Mạnh tay với ma men

Bắt đầu từ ngày 1/1/2020 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Cũng liên quan đến rượu, bia, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Với việc thực thi nhiều quy định mới của pháp luật đã là một đòn giáng mạnh vào các đệ tử lưu linh, đồng thời là niềm vui của không ít gia đình và toàn thể xã hội.

Đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Theo đó, nhiều quy định mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được người dân đặc biệt quan tâm. Điều 5 của Luật có tới 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Luật nghiêm cấm việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia…Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập…Điều 10 của Luật quy định các địa điểm không uống rượu, bia gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc…

Cùng với việc hạn chế đối tượng sử dụng rượu, bia, Luật cũng đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia. Tập trung tuyên truyền, giáo dục , đồng thời là các hành vi cấm như cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; không quảng cáo rượu bia dưới 5,5 độ trong khung giờ vàng; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…; không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện…Ngay đến các thành viên gia đình cũng được yêu cầu hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu, bia.v.v.

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đồng thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 thay thế Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Người cứ uống rượu, bia lái xe là bị phạt và tùy theo nồng độ cồn mà các mức phạt khác nhau. Đi xe đạp, xe thô sơ uống rượu, bia nhẹ nhất cũng bị phạt từ 80- 100 ngàn đồng; Lái xe mô, tô, xe gắn máy thấp nhất cũng từ 2-3 triệu đồng; lái xe ô tô thấp nhất cũng 6-8 triệu đồng; Thậm chí với người điều khiển ô tô, mức xử phạt cao nhất từ 30- 40 triệu đồng. Ngoài ra là các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn; hoặc không cấp, đổi cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép .v.v.

Ai cũng biết rượu, bia chính là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm do TNGT. Ngày thường hay vào các dịp lễ, Tết thì người ta vẫn phải uống rượu với lý do chúc tụng, thậm chí ép nhau uống đến say mèm. Những năm gần đây bệnh nhân bị ngộ độc rượu, bia nhập viện thậm chí tử vong cũng tăng cao. Các loại “rượu độc” trôi nổi nhan nhản trên thị trường, ngày ngày đầu độc người dùng. Rất nhiều bệnh tật liên quan đến bia rượu đang giết dần, giết mòn con người.

Thật đáng buồn khi Việt Nam xếp hạng nhất, nhì trong khu vực và trên thế giới về lượng bia, rượu tiêu thụ mỗi năm. Chỉ tính riêng lượng bia, rượu “chính thống” có kiểm soát thì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ tới trên 4 tỷ lít bia, trên 70 triệu lít rượu. Với một lượng bia, rượu tiêu thụ mỗi năm lớn như vậy thử hỏi làm sao có thể kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương? Làm sao duy trì tốt giống nòi?

Luật Phòng, chống rượu bia; Nghị định 100/CP có hiệu lực vào ngày đầu năm mới 2020 chuẩn bị bước sang năm mới Canh Tý càng có thêm nhiều ý nghĩa. Người ta vẫn luôn kinh hoàng khi mỗi dịp Tết đến là xảy ra hàng trăm vụ TNGT, làm hàng trăm người chết liên quan đến rượu, bia. Cũng dịp Tết, là hàng ngàn người phải vào viện vì liên quan đến ẩu đả, đánh nhau vì ma men xúi giục. Đảng, Nhà nước ta cũng đang quyết tâm hướng tới một nền hành chính hành động và phục vụ; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử chuẩn mực ở công sở, nơi cư trú, địa điểm công cộng. Không chỉ cấm uống bia, rượu trong việc tham gia giao thông mà quy định uống rượu bia với với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức càng quan trọng. Không ít cơ quan từng ngầm coi tiêu chuẩn uống bia rượu là một tiêu chuẩn khi chọn lựa đối tác. Không ít các cuộc làm việc, ký kết hợp đồng ngay trên bàn tiệc mà trong hơi men đã khiến người ta sa ngã, tham nhũng, tham ô.

Luật đã có, vấn đề cuối cùng là việc thực thi. Dư luận đa số đồng tình, ủng hộ việc thực thi, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, dư luận cũng mong mỏi cần phải xử nghiêm, xử công bằng để xây dựng ý thức văn hóa, ý thức pháp luật của mỗi con người và toàn xã hội.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/manh-tay-voi-ma-men-tintuc456070