Mạng xã hội thuần Việt: Giải pháp nào thu hút người dùng?

Xây dựng một mạng xã hội riêng của Việt Nam cho người Việt Nam - đó là khát vọng mà chúng ta đang nỗ lực hướng tới. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với các 'ông lớn' như: Google, YouTube, Facebook… chúng ta thực sự phải có những tính toán chiến lược ngay từ bây giờ.

Bộ TTTT đang thể hiện quyết tâm chiếm lại 60% - 70% thị phần Mạng xã hội bị các Mạng xã hội nước ngoài nắm giữ.

Bộ TTTT đang thể hiện quyết tâm chiếm lại 60% - 70% thị phần Mạng xã hội bị các Mạng xã hội nước ngoài nắm giữ.

“Không có mạng sinh thái số, Việt Nam thiếu sức mạnh đàm phán”

Không phải bỗng dưng Facebook chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thị trường Việt Nam, trong khi chúng ta vốn dĩ cũng có những sản phẩm mạng xã hội cung cấp cho người dùng sản phẩm thuần Việt. Có thể kể tới các tên tuổi như Tamtay, Yobanbe, Clipvn, Sannhac… Khoảng 10 năm trước, chúng ta tiếp tục có các mô hình mạng xã hội có tính tương tác cao hơn như Zing Me, Go.vn. Hai mạng này đã từng thu hút được khá nhiều người Việt dùng, tuy nhiên thị trường Việt Nam sau đó nhanh chóng bị Facebook này thu phục.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 8.9 vừa qua, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT một lần nữa kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ TTTT chủ trì xây dựng Hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam và công cụ tìm kiếm Việt Nam. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều quan trọng phải là doanh nghiệp Việt xây dựng, cho dù đó có thể không nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước. Bộ sẽ đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, tạo điều kiện phát triển giai đoạn đầu. Mục tiêu đến năm 2022 phấn đấu bằng hoặc hơn số tài khoản của Facebook tại Việt Nam (khoảng 60 triệu tài khoản, chiếm 60% - 70% thị phần).

Quyền Bộ trưởng cũng nhận định rằng “nếu không có hệ sinh thái số Việt Nam, Mạng xã hội Việt Nam thì chúng ta không có sức mạnh đàm phán với Facebook, Google. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong khi chúng ta không dám cắt dịch vụ” - ông Hùng khẳng định.

“Lùi một bước để tiến hai bước”

Làm thế nào để người dùng hưởng ứng lại là vấn đề không hề đơn giản. Điều này cũng được ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - đánh giá: Chúng ta cần đặt ra mục tiêu và nghiên cứu tính khả thi của mạng xã hội Việt. Nếu chúng ta xây dựng một mạng xã hội có tính năng, ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng thì chúng ta mới có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm khác của nước ngoài. Hiện tại chỉ có một số nước như Trung Quốc… có mạng xã hội riêng bởi họ không cho Facebook, Google vào. Vậy thì chúng ta có làm được thế không?

Giải quyết bài toán hạn chế sức ảnh hưởng của Facebook để Mạng xã hội Việt Nam có thể phát triển, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề xuất: “Chúng ta hiện nay cũng có lợi thế để đàm phán với Facebook, đó là chúng ta là thị trường trong top 10 của Facebook. Đối với doanh nghiệp vấn đề đàm phán quan trọng nhất là lợi ích. Bởi vậy, trong ngắn hạn, chúng ta có thể chấp nhận một sự sụt giảm về lợi nhuận để xử lý sự “bảo hộ”, sau đó chúng ta phát triển lại coi như một khoản đầu tư cho các đơn vị được giao phát triển hệ sinh thái số cho Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm của Trưởng ban Tuyên giáo và kết luận phải “triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng…”.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/mang-xa-hoi-thuan-viet-giai-phap-nao-thu-hut-nguoi-dung-629985.ldo