Mạnh tay với ma men

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất (vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở) lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng. Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất cũng được đề xuất tăng 7-8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng. Người điều khiển xe ô tô, mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự như mức phạt nêu trên.

Cảnh sát giao thông lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn. ẢNh: TTXVN

Cảnh sát giao thông lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn. ẢNh: TTXVN

Theo các nhà quản lý, đề xuất tăng mức phạt tiền trên 200% so với qui định hiện hành (Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ), đặc biệt, người vi phạm bị tước GPLX đến 2 năm sẽ tạo ra chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những người sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Thông tin trên được dư luận đồng tình, ủng hộ cao. Tại những nơi đại biểu Quốc hội đến tiếp xúc, cử tri đều mong muốn các cấp, ngành chức năng có biện pháp “mạnh tay” hơn để ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT). Cử tri kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội tới đây cần bàn bạc để tìm những giải pháp thực sự mạnh, hiệu quả nhằm kiềm chế TNGT, như sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm tại các cơ sở đào tạo lái xe; công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe, về thời gian làm việc của người lái xe ô tô... Thậm chí, nhiều ý kiến còn đề xuất nghiêm trị với người sử dụng ma túy, uống rượu gây TNGT, không chỉ bị phạt tiền, tịch thu phương tiện, tước bằng vĩnh viễn, mà còn chịu trách nhiệm hình sự.

Việc gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng, thảm khốc, có nguyên nhân từ sử dụng ma túy, rượu bia đang thực sự là nỗi lo thường trực của người tham gia giao thông. Theo thống kê, trong quý I, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người; trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đã xảy ra 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người. Theo cơ quan chức năng, có ít nhất 40% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.

Có một thực tế đáng buồn và báo động, đó là số người sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và thuộc top cao nhất thế giới. Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng cảnh sát giao thông xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc làm của cảnh sát giao thông xét cho cùng "chỉ là phần ngọn". Vấn đề "gốc" là cần kiểm soát bằng pháp luật để khi người tham gia giao thông khi nghĩ đến hình phạt, chế tài, quy định về giấy phép lái xe... sẽ không muốn và không dám vi phạm.

Một tín hiệu vui thể hiện quyết tâm của cộng đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chung tay ngăn chặn TNGT là hàng vạn người đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hàng loạt người dùng Facebook đã đổi hình đại diện với thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Thiết nghĩ, chúng ta không thể đổ tại vi phạm nồng độ cồn do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa uống rượu, mời rượu của người dân. Đã đến lúc, mỗi người dân phải có trách nhiệm và văn hóa khi tham gia giao thông - “Đã uống rượu bia - Không lái xe” và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về văn hóa giao thông an toàn và văn minh.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/manh-tay-voi-ma-men/