Mạnh tay với hàng giả

Báo cáo tại hội thảo “Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại” diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua, ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp

Theo ôngQuang, hàng giả không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Chỉ trong 11 tháng đầu năm, QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý 11.400 vụ vi phạm về hàng giả, xử phạt 23 tỉ đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó nên khi bị kiểm tra, hàng hóa bị tịch thu tiêu hủy thấp hơn nhiều so với thực tế vi phạm.

Đại diện QLTT TPHCM và các tỉnh cũng cảnh báo hiện tượng biến tướng của hàng giả. Theo đó, hàng giả được hợp thức hóa thành hàng nội địa bằng cách nhập khẩu linh kiện, giao cho các cơ sở chế tác, gia công trong nước gắn bao bì, nhãn mác của thương hiệu nội rồi bán ra thị trường. Mặt hàng nào càng bán chạy thì càng bị làm nhái, làm giả nhiều. Tốc độ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả được rút ngắn và rất khó nhận biết hàng giả, hàng nhái nếu không có chuyên môn sâu, nhiều trường hợp phải giám định mới phân biệt được thật – giả.

Bà Trương Thị Tuyết Mai, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, cũng cho biết số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ tăng nhanh trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 1.711 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền phạt hơn 9,3 tỉ đồng. Hành vi xâm phạm diễn ra ở hầu hết các đối tượng sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại… Hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở tất cả các địa bàn như cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...

Theo nhiều chuyên gia, để chống hàng giả, ngoài việc tự kiểm tra, kiểm soát không để hàng giả lọt vào khâu sản xuất, phân phối của mình, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để chặn hàng giả lưu thông trên thị trường. Về lâu dài, cần tăng cường vai trò của tòa án xét xử các hành vi vi phạm. Luật sư Trần Hải Đức, Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, kiến nghị cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đại diện pháp luật của các tổ chức vi phạm hàng giả, hàng nhái để phù hợp với thực trạng đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện tại là các tổ chức có quy mô lớn.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111127095510568p0c1014/manh-tay-voi-hang-gia.htm