Mạo danh nhà báo cưỡng đoạt tài sản có thể phải ngồi tù tới 20 năm

Sau khi CATP Hà Nội khởi tố kẻ mạo danh nhà báo cầm đầu nhóm đối tượng cưỡng đoạt tài sản, nhiều người cho rằng, cần xử lý nghiêm khắc đối tượng này để răn đe.

Cơ quan công an đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Quang Dũng (SN 1986), Nguyễn Phước Hải (SN 1988), Đinh Tiến Sơn (SN 1998) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, Đinh Tiến Sơn đã bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một cá nhân để gỡ bài viết về công tác quản lý xây dựng của các phường trên địa bàn Hà Nội trên trang Web “Xaydungvadothi.net”.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an tiếp tục bắt thêm 2 đồng phạm là Nguyễn Phước Hải, và Nguyễn Quang Dũng, là 2 cộng tác viên của 2 Tạp chí điện tử.

Vụ việc trên đã gây xôn xao dư luận. Ông Lê Đình Long – cán bộ hưu trí phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, qua báo chí ông được biết, đối tượng Nguyễn Quang Dũng nguyên là phóng viên báo Pháp luật Việt Nam – kẻ chủ mưu, quản trị 18 trang web.

Tang vật vụ án

Tang vật vụ án

Theo ông Long, việc các đối tượng với vỏ bọc là phóng viên đi thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội, viết và đăng bài trên trang web rồi sử dung đường link bài viết đến gặp các Chủ tịch phường có sai phạm đe dọa, yêu cầu đưa tiền để gỡ bài là hành động uy hiếp, tống tiền trắng trợn không thể chấp nhận được. Nó thể hiện thủ đoạn tinh vi nhưng cũng không kém phần liều lĩnh của nhóm đối tượng.

‘Nhà báo là người được cấp thẻ hành nghề, hoạt động trong một cơ quan báo chí chính thống và chịu trách nhiệm về từng bài viết của mình. Đây cũng là một nghề được xã hội trân trọng và tôn vinh. Do đó, hành vi trên của nhóm đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của những nhà báo chân chính, gây mất an ninh trật tự. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm nhóm đối tượng này để răn đe’ – ông Long kiến nghị.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 170 BLHS 2015 về Tội cưỡng đoạt tài sản nêu rõ, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc.

Trong sự việc trên, các đối tượng đã cố ý thực hiện việc đe dọa thông qua hình thức như chụp ảnh, viết bài đẩy lên web sau đó sử dụng các nội dung đã đăng tải đe dọa... nhằm mục đích gây áp lực về tinh thần đối với cá nhân liên quan để buộc họ giao tiền.

Cơ quan công an sẽ xác minh làm rõ số tiền các đối tượng này đã cưỡng đoạt là bao nhiêu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng – luật sư Hồng Vân nhận định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mao-danh-nha-bao-cuong-doat-tai-san-co-the-phai-ngoi-tu-toi-20-nam-post538832.antd