Mảnh đất “long tranh hổ đấu”

- Trung Đông vốn luôn được coi là “điểm nóng”, là “lò lửa” của thế giới. Thời gian gần đây, “lò lửa” ở Trung Đông đang có chiều hướng được thổi bùng trở lại.

Xung đột Israel – Palestine vẫn chưa tìm được lối thoát, thậm chí trở nên căng thẳng hơn khi Israel tiếp tục chính sách xây dựng các khu định cư trên vùng đất chiếm được sau cuộc chiến tranh A-rập – Israel năm 1967, hành động bị luật pháp quốc tế coi là bất hợp pháp. Các tuyên bố mạnh mẽ giữa một bên là Li-băng và Xi-ri và bên kia là Israel về khả năng xảy ra xung đột cũng như việc sẵn sàng đáp trả các hành động hiếu chiến khiến người ta có cảm giác hoài nghi về tương lai hòa bình cho khu vực. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề mang tính thời sự và tiềm ẩn nhiều tác động sâu sắc nhất đối với khu vực Trung Đông hiện nay xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran bởi hai lý do chính. Một mặt, cục diện chính trị khu vực hay cán cân quyền lực khu vực sẽ thay đổi hoàn toàn nếu Iran thành công trong chương trình hạt nhân của mình để sản xuất vũ khí hạt nhân như Mỹ và phương Tây khẳng định. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đưa Iran lên địa vị “ông kẹ” trong khu vực với phương tiện “răn đe” hữu hiệu đối với các thế lực khác mà trực tiếp nhất là Israel. Đây cũng sẽ là phương tiện để Iran đóng vai trò “anh cả” trong thế giới Hồi giáo nói chung và Hồi giáo Shiite nói riêng chống lại các lực lượng bị coi là thù địch. Mặt khác và nguy hiểm hơn là khả năng xảy ra chiến tranh khu vực nếu vấn đề hạt nhân Iran không được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực luôn hiện hữu khi mà Israel vẫn bảo lưu quan điểm tấn công phủ đầu để phá hủy các cơ sơ hạt nhân của Iran như đã từng làm với Iraq vào đầu thập niên 80. Nếu chiến tranh xảy ra, nó sẽ không giới hạn là một cuộc chiến giữa hai nước Iran và Israel mà còn liên quan tới Mỹ và các đồng minh ở vùng Vịnh cũng như Xi-ri, Li-băng và Palestine. Với dân số đông, diện tích lớn, trữ lượng dầu khí khổng lồ, tiềm lực quân sự đáng kể và vị trí địa lý chiến lược hiểm yếu, Iran là một cường quốc khu vực có ảnh hưởng quan trọng ở Trung Đông. Tuy chưa phải là một trung tâm quyền lực chính trị như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ nhưng với tiềm lực hiện nay, Iran xứng đáng là một “người chơi” quan trọng trên vũ đài địa-kinh tế, địa-chính trị của khu vực. Theo đánh giá của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ: đến năm 2025, nhiều khả năng Iran sẽ trở thành cường quốc chủ đạo tại Trung Đông. Để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, phương Tây và Israel, đã có nhiều biện pháp nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, do lợi ích tại Iran là khác nhau, các trung tâm quyền lực của thế giới (các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết tận gốc vấn đề. Trong khi Mỹ, Israel và phương Tây muốn có các biện pháp mạnh mẽ trừng phạt Iran thì Trung Quốc và một phần nào đó là Nga, những nước có nhiều quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là về dầu khí với Iran, tỏ ra không mấy mặn mà. Do đó, ngoài việc yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên ngăn chặn việc cung cấp, bán, chuyển giao hàng hóa và công nghệ trực tiếp hoặc gián tiếp từ lãnh thổ của mình có thể phục vụ cho việc phát triển chương trình hạt nhân của Iran; cảnh giác và kiềm chế cung cấp vũ khí thuộc diện kiểm soát của quy định đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc cho Iran, các nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua mới chỉ dừng ở mức độ “kêu gọi” các nước thận trọng trong quan hệ về tài chính và ngân hàng với Iran, tránh để các hoạt động này phục vụ việc phát triển vũ khí hạt nhân hay các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân (tên lửa) của Iran. Dù không đạt được sự đồng thuận đa phương trừng phạt Iran, Mỹ, Israel và phương Tây vẫn có những biện pháp đơn phương nhằm bao vây, cô lập và buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Tiêu biểu là Đạo luật trừng phạt Iran và Li-bi năm 1996 của Mỹ (Năm 2006 đổi thành Đạo luật trừng phạt Iran - Iran Sanctions Act). Theo đó, các công ty nước ngoài đầu tư từ 20 triệu USD trở lên vào lĩnh vực dầu khí của Iran sẽ bị áp đặt hai trong số sáu biện pháp trừng phạt như không được nhận các khoản vay, tín dụng từ các thể chế tài chính Mỹ có giá trị từ 10 triệu USD/1 năm hay không được tham gia bán hàng cho các chương trình mua sắm của chính phủ Mỹ… Tuy vậy, với lợi thế về tài nguyên dầu khí, Iran vẫn duy trì được quan hệ kinh tế , thương mại ổn định với một số đối tác. Cụ thể nhất là trường hợp của Trung Quốc, nước hiện có những dự án đầu tư dài hạn vào lĩnh vực dầu khí ở Iran có tổng trị giá hơn 100 tỷ USD. Đây chính là lý do Trung Quốc không hề hào hứng với các biện pháp trừng phạt Iran và lại càng không muốn xảy ra cuộc chiến phá hủy nguồn cung cấp dầu khí dồi dào và ổn định của mình ở khu vực Trung Đông. Việc Trung Quốc có lá phiếu phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn là chỗ dựa cho Iran “thoát hiểm” đối với các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng thực chất và sâu sắc của Liên hợp quốc. Bởi vậy, quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới vấn đề hạt nhân Iran. Việc Nga đang có những dấu hiệu chấp nhận lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Iran có thể sẽ khiến Trung Quốc có cảm giác bị “cô lập” khi tiếp tục sử dụng vị thế trong Hội đồng Bảo an để ngăn chặn các biện pháp trừng phạt lên Iran. Mặt khác, Trung Quốc cũng còn quá nhiều lợi ích tại đây để có thể buông rơi “con bài” Iran trong chính sách đối ngoại của mình, một “con bài” không chỉ mang lại lợi ích về đảm bảo an ninh năng lượng mà còn có thể được dùng để “mặc cả” với Mỹ trong nhiều vấn đề như hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan hay thái độ của Mỹ đối với vùng Tây Tạng. Xuyên suốt chiều dài của lịch sử, Ba Tư (Iran ngày nay) đã luôn là mảnh đất “long tranh hổ đấu” của nhiều nền văn minh, nhiều thế lực khác nhau. Thế kỷ 21 cũng không nằm ngoài quy luật đó khi mà Iran đang nằm trong vòng xoáy của các lợi ích đan xen giữa các trung tâm quyền lực của thế giới. Bản thân Iran cũng đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trên các phương diện chính trị, an ninh và kinh tế của khu vực. Tất cả những yếu tố này sẽ còn tiếp tục tương tác với nhau và ảnh hưởng tới tình hình Iran và khu vực. Huy Trung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/201003/Manh-dat-long-tranh-ho-dau-900731/