Mảnh đất màu mỡ cần bàn tay 'vàng' khai thác

Dư âm của bộ phim 'Lặng yên dưới vực sâu' chưa dứt, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã bắt tay vào triển khai dự án phim về đề tài dân tộc miền núi mới. Sự xuất hiện ít ỏi nhưng thành công của những phim về đề tài dân tộc, miền núi thời gian qua cho thấy, đây là một mảnh đất rất màu mỡ, hứa hẹn nhiều tiềm năng, cần những bàn tay 'vàng' khai thác.

Cảnh trong phim “Biên cương” quay tại Lào Cai. Ảnh: Lê Cẩm Thúy

Những “hạt ngọc” quý của điện ảnh Việt

Có thể nói, phim về đề tài dân tộc miền núi của Việt Nam không nhiều. Nhưng nhìn suốt chiều dài lịch sử phát triển điện ảnh Việt thì phim về đề tài này là những “hạt ngọc” quý, lấp lánh và gói ghém kỉ niệm của nhiều thế hệ yêu điện ảnh nước nhà.

Phim đề tài dân tộc và miền núi ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Năm 1961, bộ phim truyện về đề tài dân tộc và miền núi đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được sản xuất là “Vợ chồng A Phủ”, do nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản phim từ tiểu thuyết cùng tên của ông.

Năm 1964, bộ phim “Kim Đồng” ra đời cũng là kịch bản của nhà văn Tô Hoài, đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ. Bài hát Kim Đồng từ đó cũng đồng hành với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Phim “Cô gái vùng cao” cũng do đạo diễn Nông Ích Đạt thực hiện. Phim được xây dựng dựa vào tấm gương người tốt việc tốt, là cô gái người Tày Tô Thị Dỉnh mong muốn đưa ánh sáng văn hóa đến với các em nhỏ dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Tiếp đó là bộ phim tài liệu nghệ thuật “Những người săn thú trên núi Đắc Sao” kết hợp giữa truyền thuyết Đam San xưa kia đi tìm nữ thần mặt trời với những chàng trai Tây Nguyên hiện tại đi tìm diệt máy bay Mỹ trên đỉnh núi Đắc Sao, do đạo diễn Trần Thế Dân và nhà quay phim trẻ người Tây Nguyên là Kơpa Yvang xây dựng. Phim “Đất nước đứng lên” do đạo diễn điện ảnh Lê Đức Tiến - Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Ngọc. Còn rất nhiều phim như “Chom và Sa”, “Tiếng cồng định mệnh”, “Tiếng trống Pa ra nưng”, “Chim Phí bay về cội nguồn”, “Tình yêu Seo Ly”, “Tình thắm Sa Pa”, “Đỉnh núi mờ sương”, “Sau những mùa trăng” và “Trên đỉnh Nênh Zang”, “Đất lành”, “Trên cổng trời không có hoa anh túc”...

Nhiều người nhận định, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là hội nhập, trước quá nhiều vấn đề của đời sống, phim về đề tài dân tộc và miền núi dường như chững lại. Đến năm 2001, khi “Thung lũng hoang vắng” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang ra đời và đặc biệt là năm 2006, khi bộ phim điện ảnh “Chuyện của Pao” bước lên bục vinh danh đoạt liền 4 giải Cánh diều vàng thì người ta mới giật mình sửng sốt.

Những đạo diễn có tìm tòi khác lạ, cách khai thác hấp dẫn đã đem lại cái nhìn mới mẻ, đầy chất thơ nhưng không kém phần dữ dội về cuộc sống của con người vùng cao. Đó là những con người mới dù là ở miền xuôi lên hay sinh ra lớn lên bám rễ rồi về với đất ở nơi đây với những thân phận, tâm tư hết sức đáng chú ý. Đó là mảnh đất đầy tiềm năng để làm nên những tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Để sản xuất ra những bộ phim (điện ảnh hay truyền hình) về đề tài dân tộc và miền núi không phải dễ. Trước hết phải có kịch bản hay. Nếu quanh đi quẩn lại về chuyện hủ tục, về cuộc sống nghèo nàn thì sẽ dễ nhàm chán. Cũng như người miền xuôi, người miền núi đang đứng trước rất nhiều vấn đề. Khó khăn kinh tế, thiếu hiểu biết, con người đứng trước cơn lũ của thay đổi theo kinh tế thị trường nhưng làm sao vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc mình, tâm hồn mình, nét văn hóa độc đáo của người vùng cao; những giằng xé đấu tranh với tội ác và sự thiện lương ở những vùng biên hay vùng có nhiều tội phạm xuyên biên giới... là những vấn đề hết sức nhức nhối. Đưa vào phim ảnh ra sao để ra “màu” dân tộc mà vẫn thuyết phục người xem là điều vô cùng khó khăn.

Tiếp theo là vấn đề kinh phí. Đạo diễn Thế Hồng, Hãng phim Truyện - Đài Truyền hình Việt Nam từng chia sẻ: “Xây dựng một bộ phim về đề tài dân tộc, miền núi thường phải chi phí cao gấp 3-4 lần so với phim làm tại thành phố, đồng bằng. Thời gian quay phim ở vùng cao cũng dài hơn vì giao thông đi lại khó khăn, trong khi đó, thù lao cho cả ê-kíp làm phim lại quá thấp. Đó là lý do chúng tôi ngại làm phim về mảng đề tài này”.

Từ năm 2012, dù đã rất nỗ lực, nhưng do kinh phí có hạn nên chỉ có một số bộ phim được ra mắt như “Nước mắt người cha”, “Tiếng khèn”, “Vòng xòe dưới trăng”, “Đàn trời”. Mãi đến năm 2015, đạo diễn Bùi Huy Thuần mới tiếp tục cho ra mắt phim hình sự “Mạch ngầm vùng biên ải” khắc họa sinh động bức tranh về cuộc sống vùng biên và hoạt động của các chiến sĩ Biên phòng trên mặt trận chống buôn lậu.

Năm 2017, phim "Biên cương" ngợi ca hình ảnh chiến sĩ BĐBP đã được ra mắt người xem yêu điện ảnh. Phim do nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát làm tác giả kịch bản kiêm Giám đốc sản xuất, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đức Việt đạo diễn. Bộ phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc vùng cao nói riêng. Phim cũng khắc họa được nhiều nét văn hóa vùng cao, những phiên chợ Mông, những cuộc sống gia đình, làng bản, những sự trợ giúp thiết thực, đầy gắn bó về kinh tế, giáo dục, y tế của các chiến sĩ Biên phòng đối với cuộc sống của bà con vùng cao.

Gần đây, phim “Lặng yên dưới vực sâu” của đạo diễn Đào Duy Phúc và ê-kíp dựng lên từ truyện cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy kể về chuyện tình trắc trở của đôi trai gái người Mông ở vùng cao luôn tìm cách vượt lên cuộc sống khắc nghiệt để tìm đến hạnh phúc đích thực cũng khiến khán giả chú ý và đồng cảm.

Tuy vậy, với chỉ một số phim ít ỏi được “chỉ mặt đặt tên” như vậy rõ ràng chưa tương xứng với những vấn đề đặt ra cho đồng bào các dân tộc, miền núi trong thời hiện đại. Vì thế, cần nhiều hơn nữa nỗ lực để làm ra được những bộ phim có giá trị về vấn đề này.

Khắc phục khó khăn bằng cái tâm

Phim về đề tài dân tộc và miền núi là dòng phim có đặc thù riêng nên những người viết kịch bản, đạo diễn và cả diễn viên tham gia đóng phim phải có những hiểu biết, trải nghiệm nhất định. Thực tế cho thấy, sự khổ luyện và cái tâm, sự hết mình vì công việc đã cho họ kết quả mỹ mãn. Sở dĩ phim “Lặng yên dưới vực sâu” được khán giả yêu mến, đồng cảm là bởi, để cho ra được bộ phim đúng chất miền núi, ê-kíp làm phim đã mất 4 tháng trời lăn lộn nơi vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu hơn về đời sống của họ.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cùng với nhà văn Cao Duy Sơn đi khảo sát ròng rã mấy tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng để hình dung nhân vật với những bối cảnh cần xây dựng trong kịch bản “Đàn trời”. Ông cũng đã lặn lội vào tận bản xa xôi của người Dao tiền tìm hiểu đời sống của họ. Đoàn phim “Thung lũng hoang vắng” đã phải “ăn ở” dầm dề nhiều ngày trời cùng với đồng bào dân tộc thiểu số để hoàn thành những thước phim đầy nghệ thuật nhưng cũng hết sức hiện thực.

Mong sao, trong thời gian tới, việc đầu tư làm phim về đề tài dân tộc và miền núi sẽ được chú trọng hơn để vừa khắc họa sinh động đời sống đồng bào nơi đây, vừa tạo nên những tác phẩm điện ảnh chất lượng.

Lê Cẩm Thúy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/manh-dat-mau-mo-can-ban-tay-vang-khai-thac/