảnh dẫn đến sự nóng giận là thế nào, những với một người có địa vị xã hội như ông Liêm thì không nên có hành xử như thế”.

Vẫn theo TS Bình, trước đó đã có những vụ việc mà người có địa vị cư xử lệch chuẩn khiến dư luận bức xúc như vụ bà Phó Giám đốc Sở ở Bình Thuận bẻ hoa, hay vụ PGS –TS nguyên là lãnh đạo tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội đập kính xe ô tô người khác khi chiếc xe này đỗ chắn cửa nhà mình cũng bị đưa lên mạng xã hội.

"Những người trong cuộc không thể trách mạng xã hội được. Trong xã hội ngày càng phát triển nếu không phải là mạng xã hội thì cũng sẽ có những hình thức khác để giám sát hành động, cách ứng xử của mỗi cá nhân tại nơi công cộng” – TS Bình nói.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), khi cán bộ công chức có hành động, cách ứng xử thiếu văn hóa bị đưa lên mạng xã hội, bản thân họ cũng như gia đình phải đón nhận kết cục rất nặng nề. “Có thể ở cơ quan họ không bị phê bình hay khiển trách nhưng với sự đàm tiếu, phê phán của dư luận xã hội, đó chẳng khác những bản án” – LS Tiến nói.

Cả TS Trịnh Hòa Bình, TS Phạm Tất Thắng và TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) đều cho rằng, trong xã hội ngày càng phát triển, với sự giám sát chặt chẽ từ thiết bị công nghệ hiện đại, mỗi một công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức càng phải cẩn trọng trong mỗi hành vi ứng xử, biết cách điều chỉnh hành động đúng với chuẩn mực chung.

“Là cán bộ, công chức không được nghĩ đơn giản là chỉ cần ứng xử tốt trong cơ quan, trong giờ hành chính. Hết giờ làm việc ai cũng trở về với cuộc sống đời thường, khi giao tiếp với xóm giềng, bạn bè, cộng đồng, người cán bộ vẫn phải giữ được cách ứng xử văn hóa trên tinh thần tôn trọng người khác” – TS Khuất Thu Hồng nói.

TS Phạm Tất Thắng bổ sung: Với những người có địa vị, có ảnh hưởng trong xã hội, họ phải luôn tâm niệm mỗi hành vi của mình sẽ bị nhiều người chú ý hơn, bị giám sát bởi nhiều con mắt hơn. Chính vì thế càng phải giữ gìn sự chuẩn mực trong ứng xử.

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa. Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: Việc UBND TP.Hà Nội ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tháng 1.2017) là tín hiệu rất đáng mừng. Điều này cho thấy Hà Nội kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong ứng xử của cán bộ, công chức. Theo tôi đây cũng là một khâu trong cải cách hành chính, hướng tới việc phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, để hình ảnh cán bộ, chức chức, viên chức đẹp hơn trong con mắt người dân.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/mang-xa-hoi-giam-sat-chat-che-nhung-hanh-vi-ung-xu-lech-chuan-788555.html