Mạnh tay để DNNN phải hoạt động thực chất

Tuân thủ các báo cáo thông tin của các DNNN và chủ sở hữu, đáp ứng các yêu cầu minh bạch hoạt động của DNNN đã cổ phần hóa (CPH) thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là giải pháp quan trọng của Chính phủ để bắt buộc các DN phải hoạt động thực chất. Tuy nhiên, nhiều DN CPH lại không thực hiện. Sau một thời gian 'du di', Chính phủ dự định, tới đây sẽ áp dụng các biện pháp 'mạnh tay' hơn.

Chỉ sau 3 tháng, 3 DN lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã niêm yết trên sàn Upcom. Ảnh: ST.

Công khai, minh bạch là hàng đầu

Thực tế, việc bắt buộc DNNN sau CPH phải niêm yết trên thị trường chứng khoán là hết sức quan trọng bởi khi đã niêm yết thì DN sẽ buộc phải công khai, minh bạch. Từ đó giúp hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các tổ chức kinh tế, người dân đối với sức khỏe của DN đó dễ dàng hơn để có thể quyết định đầu tư hoặc không đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: DN trong nền kinh tế thị trường dứt khoát "phải minh bạch, phải lên sàn". Một điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều DN CPH xong đã niêm yết ngay. Có thể kể đến đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của 3 DN lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS). Chỉ sau 3 tháng, các DN này đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Upcom và đang thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn cơ sở HOSE. Nhiều DN lớn khác cũng đã thực hiện IPO và tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển.

Xét về quy định pháp luật, Chính phủ đã yêu cầu tối đa 18 tháng sau IPO, DNNN phải lên đăng ký giao dịch. Do đó, nhiều DN làm hồ sơ IPO xong cũng có thể đăng ký giao dịch trên sàn Upcom ngay. Nếu không đủ điều kiện thì cũng phải công bố để công chúng biết và chỉ trở thành công ty tư nhân, hay trách nhiệm hữu hạn 1, 2 thành viên. Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, điều quan trọng DN cần lưu tâm là đặt vấn đề công khai, minh bạch lên hàng đầu trong các phương án CPH; đồng thời, luôn thực hiện đúng các quy định về công khai tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin DNNN, Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN nhà nước và DN có vốn nhà nước.

"Có công khai, minh bạch thì DN mới nhận được khoản đầu tư giá hợp lý và huy động vốn thị trường chứng khoán lâu dài sẽ rẻ hơn vay vốn thương mại, đây là kênh huy động quan trọng bền vững cho DN" - ông Tiến nói.

Sẽ xử lý hành chính

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính:

Bản thân DN sau khi CPH, thoái vốn thì năng lực quản trị rất tốt, ví dụ như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Những DN khác thì các nhà đầu tư cũng mang các nguyên tắc quản trị của thị trường vào, bảo đảm công khai minh bạch và quan trọng nhất là các vấn đề được xử lý theo thị trường. Nhưng về quản trị sau CPH thì rất nhiều DN không làm tốt được. Do đó, chúng ta phải thúc đẩy các DN sau CPH phải lên thị trường chứng khoán để cộng đồng các nhà đầu tư, nhà nước và xã hội giám sát để buộc DN phải hoạt động hiệu quả hơn. Chính phủ sẽ quyết liệt và DNNN phải đi đầu để nhận sự hỗ trợ theo quy luật của thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thiết kế các tiêu chuẩn quản trị theo đúng yêu cầu của Quốc tế để áp dụng trong thời gian tới.

Nhiều lợi ích như vậy song không phải DN nào cũng nhận ra. Nhìn lại cách đây hơn 1 năm, giữa tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN CPH chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến nay, 138 DN đã niêm yết và đăng ký giao dịch trên Upcom; 72 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết; 23 DN đã hủy đăng ký công ty đại chúng.

Theo ông Phùng Văn Hùng- Ủy viên Kinh tế của Quốc hội, việc niêm yết các DN đã CPH lên sàn chứng khoán là một kinh nghiệm của thế giới mà Việt Nam phải tuân thủ khi hội nhập. Tuy nhiên, nhiều DN không muốn niêm yết, không muốn công khai để có thể trao đổi mua bán cổ phiếu trong 1 nhóm. 2 năm qua, số lượng DN "kiểu này" vẫn lên tới con số hơn 300, đồng nghĩa với việc thông tin cho các nhà đầu tư là không có.

Ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ: Quy định về việc niêm yết đã được khuyến khích thực hiện từ khi ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-CP về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DN nhà nước. Khi thực tế chứng minh nhiều DN trốn tránh, Chính phủ đã sửa Quyết định này để yêu cầu bắt buộc thực hiện. Nên người đại diện vốn nhà nước ở DN do Nhà nước chi phối phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề niêm yết thị trường chứng khoán thì phải gắn liền với điều kiện của thị trường. Còn đăng ký giao dịch thì không ràng buộc kỹ, không chặt chẽ nhưng các DN sau CPH phải đăng ký giao dịch để quản lý, sau bao lâu anh đủ điều kiện rồi mà không lên niêm yết thì chúng tôi sẽ xử lý thông qua người đại diện. Khi đăng ký giao dịch thì qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hỗ trợ quản trị, dùng các quy định của thị trường, quyền lợi các cổ động yêu cầu các công ty đại chúng đủ điều kiện phải niệm yết vì có 2 vấn đề: Khi niêm yết thì tính thanh khoản cao người ta có thể mua bán dễ và DN huy động được vốn, các nhà đầu tư khác có thể tham gia.

Ông Tiến cho biết thêm: Vừa qua Bộ Tài chính cũng rà soát lại, trong số hơn 700 DNNN sau CPH chưa niêm yết được công khai vào giữa năm 2017, có gần 300 DN đã đăng ký công ty đại chúng, trong đó có gần 200 DN đăng ký giao dịch và niêm yết. Số lượng là thế nhưng qua kiểm tra về chất lượng, vẫn còn DN hoạt động kém hiệu quả, không đủ điều kiện là công ty đại chúng vì cổ đông không đủ theo quy định của pháp luật. Số DN đã được làm thủ tục để trở thành công ty cổ phần bình thường. Những DN không thể niêm yết thì hỗ trợ cho hạ xuống để tiếp tục theo dõi, khi nào đủ điều kiện thì đưa lên sàn.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Tài chính, những DN tiếp tục trốn tránh sẽ bị xử phạt hành chính. Bộ Tài chính đã đề nghị cơ quan chủ sở hữu phải có những hình thức xử lý nếu DN cố tình không lên sàn khi đã đủ điều kiện và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công bố công khai để công luận giám sát. Đây là giải pháp công khai minh bạch mà cơ quan quản lý sẽ kiên trì thực hiện để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với DNNN sắp tới.

Ngoài ra, tình trạng thông tin mập mờ, không tuân thủ các quy định của Chính phủ trong minh bạch hoạt động sẽ được khắc phục khi Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN ra đời- làm chức năng thống nhất đại diện chủ sở hữu của 19 DN, tập đoàn lớn- trong đó có cả Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết: Đây là điều mừng. Tuy chưa chính thức hoạt động nhưng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đã đưa ra những nội dung khá rõ ràng, đầy đủ cụ thể quyền và trách nhiệm Ủy ban. Theo đó, Ủy ban này phải tập trung vào quản lý được hơn 2 triệu tỷ đồng vốn nhà nước ở các DN, không vừa đá bóng vừa thổi còi như trước đây. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ hay lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nên trực tiếp chỉ đạo để thực hiện cho đúng, hiệu quả ngay từ đầu.

Ngày 28/9/2018, Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DNNN sẽ chính thức diễn ra. Mục tiêu của hội nghị là tập trung rà soát, đánh giá lại 2 năm nhiệm kỳ 2016-2020 của công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN đã đến đâu và hơn 1 năm thực hiện tinh thần Nghị quyết TƯ 12 và cũng là triển khai theo Nghị quyết số 60 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN. Qua đó để thấy được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là những hạn chế để kịp thời khắc phục nhằm hoàn thành công cuộc sắp xếp, đổi mới DNNN mà Đảng, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ.

Để phục vụ hội nghị, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 461 kiến nghị của 18 bộ, cơ quan ngang bộ; 44 tập đoàn, tổng công ty và 46 địa phương. Các kiến nghị của các DN, bộ, ngành chủ yếu phản ánh những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, những đặc thù khi cổ phần hóa trong sắp xếp đất đai, xác định giá trị DN hay vấn đề sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là xử lý các vấn đề tồn tại khi thua lỗ của các tập đoàn kinh tế vừa qua.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/manh-tay-de-dnnn-phai-hoat-dong-thuc-chat.aspx