Mạnh tay loại bỏ gỗ bất hợp pháp để thúc xuất khẩu gỗ

Để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, 2019 là năm quan trọng với ngành lâm nghiệp trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đặc biệt là kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu.

Toàn ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo Bộ NN&PTNT: Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong quý đầu năm cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỷ USD.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí là các thị trường xuất khẩu chủ lực với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, hồ tiêu… đều theo chiều hướng đi xuống, tại sao trong 3 tháng đầu năm, gỗ và sản phẩm gỗ lại có sự tăng trưởng bứt phá như vậy? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Hải quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phân tích: Năng lực sản xuất của toàn ngành đã tăng lên rất nhanh. Trồng rừng trong nhiều năm qua góp phần cung cấp lượng gỗ cao hơn và lượng cơ sở chế biến, chế biến sâu hơn cũng tăng lên.

“Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm tăng lên khá tốt. Sản phẩm đều tiếp cận, đáp ứng tiêu chí quản lý truy xuất nguồn gốc giúp uy tín của Việt Nam tăng lên. Riêng ngành gỗ khác ngành khác khi thị trường còn đang rộng mở, mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Nhà nước với tinh thần kiến tạo hành động, nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, về cơ bản đã tạo khích lệ, hồ hởi cho doanh nghiệp, đầu tư vào phát triển”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực trong năm 2019 sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có những tác động nhất định đối với ngành gỗ của Việt Nam. Một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc phải chịu mức thuế mới từ Mỹ đã mất đi những lợi thế cho việc tiếp cận với thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các mặt hàng thay thế của Việt Nam. Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã thấy sự gia tăng về các đơn đặt hàng từ Mỹ.

Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc cũng đem đến nhiều thách thức cho ngành gỗ của Việt Nam.

Hiện, cơ quan thương mại của Mỹ tiến hành điều tra việc gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Có thể thấy, các cơ quan thương mại của Mỹ đã nhận thức được khả năng lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc sử dụng nhãn mác sản xuất từ Việt Nam. Với bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều khả năng trong năm 2019 sẽ còn nhiều vụ điều tra gian lận thuế đối với các công ty của Trung Quốc.

Dự báo năm 2019, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng.Trong cả năm 2019, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành lâm nghiệp đặt ra là 11 tỷ USD.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: 2019 sẽ là một năm quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đặc biệt là kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu.

Xây dựng các cơ chế, chính sách này cần có sự tham vấn chặt chẽ với khối doanh nghiệp, nhằm đảm bảo các cơ chế chính sách này hiệu quả, không phát sinh nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong tương lai, ngành lâm nghiệp cần có các mô hình phát triển mới, với trọng tâm nhấn mạnh vào giá trị được tạo ra trong khâu thiết kế, thương mại, lao động tay nghề cao và đổi mới công nghệ.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/manh-tay-loai-bo-go-bat-hop-phap-de-thuc-xuat-khau-go-103078.html