Mào Sao Phìn - mùa xuân vẫy gọi

Ở nơi ấy, bản làng người Mông vẫn còn giữ những ngôi nhà đất truyền thống với kiến trúc độc đáo có tuổi đời hàng chục năm. Cũng chính nơi ấy, mùa xuân hoa đào, hoa mận bung nở, những chiếc váy thổ cẩm phơi màu như vườn hoa khoe sắc rực rỡ. Đó cũng là nơi mà anh Tô Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai 'bật mí' với tôi rằng huyện đang có kế hoạch bảo tồn kiến trúc nhà trình tường gắn với phát triển du lịch cộng đồng - thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng.

Ngôi nhà độc đáo nhất bản Mông

Những ngày cuối năm, khi tết Nguyên đán đã cận kề, tôi háo hức vượt qua những con dốc vòng vèo lên Si Ma Cai để đến Mào Sao Phìn. Từ UBND xã Sín Chéng, xuôi theo con dốc xuống một thung lũng khá bằng phẳng chưa đầy một cây số, chúng tôi đã đến bản Mông, nơi có không gian văn hóa đẹp nhất vùng. Từ trên cao nhìn xuống, xóm trung tâm của thôn Mào Sao Phìn như một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa xung quanh là cánh đồng ruộng bậc thang trùng điệp, thung lũng được bao bọc bởi ba bên là núi đá, trong đó có hai đỉnh núi song song tuyệt đẹp.

Thôn Mào Sao Phìn có những ngôi nhà đất truyền thống của người Mông từ 30 đến 50 năm tuổi.

Ngay từ đầu làng, hương rượu ngô nhà ai nấu lan tỏa trong cái lạnh mùa đông khiến tôi quên đi giá rét, cảm giác như đang trong những ngày tết cổ truyền. Vàng A Giang, chàng trai Mông sinh ra ở vùng đất này đưa tôi đến một ngôi nhà đất ở giữa thôn. Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà không có gì đặc biệt, nhưng đáng chú ý là bức tường đất dài với kích thước chiều ngang và chiều dọc đều khoảng 17 m. Nhiều lần đến bản làng vùng cao, những ngôi nhà đất rộng nhất mà tôi gặp chỉ khoảng 100 m2, nhưng ngôi nhà này rộng gấp gần 3 lần.

Cánh cửa gỗ mở ra, tôi không khỏi ngạc nhiên khi phía trong là không gian độc đáo khiến tôi liên tưởng đến kiến trúc nhà cổ của vua Mèo Vương Chí Sình bên cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngôi nhà có khoảng sân và giếng trời rộng ở giữa, bốn bên là dãy nhà hai tầng bằng gỗ sa mộc với nhiều phòng khác nhau. Ấn tượng nhất là gian chính của ngôi nhà nơi gia chủ dùng để tiếp khách, nhìn lên trên là lan can gỗ được sơn nhiều màu. Theo chiếc cầu thang gỗ lên tầng trên, không gian tiếp tục được mở ra, dù đứng ở vị trí nào cũng có thể quan sát toàn bộ sân dưới. Ở tầng trệt là phòng khách và các phòng ngủ, nhà bếp, tầng trên là nơi cất trữ thóc, ngô, quần, áo. Đó cũng là nơi tích trữ củi và rơm, rạ cho gia súc trong mùa đông.

Ngôi nhà vuông của ông Giàng A Lý có kiến trúc độc đáo.

Theo ông Giàng A Lý, chủ nhân ngôi nhà thì nhà làm theo kiến trúc truyền thống từ xưa của người Mông với xung quanh là tường đất, bên trong là khung gỗ sa mộc. Tính đến nay, ngôi nhà đã trải qua hơn 22 năm nhưng vẫn rất vững chãi, hàng cột gỗ sa mộc vẫn nguyên vẹn. Trước đây, mái nhà lợp bằng ngói âm dương, nhưng về sau được thay bằng tấm lợp Phibro xi-măng. Đây là ngôi nhà vuông truyền thống lâu năm nhất ở thôn Mào Sao Phìn, hiện nay vẫn là nơi cư trú của gia đình gồm 3 thế hệ với 11 thành viên.

Già làng kể chuyện làm nhà trình tường

Dạo quanh thôn Mào Sao Phìn, đi trên đường bê tông sạch sẽ, ai cũng cảm nhận được nhịp sống yên bình của đồng bào Mông nơi đây. Ngoài ngôi nhà vuông có kiến trúc độc đáo của ông Giàng A Lý, trong thôn Mào Sao Phìn chủ yếu là nhà đất có kiến trúc đơn giản hơn với 1 dãy nhà ngang 2 tầng, 4 mái, với cột gỗ sa mộc và lan can gỗ phía trước. Dù là nhà rộng hay hẹp thì những bức tường đất đều dày từ 40 - 50 cm, giống như chiếc điều hòa hai chiều giúp ngôi nhà về mùa đông ấm áp, chống được sương gió, mùa hè lại luôn mát mẻ. Ngày giáp tết, cây đào, cây lê nở hoa bên những ngôi nhà tường đất màu vàng tạo thành bức tranh bình dị, thơ mộng.

Ông Giàng A Chứ kể chuyện gần 30 năm đi làm nhà đất người Mông.

Đặc biệt, đi về phía cuối thôn Mào Sao Phìn, chúng tôi được ngắm nhìn hai ngôi nhà trình tường lợp mái ngói âm dương truyền thống đẹp như những thước phim cổ trang. Trong sân nhà, phụ nữ thì sàng gạo, còn lũ trẻ vui đùa hồn nhiên, một người đàn ông chạc ngoài 60 tuổi đang bổ củi. Đó là ông Giàng A Chứ, bậc cao niên trong thôn. Khi được hỏi về những ngôi nhà đất của thôn, ông Chứ bảo, ở vùng đất này người Mông là bậc thầy về kỹ thuật làm nhà trình tường, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được hết bí quyết làm ngôi nhà đất đẹp và vững trãi.

Những ngôi nhà đất tạo nên không gian văn hóa độc đáo của bản người Mông ở vùng cao Sín Chéng.

Từ năm 15 - 16 tuổi, ông Chứ đã tham gia đội thợ chuyên đi làm nhà đất thuê cho khắp vùng Si Ma Cai. Ngay cả nhà ông Giàng A Lý là ngôi nhà có kiến trúc cầu kỳ và khó làm nhất cũng do bàn tay ông Chứ và đội thợ làm ròng rã gần 4 tháng mới xong. Với gần 30 năm đi làm nhà đất, ông Chứ chia sẻ: Từ tháng 9 âm lịch trở đi đến tết Nguyên đán là mùa làm nhà trình tường ở vùng cao, vì mùa này thời tiết khô ráo, người dân cũng thu hoạch lúa, ngô xong, làm nhà mới để đón tết.

Làm nhà trình tường lâu và cầu kỳ hơn so với nhà xây. Khó nhất là khâu trình tường, trong đó phải chọn được loại đất đỏ, đất vàng mịn hoặc đất pha lẫn đá sỏi nhỏ thì bức tường kiên cố, ít bị nứt nẻ, hàng chục năm không đổ. Để tường thêm kiên cố thì khi đổ đất vào khuôn cần cho thêm những đoạn tre và dùng tre kết nối các bức tường với nhau. Khâu làm khung gỗ cho ngôi nhà và chạm trổ hoa văn cũng cần người thợ khéo tay, cẩn thận từng chi tiết.

Giữ nhà trình tường để làm du lịch

Là bậc thầy về làm nhà đất, nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Chứ bảo từ 10 năm trở lại đây do tuổi cao, sức khỏe không như trước nên ông không đi làm nhà đất thuê nữa, đội thợ cũng mỗi người một việc, nhưng ông vui vì trong thôn vẫn còn nhiều ngôi nhà đất truyền thống của dân tộc. Mào Sao Phìn theo tiếng Quan Thoại nghĩa là làng có nhiều cỏ gianh. Từ ba đời trước, sau khi di chuyển từ thôn Ngải Phóng Chồ xuống đây, người Mông phát cỏ gianh, khai khẩn đất đai, làm ruộng bậc thang, lập nên bản làng với những ngôi nhà đất lợp mái ngói âm dương.

Vui vậy, nhưng ông cũng trăn trở vì mấy năm qua, một số hộ có đời sống khá giả đã bỏ nhà đất xây nhà gạch kiên cố cao 2 tầng, 3 tầng sơn màu lòe loẹt. “Xây nhà kiên cố cũng tốt, nhưng nếu bà con ai cũng xây nhà như vậy thì bản Mông chẳng khác gì ngoài phố, bản sắc người Mông lâu dần cũng không còn nữa. Dù 2 ngôi nhà của tôi đều đã gần 30 năm tuổi, nhưng tôi vẫn giữ lại mái ngói âm dương và tường đất để dạy con cháu luôn phải giữ gìn bản sắc của dân tộc mình”, ông Chứ bộc bạch.

Anh Giàng A Tráng, Trưởng thôn Mào Sao Phìn cho biết: Mào Sao Phìn hiện có 96 hộ, đều là đồng bào Mông. So với những thôn, bản khác của xã, Mào Sao Phìn có đường đi thuận lợi, bản làng với 60% là nhà tường đất truyền thống lâu năm, trong đó có khoảng chục ngôi nhà trên 50 năm tuổi. Cùng với đó, thôn có phong cảnh đẹp, ruộng bậc thang, núi non hùng vĩ, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Bài toán bảo tồn nhà trình tường ở Mào Sao Phìn vẫn còn không ít khó khăn.

Thời gian qua, cán bộ xã cùng với thôn tích cực tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức, giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ nét đẹp văn hóa và những ngôi nhà tường đất cổ để thu hút du khách. Khó khăn hiện nay là thôn còn 46 hộ nghèo, bà con mong các cấp, các ngành hỗ trợ để phát triển du lịch cộng đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tô Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai cho biết: Thôn Mào Sao Phìn còn giữ được nhiều ngôi nhà đất có kiến trúc truyền thống độc đáo của người Mông, trong đó nhiều ngôi nhà tuổi đời từ 20 năm trở lên. Huyện Si Ma Cai đang xây dựng dự án bảo tồn không gian văn hóa thôn Mào Sao Phìn gắn với bảo tồn nghề thêu thổ cẩm, phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân trong thôn có cuộc sống ấm no.

Chia tay Mào Sao Phìn khi màn sương mờ ảo buông xuống, tôi còn lưu luyến mãi với nếp nhà tường trình đất bên vườn đào, vườn mận, vườn cải hoa vàng đang bung nụ khoe sắc. Mấy thiếu nữ Mông vẫn ngồi thêu thổ cẩm bên hiên nhà quên cả thời gian, còn trên lan can gỗ, màu váy hoa xòe ai phơi rực rỡ như đàn bướm đang bay lượn. Mào Sao Phìn, mùa xuân đã đến với bản làng nơi đây.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363957-mao-sao-phin--mua-xuan-vay-goi