Mang Xuân đến Trường Sa, bài 3: Nhịp sống thanh bình nơi đầu sóng ngọn gió

Sáng thức dậy đón bình minh ở Trường Sa, đi dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ ê a học đánh vần trong lớp học, tiếng chuông chùa văng vẳng, tiếng các chiến sĩ hô vang khẩu hiệu tập điều lệnh…

Quân và dân đảo Trường Sa.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đảo Trường Sa hiện có đầy đủ hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân. Trường học trên đảo cũng được xây dựng khang trang, gồm nhóm lớp mầm non và tiểu học, có đầy đủ giáo viên và đồ dùng học tập, dạy các chương trình như ở trong đất liền.

Thầy Lê Xuân Hạnh, giáo viên phụ trách nhóm lớp tiểu học, là một trong những người làm đơn tình nguyện xin ra công tác tại Trường Sa. Thầy Hạnh tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã có mơ ước được làm chiến sĩ đóng quân ở Trường Sa. Khi Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa có công văn tuyển giáo viên ra công tác tại đây, tôi đã viết đơn đăng ký và được thỏa ước mong.

Những “mầm xanh” trên đảo Trường Sa.

Ban đầu, khi mới nhận lớp, thầy Hạnh cũng gặp một số khó khan, như: Các trò chưa quen thầy, nhóm lớp gồm nhiều lứa tuổi nên việc dạy học phải ghép nhiều chương trình. Tuy nhiên, thầy đã cố gắng sắp xếp, vừa dạy vừa tìm hiểu tính cách của từng cháu để có biện pháp truyền đạt phù hợp.

Hiện nay, các trò đã vào nền nếp, biết nghe lời thầy và có nhiều tiến bộ. Vừa dạy chương trình, thầy Hạnh vừa triển khai các hoạt động ngoại khóa để khơi dậy trong các trò tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo...

Cùng với trường học, bệnh xá trên đảo Trường Sa đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Đây là nơi khám, chữa bệnh, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo cũng như ngư dân gặp nạn.

Thiếu tá, bác sĩ Chuyên khoa I Dương Minh Chiến, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa (Bệnh viện Quân y 175) chia sẻ: Trong quá trình khám, chữa cho bệnh nhân, chúng tôi luôn thấm nhuần tư tưởng “Lương y như từ mẫu”, làm hết khả năng của mình để cứu chữa bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.

Bác sĩ tại Bệnh xá đảo Trường Sa khám sức khỏe cho nhân dân.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với bác sĩ Chiến đó là vào tháng 9-2023, Bệnh xá tiếp nhận một bệnh nhân sinh năm 1957, quê ở Quảng Ngãi. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi ARDS, tổn thương đa cơ quan, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, bác sĩ Chiến đã tiến hành đặt ống nội khí quản thở máy và điều trị cho bệnh nhân, sau đó cắt cử 2 y sĩ của Bệnh xá hộ tống chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng đường hàng không. Bệnh nhân sau đó được lọc máu cấp cứu trong nhiều giờ và hiện nay đã trở lại sinh hoạt bình thường, sức khỏe ổn định.

Được sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh xá đảo Trường Sa, nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu như thế đã qua cơn nguy kịch. Năm 2022, Bệnh xá đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 1.400 lượt người, năm 2023 là trên 1.700 lượt. Trong đó có 92 ca cấp cứu, trên 160 ca phẫu thuật; chuyển về đất liền cấp cứu 24 trường hợp bằng tàu và máy bay.

Những ngôi nhà của người dân trên đảo được xây dựng khang trang.

Rời trường học, bệnh xá, chúng tôi đến tham quan khu nhà ở của các hộ dân đang sinh sống trên đảo. Tất cả các ngôi nhà đều có thiết kế giống nhau và được sơn màu xanh nước biển, trước cửa nhà là dãy cây tra, dừa, bàng vuông tỏa bóng mát, trẻ con đạp xe nô đùa xung quanh.

Trong nhà, đồ đạc được bà con sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, đa phần các hộ dân đều có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện… Gặp người dân trên đảo, chúng tôi nhận thấy các gia đình đều chung tâm trạng hồ hởi, phấn khởi chuẩn bị đón mùa Xuân mới.

Anh Vi Hà Nam, một người dân sinh sống trên đảo, chia sẻ: Cuộc sống của bà con chúng tôi cơ bản đầy đủ. Ban ngày, khi các con đi học, chúng tôi cũng trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất và tham gia các công việc của đảo. Tình quân dân gắn kết keo sơn, nên ngoài giờ lên lớp, lũ trẻ nhà tôi thường chơi đùa cùng các chú bộ đội Hải quân…

Ấn phẩm của Báo Thái Nguyên đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa đã từng bước được nâng cao; hệ thống cáp truyền hình, sóng điện thoại bao phủ giúp bà con kết nối gần hơn với đất liền. Và hơn hết, những hoạt động ấm áp tình người nơi đảo xa như tiếp thêm sức mạnh để quân và dân gắn bó hơn với biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/bien-va-hai-dao/202401/mang-xuan-den-truong-sa-bai-3-nhip-song-thanh-binh-noi-dau-song-ngon-gio-1c9119e/