Mạnh tay 'trảm'

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam thu hồi, chấm dứt việc nghiên cứu triển khai thực hiện dự án thủy điện Đăk Di 4 (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đối với Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 do nhà đầu tư không đủ năng lực.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh này đang xây dựng bộ tiêu chí với các quy định khắt khe, chặt chẽ đối với nhà đầu tư muốn tiếp tục triển khai dự án. Thời gian tới, nếu có nhà đầu tư đáp ứng được bộ tiêu chí thì dự án thủy điện Đăk Di 4 sẽ triển khai trở lại, nếu không thì dừng hẳn.

Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 tháng 9-2016 làm 2 công nhân tử vong, nhiều nhà cửa người dân bị cuốn trôi Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ông Toàn nhìn nhận thủy điện tuy đem lại nhiều cái lợi nhưng trên thực tế đã để lại rất nhiều hệ lụy. Sau sự cố vỡ đập xảy ra tại Lào hay trước đó là sự cố vỡ hầm dẫn dòng công trình thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) khiến nhiều người chết, Quảng Nam rất thận trọng đối với các dự án thủy điện. Vừa qua, thủy điện Sông Bung 2 đề nghị tích nước trở lại sau khi đã khắc phục sự cố và khẳng định bảo đảm an toàn nhưng tỉnh vẫn yêu cầu chủ đầu tư và các ngành chức năng rà soát thật kỹ lưỡng trước khi cho tích nước trở lại. Tương tự, tỉnh cũng đang yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn diện những vấn đề liên quan trước khi cho phép thủy điện Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước) tích nước.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thêm quan điểm nhất quán của tỉnh là không phát triển thêm thủy điện và sẽ cương quyết loại bỏ khỏi quy hoạch các thủy điện không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến đất rừng. Trong năm 2017, tỉnh đã loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện AgRồng và Nước Xa do công suất nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích rừng tự nhiên. Trước đó, tỉnh cũng loại khỏi quy hoạch thủy điện Hà Ra và Bồng Miêu.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, nói cảm thấy thủy điện trên địa bàn "nhiều quá" và đề nghị tiếp tục rà soát thủy điện nhỏ, cái nào chủ đầu tư không đủ điều kiện làm thì cho dừng hẳn, không nên kêu gọi nhà đầu tư khác thay thế và mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch. Được biết, tỉnh Quảng Nam hiện có 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt. Trong đó, 10 thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương phê duyệt, 36 thủy điện nhỏ và vừa do tỉnh phê duyệt. Đến nay, 20 thủy điện đã đi vào hoạt động, trong đó có 8 thủy điện bậc thang.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã loại khỏi quy hoạch hơn 20 dự án thủy điện vừa và nhỏ vì các chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ, nhiều dự án ảnh hưởng lớn tới môi trường, rừng và đất rừng; đồng thời loại bỏ 71 điểm có tiềm năng thủy điện khỏi quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt từ năm 2005. Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện tỉnh này chỉ còn 1 nhà máy thủy điện đang xây dựng và không còn dự án nào phê duyệt mới. Tuy nhiên, vẫn còn 3 dự án, điểm quy hoạch thủy điện dính đất rừng chưa được loại bỏ. Đó là thủy điện Ea K’tuor, thủy điện Đrang Phốk và thủy điện Ea Ran.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, hiện các dự án thủy điện ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến đời sống, xã hội, hiệu quả thấp thì tỉnh kiên quyết bỏ. Đối với 3 dự án trên, tỉnh cũng đã đề xuất Bộ Công Thương loại khỏi quy hoạch. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có đợt rà soát và có lẽ sẽ loại các dự án này.

Còn tại Đắk Nông, ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này, cho biết những năm qua, tỉnh cũng đã rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 2 dự án đang xây dựng nữa là hết, không có dự án kêu gọi đầu tư mới.

Tại tỉnh Gia Lai, sau khi thu hồi dự án Thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ) của Công ty CP Công nghiệp và Xây dựng Bảo Long (Công ty Bảo Long), ngân hàng cho công ty vay tiền đầu tư dự án đã xin tỉnh được tiếp tục đầu tư để thu hồi số vốn đã cho vay khoảng hơn 120 tỉ đồng nhưng tỉnh chưa có ý kiến gì. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng nhà thầu không đủ năng lực thực hiện như cam kết. Đặc biệt, có 2 lần xảy ra sự cố vỡ đập làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân, gây thiệt hại ước gần 6 tỉ đồng.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết quan điểm của tỉnh này là nếu dự án thủy điện không bảo đảm yêu cầu kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực lớn đến môi trường sinh thái, không phù hợp tình hình thực tiễn sẽ bị loại bỏ. Thực tế tỉnh đã loại rất nhiều dự án thủy điện, như Sông Liên, Suối Kem, Sơn Trà 3, Trà Bói, Tam Rao… Thời gian đến, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục giám sát đối với các dự án thủy điện đã và đang triển khai. Dự án nào xâm hại rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sẽ bị xử lý mạnh tay. Dự án nào ảnh hưởng đến rừng sẽ loại bỏ khỏi quy hoạch ngay từ đầu, giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dự án thủy điện.

TRẦN THƯỜNG - CAO NGUYÊN - HOÀNG THANH - TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/manh-tay-tram-20181104222800707.htm