'Mảnh đất màu mỡ' của tình báo quốc tế

Các trường đại học danh tiếng của Mỹ là 'mảnh đất màu mỡ' cho các hoạt động tình báo quốc tế. Đây là nội dung chính của cuốn sách 'Spy Schools' (tạm dịch là 'Gián điệp trong các trường học') của tác giả Daniel Golden.

Trong đó, cuốn sách kể lại những câu chuyện về cách thức mà các cơ quan tình báo và an ninh của Mỹ cũng như của các nước khác sử dụng các trường đại học Mỹ để “chiêu mộ tân binh”, chủ yếu là sinh viên và chuyên gia nghiên cứu “có tiếng” đang học tập và sinh sống ở Mỹ.

“Mảnh đất màu mỡ” của CIA, FBI…

Năm 2010, một giáo sư thuộc một trường đại học "top" đầu của Mỹ đang điều hành một buổi thảo luận về kiểm soát vũ khí thì một quan chức ngoại giao Nga tiến đến ông, chìa tấm danh thiếp và mời vị giáo sư dùng cơm trưa.

Do vị giáo sư này có quyền được tiếp cận với các thông tin mật quốc gia hoặc ra vào những khu vực hạn chế, ông có nghĩa vụ phải báo cáo lời đề nghị này với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). FBI thông báo với ông rằng nhà ngoại giao đó là một nhân viên tình báo Nga. "Chúng tôi muốn ông gặp anh ta", FBI nói với giáo sư. Vị giáo sư trở thành một điệp viên "hai mang".

Tình báo quốc tế len lỏi vào các trường đại học Mỹ.

Tình báo quốc tế len lỏi vào các trường đại học Mỹ.

Hai năm sau, nhà ngoại giao Nga đó và FBI, mỗi bên có 10 cuộc ăn trưa với giáo sư này. Nhà ngoại giao Nga đó tặng quà cho ông, một chai rượu vodka hiệu Posolskaya, một đồng hồ Victorinox Swiss Army trị giá 800 USD và trả ông 2.000 USD cho tài liệu phân tích cuộc chiến Afghanistan. Giáo sư đã giao số tiền cho FBI song được phép giữ đồng hồ.

Đó là trường hợp FBI thâm nhập môi trường học thuật. Còn với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), cơ quan này thường tiếp cận những nhân vật nước ngoài có tầm ảnh hưởng đang sinh sống và học tập tại Mỹ thông qua mối quan hệ với Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy (Đại học Harvard).

Kenneth Moskow, một trong những nhân viên tình báo của CIA đã "lọt" được vào một chương trình đào tạo của trường này để tiếp cận những nhân vật có "danh phận" đến từ khắp nơi trên thế giới để ghi danh vào các khóa học của trường.

Ví dụ, trong 214 học viên tham gia chương trình nâng cao nghiệp vụ cho người đi làm, niên khóa 2015-2016, có 79 học viên người Mỹ, còn lại 135 người là học viên nước ngoài đến từ 75 quốc gia khác nhau. Giới chức quản lý trường, chứ không phải khoa, thường biết rõ nhân viên CIA "đội lốt" sinh viên song bảo vệ vỏ bọc của họ.

Năm 2008, khi Kenneth Moskow thiệt mạng trong một vụ tai nạn leo núi, nhiều sinh viên cùng lớp đã giật mình khi biết được từ bản tin cáo phó rằng Kenneth Moskow đã từng là nhân viên tình báo hàng đầu của CIA.

Trước đó, anh ta nói với các bạn cùng lớp và giáo sư rằng anh làm cho Bộ Ngoại giao Mỹ - một vỏ bọc mà anh đã sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ tại Tây Ban Nha và Cyprus. "Tấm áo" đó đã giúp anh ta kết được nhiều bạn bè nước ngoài, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Guatemala Héctor Gramajo và José María Figueres người nhanh chóng trở thành Tổng thống Costa Rica.

Hai câu chuyện trên đã cho thấy cách các trường đại học Mỹ trở thành một "mảnh đất" béo bở cho hoạt động gián điệp "hai mang". Một cựu chuyên gia phản gián thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đơn vị tình báo của Lầu Năm Góc, thừa nhận: "Hầu hết nếu không nói là tất cả các cơ quan tình báo coi các trường đại học là nơi tuyển mộ chính".

Chuyên gia này giải thích rằng con người dễ chịu ảnh hưởng và tác động ở tuổi mười chín đôi mươi, khi họ còn trẻ và chưa từng trải. Vì vậy, dễ dàng để đào tạo họ nghệ thuật lôi kéo, điều khiển họ theo hướng mà họ đã hướng tới hoặc giúp thuyết phục họ đó là điều mà họ định làm ngay từ đầu.

Ngoài ra, các trường đại học hoặc viện nghiên cứu của Mỹ cũng là một “sân chơi” thuận lợi để tình báo Mỹ “săn” nhân tài từ các nước thù địch. Các cơ quan tình báo Mỹ sẽ sử dụng chiến thuật "mật ngọt chết ruồi" đối với các chuyên gia nghiên cứu đến từ Iran hoặc Trung Quốc đang công tác tại một trường đại học Mỹ hoặc tại một cơ quan trung lập nào đó ở Mỹ, thay vì sử dụng chiến thuật này ngay trên đất Trung Quốc hay Iran vốn là hai nước thù địch đối với Washington.

Ví dụ, CIA đã từng bí mật tài trợ hàng triệu USD để tổ chức các hội thảo khoa học trên khắp thế giới nhằm thu hút những nhà khoa học hạt nhân của Iran từ bỏ đất nước Hồi giáo này. Thông qua một nhân vật trung gian, thường là một doanh nhân, CIA sẽ thiết lập một hội thảo tại một viện nghiên cứu uy tín về vấn đề vật lý hạt nhân mà "ăn khớp" với mối quan tâm nghiên cứu của một nhà khoa học nhất định thuộc chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.

Tại buổi hội thảo này, một đặc vụ CIA, đóng vai là một sinh viên, một nhà tư vấn kỹ thuật hay một nhà tổ chức triển lãm, sẽ "hút" được chỉ riêng mục tiêu đó trong vòng vài phút và sau đó tạo ra sức ép nào đó để nhà khoa học này từ bỏ chương trình của Iran để đi theo Mỹ.

Bên cạnh đó, FBI và CIA tương tác với nhau, phát triển các nguồn tin trong số sinh viên quốc tế rồi sau đó đưa họ trở lại quê hương để làm việc với vai trò là đặc vụ của Mỹ. Trong một cuộc điều tra hồi năm 2012 dành cho nhân viên tại các trường đại học Mỹ làm việc với sinh viên quốc tế, 31% trả lời rằng FBI đã "ghé thăm" sinh viên trong năm 2016. Như một cựu quan chức Mỹ thừa nhận: "Cả hai bên đang lợi dụng các trường đại học".

… và tình báo nước ngoài

Đời sống ở khuôn viên trường không chỉ tạo điều kiện cho tình báo Mỹ mà còn cho tình báo nước ngoài có thể dễ dàng “chen chân” nhằm thu thập thông tin cho chính phủ của mình. Ngay cả những điệp viên không có chút quan hệ nào trong giới học thuật cũng có thể lẻn vào ngồi tham dự các bài giảng, thảo luận, quán cà phê và kết bạn với một vị giáo sư máy tính hay một cố vấn Lầu Năm Góc ngồi ngay cạnh mà không bị phát hiện.

Một phần khuôn viên các trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Tại các phòng thí nghiệm, phòng học và giảng đường ở Mỹ, các cơ quan tình báo từ các nước như Trung Quốc, Nga và Cuba, ganh đua nhau để lôi kéo được những "tân binh" vốn không chỉ có thể giúp họ thu thập thông tin chi tiết về chính sách Mỹ và tiếp cận được công trình nghiên cứu nhạy cảm mà còn một ngày nào đó có thể "leo" lên được những vị trí cấp cao trong chính quyền liên bang.

Lợi dụng một giáo sư bất cẩn và sự vắng bóng khó tin của đội ngũ bảo vệ sở hữu trí tuệ, nghiên cứu sinh Trung Quốc Ruopeng Liu đã tiếp cận một công trình nghiên cứu do Lầu Năm Góc tài trợ tại Đại học Duke về khả năng tàng hình và siêu vật liệu (vật liệu nhân tạo không có trong tự nhiên).

Cuối cùng, vị giáo sư đã tịch thu chìa khóa phòng thí nghiệm mà Liu có được song trường vẫn trao cho Liu bằng tốt nghiệp tiến sĩ. Nắm trong tay công trình nghiên cứu của Đại học Duke, Liu trở về Trung Quốc.

Mặc dù không rõ liệu Liu có đang đại diện cho tình báo Trung Quốc hay chỉ nắm bắt thông tin cho chính mình nhưng trong một cuộc phỏng vấn, anh ta bác bỏ việc mình đã làm bất kỳ điều gì sai trái. Tiền hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc đã giúp anh ta khởi nghiệp, thành lập một công ty và viện nghiên cứu của riêng mình về siêu vật liệu và anh ta trở thành tỷ phú.

Anh ta chưa bao giờ bị buộc tội gián điệp song một cuộc phỏng vấn mà FBI thực hiện với vị giáo sư nói trên về các hoạt động của Liu đã được trình chiếu công khai cho một nhóm thính giả được mời riêng vào tháng 9-2015. Đoạn phỏng vấn này có tiêu đề: "Kẻ ăn cắp ý tưởng lớn".

Tình báo Cuba lại đặc biệt hay hoạt động tại các trường đại học ở Nam Florida, New York City, và Washington, trong đó có Trường Nghiên cứu quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins. Là nghiên cứu sinh của trường, Marta Rita Velázquez (người Cuba) kết bạn với sinh viên cùng lớp là Ana Belén Montes gốc Puerto Rico, một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Mỹ nhưng chưa được hợp nhất vào Mỹ, và tuyển mộ cô làm gián điệp cho Cuba.

Theo thời gian, Montes đã trở thành một chuyên gia phân tích chính về Cuba làm việc trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và tất nhiên rất hữu ích đối với đất nước Cuba.

Sự hội tụ của hai xu hướng

Hai xu hướng do thám thông tin nói trên hội tụ với nhau đã làm nảy nở hoạt động do thám trong môi trường học thuật.

Trước hết là mối quan hệ thân thiết gia tăng giữa cơ quan tình báo Mỹ và môi trường học thuật, một phần được thúc đẩy bởi nhiệt tình yêu nước và nỗi lo sợ khủng bố sau vụ tấn công 11-9-2001 ở Mỹ.

Một hội nghị do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tổ chức ở Vienna, song thực tế có nhiều đặc vụ tham gia hơn là nhà khoa học.

Sau thời gian bị cản trở bởi phong trào biểu tình của sinh viên và tinh thần bất hợp tác của các khoa trong trường đại học suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam, CIA, FBI và các cơ quan an ninh khác của Mỹ đã trở lại, thúc đẩy mối quan hệ liên kết với các học giả trong các trường đại học để phục vụ công tác tình báo.

Ông Austin Long, giảng viên môn chính sách an ninh tại Đại học Columbia, chia sẻ: "Sự kiện 11-9 đã dẫn đến sự tái can dự thầm lặng của nhiều trường đại học với cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ". Có lẽ, hơn hẳn bất kỳ ai khác, ông Graham Spanier, Giám đốc Đại học Bang Pennsylvania từ 1995-2011, đóng vai trò chính cho sự tái thiết lập mối quan hệ này.

Ông đã thành lập và là chủ tịch Hội đồng tham vấn giáo dục phổ thông an ninh quốc gia, một cơ quan thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan tình báo với các trường đại học của Mỹ. Ông cũng tổ chức các buổi thảo luận do FBI tài trợ cho các nhân viên quản lý giáo dục tại các trường đại học ở Mỹ như MIT, Michigan State hay Stanford, đồng thời đóng vai trò trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác giữa CIA và các trường đại học.

Lý do thứ hai và có lẽ quan trọng hơn cả, để giải thích cho sự gia tăng hoạt động do thám trong trường đại học đó là xu hướng toàn cầu hóa giáo dục đại học. Toàn cầu hóa đã thiết lập mối quan hệ thân thiết và sự hiểu biết giữa các nước thù địch, đồng thời cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Điều này cũng đã thúc đẩy sự phát triển của hoạt động gián điệp nước ngoài tại các trường đại học Mỹ cũng như sự gia tăng tương ứng nỗ lực Mỹ tuyển mộ giáo sư và sinh viên quốc tế học tập và làm việc tại Mỹ.

Một báo cáo của FBI công bố năm 2011 thừa nhận rằng mặc dù sinh viên, nghiên cứu sinh và giáo sư quốc tế đến Mỹ vì những lý do hợp lệ song các trường đại học Mỹ là một "nơi lý tưởng" để tình báo nước ngoài "tìm tân binh, đề xuất và phát triển ý tưởng, học hỏi và thậm chí ăn cắp dữ liệu nghiên cứu hoặc cài đặt điệp viên mới vào nghề".

Hồi năm 2011, CIA triển khai chương trình tuyển dụng "tân binh" nhắm vào người Mỹ thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai nhưng có gốc gác từ các nước khác, tức có khả năng nói được một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh. Giám đốc CIA khi đó là Leon Panetta đã nói thẳng: "Bạn không thể trở thành một nhân viên tình báo tốt nếu không có khả năng ngoại ngữ".

Những ngôn thứ quan trọng mà CIA nhắm đến là tiếng Arab, Ba Tư, Nga, Hàn và Trung Quốc. Sinh viên là ưu tiên tuyển dụng hàng đầu đối với mục tiêu này. "Để báo cáo tình báo có ý nghĩa, cần phải hiểu được những sắc thái văn hóa và hiểu được lối tư duy và ra quyết định của người dân bản địa", ông Panetta giải thích.

Hiện CIA vẫn duy trì chương trình thực tập cho sinh viên các trường đại học Mỹ và học sinh mới tốt nghiệp cấp phổ thông. Nhiệm vụ chính của kỳ thực tập thường liên quan công tác dịch thuật tài liệu và mạng máy tính.

Hà Ngọc (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/manh-dat-mau-mo-cua-tinh-bao-quoc-te-560991/