Mảnh đất màu mỡ cho xe điện Trung Quốc khi châu Âu cấm xe động cơ đốt trong

Đây chính là những đánh giá của Phó thủ tướng Italia sau khi Nghị viện châu Âu đồng ý ra Đạo luật cấm xe hơi động cơ đốt trong trên toàn lãnh thổ 27 các quốc gia thành viên từ năm 2035.

Với Đạo luật này, chỉ 12 năm nữa, châu Âu sẽ hoàn toàn trở thành một thị trường tiêu thụ hoàn toàn xe điện nhằm đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính phát thải từ xe động cơ đốt trong về 0.

Tuy nhiên, vẫn có không ít các quốc gia cật lực phản đối chính sách mới này của châu Âu. Tiêu biểu như Italia- nơi có nền công nghiệp ô tô nổi tiếng với những mẫu siêu xe thể thao đắt tiền, hiệu suất cao.

Ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Italia đã gọi luật mới của EU về việc cấm hơi động cơ đốt trong là một “sự tự sát” và như một “món quà” không thể tuyệt vời hơn cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

“Tất cả chúng ta đều biết và quan tâm tới chất lượng nước, không khí và mong muốn môi trường trong sạch hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là sa thải hàng triệu công nhân từ các phân xưởng ô tô và đóng cửa hàng ngàn doanh nghiệp", ông Salvini phát biểu.

Theo vị Phó Thủ tướng, cần phải có thêm thời gian và tiền bạc để đảm bảo một quá trình chuyển đổi điện khí hóa diễn ra suôn sẻ, thay vì chỉ là hơn một thập kỉ. Đó không khác gì một hành động tự kết liễu mình.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Italia, ông Antonio Tajani chia sẻ rằng, chính phủ Rome sẽ tìm các biện pháp để làm giảm những áp lực từ luật mới mà EU đưa ra bằng các đề xuất như chỉ hạn chế mức cắt giảm xuống khoảng 90% thay vì 100% vào năm 2035 để có thêm thời gian thích nghi.

Italia là một nền công nghiệp ô tô khá bảo thủ trong thời đại xe điện bùng nổ như hiện nay. Hầu hết các nhà sản xuất lớn ô tô nội địa như Fiat, Ferrari, Lamborghini và Alfa Romeo đều chỉ tập trung vào sản phẩm xe hơi động cơ đốt trong truyền thống. Theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô ANFIA, ngành công nghiệp ô tô nước này sử dụng hơn 270.000 nhân công lao động trực tiếp hoặc gián tiếp, chiếm hơn 5% GDP đất nước.

Không những vậy, thị trường Italia cũng là một ngoại lệ hiếm hoi ở châu Âu không quá hứng thú với xe điện. Theo ANFIA, doanh số ô tô điện đã đi thụt lùi tại đây thay vì tăng trưởng mạnh như những thị trường Đức, Anh. Năm 2022, doanh số bán xe điện ở Italia chỉ chiếm 3,7% tổng số xe ô tô đăng kí mới.

Ngược lại, ngành xe điện Trung Quốc đang gặt hái được rất nhiều thành công từ thị trường châu Âu khi hàng loạt hãng xe nước này đổ bộ lên thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới và đã đạt những doanh số bán hàng cực khủng.

Polestar, một hãng xe điện tới từ Trung Quốc, đã có mức tăng trưởng 161% chỉ riêng tại thị trường Đức trong năm 2022. Đủ để thấy rằng, sự đón nhận và hứng thú với xe điện từ châu Âu là lớn như thế nào.

Tuy nhiên, lời phát biểu mang tính chất đanh thép của Phó Thủ tướng Italia không phải là không có cơ sở khi hiện nay, các hãng xe điện ở châu Âu đang bị hụt hơi trước những sự cạnh tranh tới từ đối thủ Trung Quốc.

Vì vậy, nếu thời gian chuyển đổi quá đột ngột, những doanh nghiệp không thể thích nghi với một cột mốc sớm như vậy sẽ tạo ra một khoảng trống cực lớn về nguồn cung xe điện. Đó chính là cơ hội to lớn cho những nhà sản xuất tới từ quốc gia đông dân nhất thế giới tận dụng.

Dù sao, bước quyết định này cũng mang tính chất đột phá chưa từng thấy tới từ châu Âu, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải được tính toán một cách cẩn thận.

Hùng Dũng (Theo Autonews)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/manh-dat-mau-mo-cho-xe-dien-trung-quoc-khi-chau-au-cam-xe-dong-co-dot-trong-2112007.html