Manga đã cạnh tranh với những 'gã khổng lồ' phương Tây như nào

Tại thị trường Bắc Mỹ và EU, dòng truyện tranh manga của Nhật bản vẫn 'ăn nên làm ra' dù trước đó đã có những 'gã khổng lồ' xuất hiện như Marvel, Dargaud, Carlsen...

Hình ảnh trong bộ phim Demon Slayer's chuyển thể từ bộ manga cùng tên. Nguồn: Variety.

Trong văn hóa đại chúng, manga là một biểu tượng của dòng truyện tranh đến từ đất nước Mặt trời mọc. Không chỉ tại Việt Nam, ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, manga cũng rất phát triển. Các bộ truyện được chuyển ngữ thường xuyên xuất hiện trên nhiều bảng xếp hạng của độc giả bình chọn và nhà phát hành. Có ba lý do chính tạo nên thế mạnh cạnh tranh của manga tại các thị trường lớn này là giá rẻ, dễ tìm kiếm; chủ đề gần gũi với trẻ độ tuổi mới lớn; Cách kể truyện mới lạ.

Manga có mức giá tốt, dễ tìm kiếm điểm bán

Theo CBR, các bộ truyện như My Hero Academia, Demon Slayer Jujutsu Kaisen đều nổi lên trong những năm gần đây. Chúng góp mặt ở hầu hết danh sách bán chạy. Thống kê của NPD BookScan cho thấy bộ truyện Chainsaw Man đã bán được 270.000 bản, xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng. Theo sau đó là Spy x Family bán ít hơn 5.000 bản và Demon Slayer's ở vị trí thứ 8. Các bảng xếp hạng này hiện xếp manga vào chung với comic và tiểu thuyết đồ họa.

Lý do đầu tiên khiến manga có thể cạnh tranh lại những gã khổng lồ phương Tây là chúng sở hữu mức giá tốt, các điểm bán dễ tiếp cận. Với dòng truyện tranh, độc giả thường phải đến những cửa hàng dành riêng cho thể loại này. Chúng khá phổ biến tại nhiều thành phố, tuy nhiên, mạng lưới này không thể so được với chuỗi siêu thị bán lẻ Target, Walmart hay một số nhà sách. Đây mới là "sàn diễn" của manga. Chúng có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn, không chỉ thanh thiếu niên mà còn có người trưởng thành, phụ huynh của các em nhỏ.

Quầy truyện manga tại một cửa hàng sách Polygon, Mỹ. Ảnh: Ana Diaz.

Xét về giá cả, một tập manga có giá khoảng 5-8 đôla Mỹ trong khi một tập comic có giá 10-20 đôla. Tất nhiên, comic chi phí cao bởi đa phần chúng là những trang in màu hiện đại, độ dày mỗi tập lên tới hơn 100 trang. Manga dường như rất phù hợp với các nhóm thiếu niên trong độ tuổi 13-16 tuổi.

Manga hướng đến chủ đề gần gũi

Nhiều bộ manga tập trung vào các tình huống hàng ngày, đặc biệt là các câu chuyện lấy bối cảnh trường học. Các rắc rối học đường của người Nhật không quá khác biệt so với phương Tây dù là hai nền văn hóa trái ngược nhau. Học sinh cũng có nguy cơ phải trải qua bạo lực, cô đơn, áp lực từ bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, độc giả ở khắp nơi trên thế giới đều có thể phần nào thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong câu chuyện.

Kể cả với mảng đề tài siêu anh hùng, chiến tranh, kỳ bí, nhân vật chính của các bộ manga đa phần là những cô gái, chàng trai trong quá trình trưởng thành. Thậm chí họ chỉ là những đứa trẻ như trong Spy x Family, Yakusoku no Neverland, Captain Tsubasa...

Captain Tsubasa từng là bộ truyện nổi tiếng trong mảng chủ đề thể thao và đời sống trường học trên thế giới. Ảnh: Variety.

Theo chia sẻ của một số độc giả, thế giới truyện tranh manga thân thiện và cởi mở về chủ đề LGBT hơn so với comic thông thường. Cho đến gần đây, DC mới cho ra mắt siêu anh hùng song tính, con trai của Superman thì trước đó, manga đã có hàng loạt bộ truyện nói về tình yêu người đồng tính. Chúng được gọi là yaoi hay yuri.

Nhân vật chính trong manga được thiết kế theo logic mới

Các nhân vật trong comic thường được tái sinh nhiều đến mức phi logic, điều đáng nói là họ không lớn lên hay có dấu hiệu già đi trong suốt hàng thập kỷ. Một hình tượng lặp đi lặp lại qua rất nhiều cuộc hành trình khiến độc giả cảm thấy nhàm chán. Các tác giả luôn phải cố gắng nghĩ ra những cách thức sáng tạo nhất để đưa những người anh hùng trở lại từ cõi chết. Đó có thể là khả năng hồi sinh bởi một giống loài cao cấp hơn, phương pháp chữa bệnh bí ẩn... Khi điều này lặp lại quá nhiều, không ai cảm thấy xúc động trước sự hy sinh nữa.

Phân đoạn Jiraya bị hạ gục khiến nhiều người hâm mộ bộ truyện Naruto tiếc nuối. Ảnh: CBR.

Trong khi đó cái chết của nhân vật như Jiraya hay Neji trong Naruto đều khiến độc giả cảm động. Cái chết của họ đúng nghĩa là sự mất mát và không có phương thuốc hồi sinh nào có thể đem họ trở lại với tuyến truyện. Cái chết của một nhân vật còn có thể trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của cộng đồng người hâm mộ trong nhiều ngày. Từ hiệu ứng dư luận đó, bộ truyện càng trở nên nổi tiếng hơn.

Các bộ truyện của DC, Marvel thường có khái niệm tái khởi động sự kiện. Một series được xuất bản từ những năm 1970 có thể được làm lại vào những năm 2000. Các tác giả sẽ tạo ra một nút thắt nào đó để sự kiện được tái hiện. Điều này khiến cho độc giả khó chịu vì nếu muốn hiểu tập mới, họ sẽ phải đọc lại cả những series xuất bản rất lâu trước đó và cả những phần ngoại truyện. Còn với manga, trình tự sắp xếp rõ ràng từ tập đầu cho tới tập cuối. Độc giả không phải mất công sưu tầm, tìm hiểu vì mọi thứ đều gói gọn trong một diễn biến chính.

Hơn nữa, các nhân vật trong manga khi được chuyển thể rất sát với nguyên gốc. Khi khán giả muốn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo trong thế giới anime họ buộc phải tìm tới manga gốc. Nhưng các phiên bản chuyển thể của comic lại không như vậy. Họ tách biệt truyện tranh với điện ảnh khiến cho hai mảng này không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhau.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/manga-da-canh-tranh-voi-nhung-ga-khong-lo-phuong-tay-nhu-nao-post1431403.html