Mạnh dạn tự chủ đại học

Tự chủ đại học là vấn đề xã hội quan tâm. Mùa tuyển sinh năm nay, việc các trường được quyết định chỉ tiêu, điểm sàn; thậm chí cả câu chuyện nâng điểm chuẩn 'ảo' để đánh trượt thí sinh- khi nhà trường không thể tiếp tục ngành đào tạo với số lượng sinh viên quá ít… càng thu hút sự chú ý của dư luận.

Ảnh minh họa.

Khắc phục tâm lý sợ tự chủ

Tại hội thảo mới đây diễn ra tại Hà Nội về tự chủ giáo dục ĐH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường ĐH với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP, gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.

Bộ Tài chính cho hay, trong giai đoạn 2013 - 2017, ngân sách nhà nước đã chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục ĐH. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho bậc đào tạo này còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách và từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế…

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, hiện cả nước có 23 trường ĐH đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính… song thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, hành chính. Mặc dù được tự chủ nhưng làm gì cũng phải xin phép. Do đó, về định hướng, ông Phúc cho rằng phải thể chế hóa tự chủ ĐH, trong đó sửa Luật Giáo dục ĐH là vấn đề hết sức cấp bách. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, còn các trường phải đổi mới thực sự để nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Hiện nay có một thực tế là đang thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường ĐH vừa làm vừa run. Vì vậy cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường; đẩy mạnh tự chủ đồng thời phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Đồng tình với nhận định này, TS Nguyễn Thị Minh Hồng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, với cơ chế chính sách hiện nay, sức ỳ và tính bảo thủ của các trường ĐH Việt Nam còn khá lớn. Vì sợ trách nhiệm, nên nhiều hiệu trưởng còn vẫn tư duy nhiệm kỳ. Do đó, cần giải được bài toán này.

Hiểu đúng về tự chủ

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Các nước càng thành công hơn thì mức độ tự chủ càng nhiều hơn.

Trao đổi tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề cần tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nguyên Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. Các trường hầu như mới chỉ chú ý đến cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí. Điều này nếu không được điều chỉnh có thể sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với nền giáo dục.

Lãnh đạo Trường ĐH Huế cũng nêu quan điểm: Hiện nay có nhiều mô hình ĐH nhưng liên kết còn kém, chủ yếu đóng khung trong các trường đơn ngành. Cần làm sớm, làm nhanh khái niệm “tự chủ” với các trường, tránh tình trạng chỉ loay hoay với tự chủ tài chính, đặc biệt là học phí.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, hiện Việt Nam còn khoảng cách lớn giữa định hướng chính sách và thực tế triển khai. Tuy nhiên đây vẫn là xu hướng cần thiết để nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống và trong xu thế hội nhập Chính phủ có thể hỗ trợ trường học xuất sắc, nhưng không nên tập trung quá nhiều vào bảng xếp hạng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: Chúng ta cần phải hiểu đúng ý nghĩa của cụm từ “tự chủ đại học” và “luật hóa” trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tới đây. Do đó, tự chủ về tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Nguồn thu có từ học phí, hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, kết hợp tác với doanh nghiệp, thu từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng và quan trọng vẫn là ngân sách nhà nước. Khi có tự chủ về nguồn thu, các trường được tự chủ về việc chi.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/manh-dan-tu-chu-dai-hoc-tintuc413239