Mạo hiểm khi gặp khó

Trong tự nhiên, sư tử, hổ, báo… luôn độc chiếm lãnh địa riêng. Con thú khác đến, muốn chiếm lãnh địa đó, phải chịu một cuộc chiến không khoan nhượng và có tới 99,99% cuộc chiến, kẻ lạ mặt phải chịu thua, tìm lãnh địa khác.

Ảnh minh họa

Thương trường là chiến trường, câu chuyện của sư tử, hổ, báo… cũng là quy luật muôn đời của thương trường.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới với hơn 52 tỷ lít mỗi năm, bị phân chia bởi những gã khổng lồ nội địa như Tsingtao thống lĩnh miền Đông, China Resources và Harbin giành ưu thế tại Đông Bắc, Yanjing chiếm trọn phía Bắc..., "cuộc chiến bia" vô cùng cam go, nghiệt ngã, hàng loạt tập đoàn bia quốc tế đã phải nản lòng, bỏ cuộc. Carlsberg thâm nhập thị trường Trung Quốc từ năm 1995, chỉ… giậm chân tại chỗ, đến năm 1999 - 2000 gần như phải bỏ cuộc khi bán 75% cổ phần dây chuyền sản xuất bia tại Thượng Hải cho Tsingtao.

Thế nhưng, năm 2002, Carlsberg trở lại với một chiến lược táo bạo và mạo hiểm: "Tây du"- tiến sâu vào phía Tây, vùng đất nghèo khó nhất Trung Quốc, tiêu thụ bia của người dân chỉ bằng 1/3- 1/5, thậm chí bằng 1/10 các thành phố lớn.

Hành trình "Tây du" của Carlsberg là hàng loạt các cuộc thâu tóm những thương hiệu bia tại phía Tây như mua lại 100% Kunming Huashi Brewery và Dali Beer Group; mua 50% Lhasa Brewery ở Tây Tạng…, rồi bắt tay hợp tác với một tập đoàn bia hùng mạnh...

Tận dụng mạng lưới có sẵn của các công ty được thâu tóm, Carlsberg biến nó thành hệ thống khổng lồ của mình. Với hàng chục thương hiệu phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, bia Carlsberg phủ sóng khắp mọi nơi ở thị trường "khó nhằn" bậc nhất Trung Quốc. Ngày nay, Carlsberg đã sở hữu hơn 50 nhà máy sản xuất bia và làm chủ hơn 60% thị trường bia phía Tây Trung Quốc.

Câu chuyện "Tây du" của gã khổng lồ bia Carlsberg là một minh chứng cho câu nói: Trong mỗi khó khăn luôn có một giải pháp.

Minh Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/mao-hiem-khi-gap-kho.html