Mạo danh nhân viên 'nhà mạng' để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bằng phương thức thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng mạo danh là những nhân viên 'nhà mạng' đi khảo sát, lắp đặt 'trụ phát sóng wifi' rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Khi các đối tượng đang lừa đảo, chiếm đoạt 12,6 triệu đồng của người dân thì bị CAH Đăk Đoa (Gia Lai) bắt giữ.

Bằng phương thức thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng mạo danh là những nhân viên “nhà mạng” đi khảo sát, lắp đặt “trụ phát sóng wifi” rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Khi các đối tượng đang lừa đảo, chiếm đoạt 12,6 triệu đồng của người dân thì bị CAH Đăk Đoa (Gia Lai) bắt giữ.

Hai đối tượng Trần Văn Nhơn (trái) và Bùi Văn Tuấn

Hai đối tượng Trần Văn Nhơn (trái) và Bùi Văn Tuấn

Bổn cũ soạn lại

CAH Đăk Đoa (Gia Lai) vừa bắt giữ 2 đối tượng: Bùi Văn Tuấn (1975) và Trần Văn Nhơn (1980, cùng trú tại H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cả Tuấn và Nhơn đã từng có tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng bằng thủ đoạn mạo danh nhân viên của Trung tâm công nghệ thương mại quốc tế FPT. Điều đáng nói, sau khi chấp hành xong án phạt tù, Nhơn, Tuấn cùng đối tượng Phạm Đăng Khoa (1991, trú xã Hành Dũng, H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cùng 1 đối tượng tên Triết (chưa rõ lai lịch) câu kết thực hiện hành vi phạm tội bằng “bổn cũ”.

Do Nhơn, Tuấn từng mạo danh nhân viên của “nhà mạng” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở địa phương nên lần này cả bọn rủ nhau lên địa bàn Gia Lai để “hoạt động”. Nhóm này thường nhắm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm tránh bị phát hiện và cũng như lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân. Từng có tiền án nên các đối tượng rất ranh mãnh khi thường chia ra để hoạt động riêng lẻ hoặc đi 2 người cùng lúc và thường sử dụng tên giả.

Khi tìm đến nhà người dân, chúng tự giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Trung tâm công nghệ và thương mại quốc tế FPT và thuyết phục người dân cho thuê đất để xây dựng trạm phát sóng mạng wifi. Để tạo lòng tin, chúng đưa ra tờ giấy A4 được in với nội dung vừa là phiếu khảo sát vừa là hợp đồng với người dân để đặt vấn đề thuê đất trong vòng 10 năm, với giá tiền thuê đất 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, “trung tâm” của chúng sẽ trả trước số tiền trong vòng 5 năm với giá 240 triệu đồng, 5 năm sau sẽ trả 4 triệu đồng/tháng. Kèm theo đó, các nhân viên “nhà mạng” này cũng đưa ra điều kiện, muốn được “đơn vị” thuê đất với giá “hời” như vậy thì các hộ dân phải ký hợp đồng lắp đặt thiết bị phát wifi trong 10 năm, trả tiền trước 5 năm là 12,6 triệu đồng, 5 năm còn lại “đơn vị” sẽ miễn phí, thậm chí sẽ được tặng 1 chiếc ĐTDĐ Iphone 7Plus. Nếu đồng ý, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân ký vào “hợp đồng” và đưa trước cho chúng 12,6 triệu đồng, sau vài ngày sẽ được “lãnh đạo đơn vị” đến thi công và trả toàn bộ số tiền thuê đất 5 năm như thỏa thuận.

Để lấy lòng tin của các nạn nhân, chúng đã lập tức trao tặng 1 ĐTDĐ Iphone 7 Plus giả được “đóng hộp” cẩn thận. Bên cạnh đó, chúng cũng trình ra một phiếu khảo sát lắp đặt trụ phát sóng wifi đề tên “Trung tâm Công nghệ thương mại Quốc tế FPT”. Thậm chí, chúng còn ghi trong tờ giấy “Hợp đồng phải được đọc lại cho hai bên cùng nghe và đồng ý ký tên và được sự nhất trí của Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Công Thương của tỉnh Gia Lai”.

Nhiều nạn nhân “sa bẫy”

Do thiếu cảnh giác cũng như nghĩ đến việc phần đất đang sử dụng ít giá trị của mình bỗng chốc được thuê với “giá cao” nên nhiều người dân tin tưởng, chấp nhận điều kiện ký hợp đồng lắp đặt thiết bị phát wifi và đưa 12,6 triệu đồng cho “nhân viên kinh doanh”. Sau khi nhận tiền của nạn nhân, các đối tượng nhanh chóng rời đi với lời hẹn 2-3 ngày nữa sẽ cùng “lãnh đạo đơn vị” đến ký hợp đồng và thanh toán tiền thuê đất. Tuy nhiên, nạn nhân chờ mãi cũng không thấy bóng dáng những “nhân viên kinh doanh” đến lắp đặt trụ phát sóng theo “hợp đồng” và lúc đó họ mới kiểm tra, phát hiện chiếc ĐTDĐ Iphone 7 Plus chỉ là hàng giả.

Từ thông tin tố giác của nạn nhân và qua công tác trinh sát, CAH Đăk Đoa đã phát hiện cũng với thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng này không chỉ gây án trên địa bàn H. Đăk Đoa mà còn trên địa bàn các huyện: Đức Cơ, Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang của tỉnh Gia Lai. Đến ngày 15-12, qua tin báo của quần chúng nhân dân, CAH Đăk Đoa phát hiện 2 đối tượng Tuấn và Nhơn đến tiếp xúc với người dân trong các làng đồng bào DTTS thuộc địa phận các xã Ia Băng, xã Ia Pết để “khảo sát ký hợp đồng lắp đặt trụ phát sóng wifi”.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 17-12, khi Tuấn và Nhơn đang thực hiện hành vi chiếm đoạt 12,6 triệu đồng lắp đặt thiết bị wifi của anh M. (1990, trú xã Ia Pết, H. Đăk Đoa) thì bị CAH Đăk Đoa bắt giữ. Cơ quan CA thu giữ 1 chiếc xe máy, 2 chiếc ĐTDĐ của các đối tượng, 1 chiếc điện thoại Iphone 7 Plus giả cùng các giấy tờ mà các đối tượng dùng làm phương tiện gây án.

Tại CQĐT, Tuấn và Nhơn đã cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. 2 đối tượng Tuấn và Nhơn thừa nhận đã lừa đảo của anh Vũ Mạnh Hưng (1976, trú làng Bôk Rẫy, xã Đăk Sơ Mei, H. Đak Đoa) 12,6 triệu đồng vào ngày 18-11; lừa đảo chiếm đoạt của anh Rơ Mah Bong (1983, trú làng Ấp, xã Ia Kriêng, H. Đức Cơ, Gia Lai) 12,6 triệu đồng vào ngày 5-12. Hiện CQCSĐT CAH Đăk Đoa đã tạm giữ 2 đối tượng trên để tiếp tục đấu tranh làm rõ, đồng thời tiến hành truy bắt 2 đối tượng còn lại trong nhóm lừa đảo này.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_217966_mao-danh-nhan-vien-nha-mang-de-lua-dao-chiem-doa.aspx