Mạnh tay xử lý container tồn đọng

Xác định hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu Đề nghị Tổng cục Hải quan sớm trang bị máy soi container

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, BR-VT là một trong những địa phương thực hiện nhanh các giải pháp để giải phóng các container phế liệu tồn đọng. Tuy nhiên, do hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến tại các cảng biển vẫn còn hàng trăm container quá thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định.

Hiện ngành Hải quan đang nỗ lực xử lý các container tồn đọng nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho DN kinh doanh cảng.

Hiện ngành Hải quan đang nỗ lực xử lý các container tồn đọng nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho DN kinh doanh cảng.

VẪN CÒN HÀNG TRĂM CONTAINER TỒN ĐỌNG

Đầu tháng 8 vừa qua, Cục Hải quan tỉnh đã có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan về vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý 6 container tồn đọng tại cảng TCIT. Được biết, kết quả giám định đối với hàng hóa trong 6 container trên cho thấy, hàng hóa thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, nhưng lại không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu QCVN32:2018/BTNMT. Theo đó, Cục Hải quan tỉnh đề xuất Tổng cục Hải quan cho bán đấu giá đối với lô hàng này, sung công quỹ Nhà nước.

Trước đó, ngày 27/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng đã ra thông báo tìm chủ nhân của 53 container hàng nhập khẩu tồn đọng tại cảng Cái Mép. Theo thống kê, trong số 53 container này có 29 container đất sét, 17 container bột thép đều nhập khẩu từ Công ty Giải pháp môi trường Youbang Hengyu của Hồng Kông và người nhận là Công ty Giao nhận Skyline (phường 10, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh). 53 container phế liệu tồn đọng trên cập cảng SSIT (Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ Container Quốc tế cảng Sài Gòn - SSA) đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan 90 ngày. Hãng tàu và DN kinh doanh cảng đã gửi thông báo nhưng chưa có chủ hàng đến nhận.

Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, hiện còn 380 container hàng hóa nhập khẩu tồn đọng tại các cảng trên địa bàn tỉnh. Trong số này đa phần là nhựa phế liệu, các sản phẩm nhựa, cáp quang đã qua sử dụng…với tổng trọng lượng gần 39.500 tấn đã quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người nhận.

Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến lượng container tồn đọng tại cảng là do DN từ chối nhận hàng, hàng không có người nhận, hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, không xin được giấy phép nhập khẩu, hàng hư hỏng, không đúng hợp đồng nên DN chưa làm thủ tục hoặc từ bỏ hàng. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bên mua và bên bán hủy hợp đồng hoặc bên mua hàng làm mất giấy tờ gốc nên không làm được thủ tục nhận hàng…

Việc container tồn đọng trong cảng đã chiếm diện tích kho bãi, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cảng. Đồng thời, hàng không thể thông quan cũng gây hụt nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

SIẾT CHẶT NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Cục Hàng hải Việt Nam đang tích cực cùng các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đưa về Việt Nam. Trong đó, Cục Hàng hải Việt Nam liên tục có văn bản “thúc” các DN cảng biển kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT cho biết, hiện nay nếu DN muốn nhập khẩu hàng nhựa phế liệu về cảng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí như: Không còn tồn container hàng nhập nhựa phế liệu tại cảng; cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ như giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực do Bộ TN-MT cấp, giấy ký quỹ môi trường theo quy định trước khi container cập cảng. Đồng thời, DN sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, ký quỹ trực tiếp cho cảng TCIT với số tiền 150 triệu đồng/DN và thực hiện các cam kết như: Thời gian hoàn tất thủ tục hải quan nhập khẩu và chuyển ra khỏi cảng không quá 10 ngày; cung cấp thông tin lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu cho TCIT trước khi hàng hóa được xếp vào container và chậm nhất 7 ngày so với thời gian dự kiến tàu cập cảng.

Ngày 8/7 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn số 4589/TCHQ-GSQL về việc tái xuất phế liệu tồn đọng. Tổng cục Hải quan đề nghị rà soát danh sách các container phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam và thiết lập các tiêu chí quản lý, giám sát việc tái xuất container phế liệu tồn đọng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp hãng tàu cố tình không vận chuyển, cơ quan Hải quan lập danh sách làm cơ sở kiến nghị Bộ GT-VT, Bộ KH-CN có biện pháp xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te-bien/202008/manh-tay-xu-ly-container-ton-dong-906761/