Manh nha đàm phán hòa bình Nga-Nhật

Ngày 14-1, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có cuộc đàm phán với người đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono tại Moscow để bàn về tranh chấp chủ quyền đối với một nhóm đảo thuộc quần đảo Kuril, khu vực mà Tokyo gọi là 'vùng lãnh thổ phương Bắc'.

Cuộc gặp này cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Abe ngày 22-1 tại Moscow. Một hiệp ước hòa bình được lãnh đạo hai nước thể hiện quyết tâm cao. Tuy nhiên, việc tìm được giải pháp khả dĩ là không dễ dàng.

Triển vọng về một hiệp ước hòa bình Nga-Nhật lần đầu được Tổng thống Nga Putin nêu ra vào tháng 6-2018. Rồi bên lề thượng đỉnh ASEAN và các đối tác tổ chức tại Singapore tháng 11-2018, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nga đồng ý thúc đẩy đàm phán song phương về việc ký kết hòa ước, dựa trên cơ sở bản tuyên bố năm 1956. Lãnh đạo hai nước thể hiện rõ quyết tâm sẽ có tiến bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trong năm 2019.

Mới đây ông Abe tỏ rõ quyết tâm sẽ chấm dứt việc tranh chấp lãnh thổ với Nga bằng tuyên bố ngày 7-1 nhân chuyến quê tại thành phố Nagato thuộc Yamaguchi và viếng mộ thân phụ. Ông nói: “Tôi đã thề trước phần mộ tổ tiên là mỗi ngày đều nỗ lực và hoàn thành trách nhiệm công vụ của mình. Tôi hứa sẽ làm tất cả để có chuyển biến (trong cuộc đàm phán với Nga về các đảo Kuril) và đặt dấu chấm kết thúc cho vấn đề này”.

Tuy nhiên, gần đây, quan hệ Nhật-Nga xấu đi rõ rệt. Việc Nga thông báo xây dựng một số doanh trại trên quần đảo Kuril khiến Nhật khó chịu. Về phần mình, Điện Kremlin bực tức về những tuyên bố mới đây của Thủ tướng Nhật, hứa hẹn sẽ có thay đổi chủ quyền tại quần đảo nói trên.

Truyền thông Nhật Bản gần đây đưa tin về việc mời Mỹ tới một số hòn đảo trên như một sức ép trong đàm phán hòa bình với Nga. Hãng thông tấn Kyodo ngày 9-1 dẫn lời ông Katsuyuki Kawai, cố vấn đặc biệt về đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe, cho biết Nhật Bản đang trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc ký kết hiệp ước hòa bình với Nga. Cùng ngày, Trung tướng Jerry P. Martinez, chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết Mỹ hiện không có kế hoạch triển khai lực lượng quân sự ở Nam quần đảo Kuril nếu Nga chuyển giao lại cho phía Nhật Bản.

Trả lời câu hỏi về những lo ngại của Nga nhằm đảm bảo an ninh quốc gia liên quan đến các cuộc đàm phán giữa Moscow và Tokyo về hiệp ước hòa bình và yêu sách lãnh thổ từ Nhật Bản, tướng Martinez bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin sẽ mang lại hiệu quả kiến tạo, “giúp hai bên tìm ra phương cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề mang tính lịch sử lâu dài này”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

Một năm trước, ông Shinzo Abe đã phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội rằng Điều lệ thứ 6 trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật không có nghĩa là, theo yêu cầu từ phía quân đội Mỹ, Hoa Kỳ có thể đặt căn cứ quân sự ở bất cứ đâu. Tất cả phải có sự đồng ý của Nhật Bản.

Việc lôi kéo Mỹ vào cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Nhật Bản khiến giới chuyên gia Nga lo sợ. Theo họ, Tokyo muốn dựa vào Washington để tăng sức ép với Nga trong đàm phán coi chừng phản tác dụng. Khi đó, mọi mong muốn ký hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản có nguy cơ bị chôn vùi.

Sau động thái này, ngày 11-1, Bộ Ngoại giao Nga nêu điều kiện cốt lõi. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Nhật Bản thừa nhận toàn bộ kết quả của Thế chiến 2, “bao gồm cả chủ quyền của đất nước chúng tôi đối với các đảo Nam Kuril”.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Asahi, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng Tokyo sẽ giành lại Nam Kuril. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc chuyển giao đảo sẽ không tính đến khả năng trục xuất người Nga khỏi lãnh thổ này. Ông Abe cũng nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đề nghị Nga từ bỏ các yêu sách bồi thường lẫn nhau liên quan đến 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril, nơi Tokyo mong muốn giành được.

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản Toehisa Kodzuki sau những tuyên bố này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov lưu ý rằng những tuyên bố như vậy đã làm sai lệch bản chất các thỏa thuận giữa Moscow và Tokyo vì bản tuyên bố năm 1956 giữa Nhật Bản và Nga chỉ nêu việc Moscow hoàn trả lại Shikotan và Habomai, 2 trong số 4 hòn đảo mà cả Nhật Bản lẫn Nga cùng khẳng định chủ quyền.

Để đạt được một hiệp ước hòa bình với Nga, Tokyo và Moscow bắt buộc phải san bằng bất đồng về tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Kuril. Nhưng, căn cứ trên bản tuyên bố 1956, cùng những điều kiện mà Nga vừa nêu xem ra khó có khả năng Nga sẽ trả cả 4 hòn đảo tranh chấp cho Nhật. Nếu khả năng xảy ra thì cùng lắm Moscow chỉ trả cho Tokyo 2 đảo Shikotan và Habomai. Nhưng, liệu người Nhật có chấp thuận? Ngoài ý chí chính trị của lãnh đạo, vấn đề chủ quyền lãnh thổ còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của người dân.

Nga và Nhật Bản chưa ký một hiệp ước hòa bình nào trong hơn 70 năm qua và như thế có nghĩa là hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh. Tokyo yêu cầu Nga phải trả lại các đảo Iturup, Kounachir, Chikotan và Habomai (thuộc quần đảo mà Nga gọi là Kuril) thì mới chấp nhận ký hiệp ước hòa bình. Nhưng Moscow cho rằng quần đảo Kuril ở miền Nam nước Nga đã được gắn liền với thời Liên Xô sau khi kết thúc Thế chiến 2 và chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ này là không thể chối cãi.

Giữa những bế tắc giữa hai bên trong đàm phán về tranh chấp lãnh thổ, các chuyên gia Nga nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Putin đã nói với Thủ tướng Abe tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 12-9-2018: “Tôi có ý này: chúng ta hãy ký kết một hiệp ước hòa bình nhưng không phải ngay lập tức mà từ nay tới cuối năm 2019. Không có điều kiện tiên quyết gì cả”.

Theo ông Putin, hai nước vẫn sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ sau khi đã ký hiệp ước. “Tôi cho rằng hiệp ước hòa bình sẽ tạo thuận lợi cho việc giải quyết tất cả các vấn đề mà chúng ta không thể chấm dứt trong 70 năm qua”, Tổng thống Nga nói thêm.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/manh-nha-dam-phan-hoa-binh-nga-nhat-530183/