Mạnh tay xử lý 'xe dù' tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

* Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra 'tối hậu thư' xử lý xe dù, xe chạy chậm đón, trả khách trước khu vực Bến xe trung tâm

* Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra "tối hậu thư" xử lý xe dù, xe chạy chậm đón, trả khách trước khu vực Bến xe trung tâm

Thời gian gần đây, tình trạng "xe dù", "xe ma" hoạt động tại các sân bay quốc tế trên cả nước đang có nhiều diễn biến phức tạp. Có những nơi, "cò xe dù" lộng hành ngang ngược, vào tận cửa nhà ga đón khách lấy giá cao. Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, tài xế "xe dù" cũng dùng đủ mánh khóe để "ăn khách", tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh tay, phạt nghiêm của các lực lượng chức năng, hoạt động đón khách trái quy định của cánh tài xế này đang từng bước đi vào nếp mới, trả lại nét văn minh nơi cửa ngõ hàng không của thành phố...

Lực lượng ANHK Sân bay quốc tế Đà Nẵng kiểm tra, xử lý "xe dù" bắt khách trái quy định tại sân bay.

Lực lượng ANHK Sân bay quốc tế Đà Nẵng kiểm tra, xử lý "xe dù" bắt khách trái quy định tại sân bay.

Đủ chiêu trò

Trao đổi với phóng viên chiều 28-5, ông Hà Hữu Hoàng- Phó giám đốc Cty Dịch vụ An ninh hàng không (ANHK) Sân bay quốc tế Đà Nẵng (SBQT) quả quyết, cuộc chiến chống "xe dù", "xe ma" luôn được lực lượng ANHK quyết liệt xử lý trong nhiều năm qua. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực, tạo tâm lý thoải mái cho hành khách đi và đến cửa ngõ hàng không, nơi được xem là bộ mặt của Đà Nẵng. "Hoạt động của "xe dù" không chỉ ảnh hưởng đến ANTT, mà còn dẫn tới hệ lụy khác cho hành khách như hành lý thất lạc khó tìm lại, bức xúc của các hãng taxi truyền thống đưa đón khách ra vào nhà ga. Vì vậy, lực lượng ANHK liên tục phối hợp với các ngành giao thông, CA ra quân xử lý, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này", ông Hoàng nói.

Theo ghi nhận của lực lượng ANHK, Thanh tra giao thông và Cảnh sát trật tự, cánh tài xế hoạt động "xe dù" trong khu vực sân bay có đủ mánh khóe để đón khách. Đặc biệt, từ khi Grab, Uber ra đời, chiêu trò càng nhiều hơn. Đội trưởng Đội an ninh cơ động ANHK Đỗ Anh Đào cho hay, thông thường mỗi khi vào sân bay, các lái xe đều che mắt lực lượng làm nhiệm vụ bằng cách chuẩn bị giấy tờ vờ là đón khách đoàn xuống máy bay ghi đủ chữ Tây, chữ Tàu. Lúc máy bay hạ cánh, họ xấn đến chèo kéo, mời chào khách đi xe khu vực tiền sảnh nhà ga. Tuy nhiên theo ông Đào, cách này chỉ tồn tại được thời gian đầu, bởi chân tướng và động thái chèo kéo của họ đều được lực lượng ANHK theo dõi qua các góc quay camera và qua các biện pháp nghiệp vụ. Do nhiều trường hợp bị xử lý, tài xế lại chuyển qua chiêu thức mới, hoặc là kết hợp nhiều lái xe, hoặc sử dụng "chim lợn" quan sát động tĩnh của lực lượng kiểm tra để các lái xe khác đón rước khách. Cụ thể, lúc khách xuống máy bay (nhất là khách quốc tế), cánh này dò hỏi chặng đường vận chuyển, nếu khách đồng ý, họ sẽ chỉ dẫn ra khu vực cách đó không xa và nói số BKS xe để khách đi. Có lúc lái xe trà trộn vào những điểm khách uống cà-phê, đổi tiền để chào mời. "Để đối phó, có lúc lái xe còn lập hội trên facebook nhằm thông báo với nhau những "kinh nghiệm" khi vào sân bay mời khách, tránh bị lực lượng kiểm tra phát hiện. Để xử lý cánh lái xe này, ngoài lực lượng công khai, ANHK và Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự, CAP Hòa Thuận Tây đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa", ông Đào nói...

* Liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, ngày 28-5, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản yêu cầu CATP phối hợp với Sở GTVT, UBND Q. Liên Chiểu có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù", xe chạy chậm đón, trả khách trước khu vực Bến xe Trung tâm (trước bến xe và đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng), nhất là tuyến Đà Nẵng - Huế - Đông Hà - Đồng Hới, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp ngành trong việc để xảy ra "xe dù", xe chạy chậm đón, trả khách, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 10-6. Chủ tịch cũng yêu cầu, sau thời gian 3 tháng, nếu trình trạng "xe dù" không được xử lý dứt điểm, lãnh đạo các ngành, địa phương có liên quan phải xử lý nghiêm với lãnh đạo chỉ huy các đơn vị trực thuộc ngành của mình trực tiếp làm công tác xử lý "xe dù", xe chạy chậm đón trả khách sai quy định.

Xử lý nghiêm để tránh nhờn luật

Ông Hà Hữu Hoàng cho biết, trong khoảng thời gian 2016-2017, ANHK cùng các lực lượng phối hợp đảm bảo ANTT tại cảng hàng không quốc tế đã tiến hành xử lý hàng trăm trường hợp "xe dù" đón khách sai quy định. Riêng 5 tháng đầu năm và nửa tháng ra quân (từ ngày 14-5 đến nay) theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cty Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đã có gần 140 trường hợp xe dù bị xử lý. Các lỗi vi phạm chủ yếu rơi vào đậu đỗ sai quy định, không có hợp đồng, hợp đồng không có tên khách hoặc hợp đồng không thể hiện điểm đi và đến, trốn tránh kiểm tra. Thậm chí có những vụ lái xe còn có hành vi chống đối người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Điển hình như vụ việc xảy ra cuối tháng 3-2018, khi trực ban an ninh trong lúc làm nhiệm vụ phát hiện ông Lê Hùng (quê Hà Tĩnh) điều khiển ô-tô mời chào đón khách tại làn đường phía trong trước ga quốc nội. Khi lực lượng tiến hành kiểm tra thì ông Hùng không chấp hành mà còn lái xe hất văng cán bộ ANHK sau đó lái xe bỏ chạy. Cũng theo ông Hoàng, hoạt động của "xe dù" còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của hành khách, bởi đã có rất nhiều trường hợp đi xe này đã mất đồ đạc, hành lý khi bỏ quên trên xe. Dẫn chứng cho điều này, cán bộ an ninh sân bay cho chúng tôi xem rất nhiều cảnh quay "xe dù" khi đang bắt khách phát hiện có lực lượng kiểm tra đã đạp ga bỏ chạy, chở theo cả hành lý, tài sản của khách. Vì vậy, lực lượng an ninh khuyến cáo, khách hàng nên di chuyển bằng taxi vì những năm qua, có hàng chục trường hợp quên hành lý có giá trị, thậm chí tiền bạc đều nhận lại được do nhân viên trả lại, hoặc lực lượng ANHK tìm kiếm số tài xe qua camera.

Qua camera, phát hiện nhiều "xe dù" bỏ chạy khi phát hiện lực lượng kiểm tra, chở theo cả hành lý của khách.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa- Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, cho hay: Trong công tác phối hợp giải quyết tình trạng "xe dù" hoạt động tại sân bay, do lực lượng ANHK không có thẩm quyền kiểm tra điều kiện vận tải của các phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính nên lực lượng Thanh tra đã có sự hỗ trợ và duy trì công tác phối hợp, quan điểm là xử phạt nghiêm lái xe vi phạm để tránh nhờn luật. Theo ông Nghĩa, hầu hết lỗi vi phạm của lái xe đều vị xử phạt rất nặng, bình quân từ 1,5 đến dưới 10 triệu đồng, thậm chí có trường hợp vi phạm nhiều lỗi phạt tới 12 triệu đồng. Như trường hợp mới nhất xảy ra ngày 28-5, với lỗi kinh doanh vận tải bằng ô-tô không có phù hiệu, biển hiệu theo quy định, xe BKS 43A - 289... đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra cũng ra quyết định xử phạt chủ chiếc xe này 5 triệu đồng về hành vi giao xe cho người làm công thực hiện hành vi vi phạm quy định theo khoản 6 điều 23, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. "Xử lý "xe dù" tại sân bay, nếu làm tốt công tác phối hợp, cộng thêm mức xử phạt nặng, chắc chắn lái xe sẽ không còn dám ù lì đón khách tại cửa ngõ hàng không quốc tế nữa", ông Nghĩa khẳng định.

Công Hạnh

Vận động cán bộ, nhân viên đi làm bằng xe buýt

Đây là kế hoạch vừa được Trung tâm Điều hành Đèn Tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac) phát động, được 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Datramac cam kết, đồng tình hưởng ứng. Theo đó, mỗi người sẽ tham gia đi xe buýt tối thiểu 1 lần/tuần khi đi làm hoặc tham quan du lịch.

Lãnh đạo Datramac cho hay, bên cạnh giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân và bảo vệ môi trường, việc đi lại bằng xe buýt, cán bộ, nhân viên, người lao động của Datramac còn tham gia giám sát chất lượng dịch vụ xe buýt trên địa bàn Đà Nẵng, từ đó có những kiến nghị với ngành trong việc xây dựng văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ trên các tuyến.

Quỳnh Chi

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_190195_manh-tay-xu-ly-xe-du-tai-cang-hang-khong-quoc-te-da-nang.aspx