Marathon từ Athens đến Hà Nội

Cho tới khi VPBank, ngân hàng được coi là 'kẻ truyền đạo văn hóa' với series các đêm nhạc huyền thoại, cũng 'nhảy' vào một giải chạy được tổ chức như Hanoi International Heritage Marathon thì người ta hiểu sức hút của marathon đã mạnh mẽ thế nào.

Linh Nguyễn H

“Đại dịch” marathon

Giới chạy bộ chắc đều thuộc nằm lòng câu chuyện mang nhiều yếu tố truyền thuyết: cuộc đua marathon đầu tiên được thực hiện năm 490 TCN, khi người đàn ông mang tên Pheidippides chạy từ Marathon, Hy Lạp, đến Athens để báo tin thắng trận. Tính xác thực của nó tới nay vẫn chưa được khẳng định, tuy nhiên chắc chắn marathon đã xuất hiện từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại.

Hơn 2.000 năm sau, truyền thuyết về Pheidippides được lấy làm cảm hứng cho Olympic đầu tiên tổ chức năm 1896 ở chính Athens huyền thoại. Kể từ đó, marathon với tinh thần phóng khoáng, bền bỉ, thể thao, trượng nghĩa và có tính cộng đồng... đã trở thành một trong những biểu tượng bất tử của Olympic.

Marathon Kosice ở Slovakia, tổ chức lần đầu năm 1924, được coi là cuộc thi marathon lâu đời nhất châu Âu vẫn tồn tại tới nay. Nhưng phải tới khi Thế chiến 2 kết thúc, các cuộc thi marathon mới nở rộ. Tới những năm 1970, với sự bành trướng của truyền hình, marathon được gọi đùa là “đại dịch” cả ở châu Âu lẫn Mỹ.

Năm 1976, lần đầu tiên một giải chạy xuyên thành phố được tổ chức ở New York. Cuộc đua này thu hút tới 1.500 vận động viên. Ngay lập tức các thành phố lớn trên thế giới hiểu được sức hút của “quả bom” marathon: Berlin, London, Chicago... Người ta nói, các thành phố lớn “mất ăn mất ngủ” nếu chưa tổ chức được giải chạy của riêng mình.

Marathon ngày càng trở thành “người khổng lồ”, số lượng người tham gia được tính toán là tăng tới 800% sau 14 năm. Đến những năm 1990 đã có cuộc thi thu hút... hơn 200.000 người tham gia. Cùng với đó số tiền thưởng cũng tăng theo cấp số nhân. Marathon đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự.

Giải cơn khát 25 năm

Không phải đợi tới những năm 1970s, châu Á mới quan tâm tới môn thể thao cộng đồng này. Giải marathon tổ chức ở Fukuoka Nhật Bản từ năm 1947 với tất cả sự chỉn chu, nhiệt tình vốn có của người Nhật. Tới những năm 1960, Fukuoka Marathon đã được coi là một trong những giải chạy tốt nhất thế giới. Singapore, đất nước năng động và bắt sóng tất cả những hoạt động có khả năng kéo du khách tới hòn đảo nhỏ bé này, đã tổ chức giải marathon vào các ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 12 bắt đầu từ năm 1982.

Quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc thực sự quan tâm tới marathon từ những năm 2000, thống kê cho thấy kể từ Olympic 2008, mỗi năm số người tham gia marathon lại tăng lên 300% và chưa có xu hướng giảm nhiệt.

Kể những con số đó, để thấy nếu marathon có trở thành từ khóa “hot” ngay tại Việt Nam cũng không phải điều đáng ngạc nhiên. Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Marketing của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank, lý giải động lực khiến VPBank tham gia đồng tổ chức giải marathon Di sản Hà Nội (HIHM 2018) ngay từ năm đầu tiên: “Bạn có thể thấy marathon hình như là một thứ “mốt” ở Việt Nam? Nhưng những giải marathon tại Paris, London, Kuala Lumpur, hay Singapore chưa bao giờ thôi “hot”. Bởi cộng đồng marathon quốc tế là cộng đồng bền vững gắn kết bởi lối sống văn minh, tích cực. Sứ mệnh của VPBank là mang đến cuộc sống Thịnh Vượng theo nghĩa đầy đủ nhất, về cả tài chính, tinh thần và thể chất. Những năm vừa qua chúng tôi đã được ghi nhận cho những nỗ lực chăm sóc cộng đồng về tài chính (thông qua dịch vụ ngân hàng) và tinh thần (qua các sự kiện văn hóa). Với HIHM 2018, chúng tôi rất mong góp phần lan truyền một cảm hứng sống tích cực qua khẩu hiệu “Wealth & Health”. Với tinh thần “vì chúng tôi quan tâm tới bạn”, Wealth & Health cũng chính là thông điệp VPBank sẽ lan tỏa trong các gói sản phẩm được thiết kế riêng và ra mắt khách hàng trong thời gian tới đây”.

Cũng trong cuộc họp báo ra mắt HIHM 2018, thông tin cho biết cách đây 25 năm, Sở TDTT Hà Nội đã tổ chức thành công một giải marathon gây tiếng vang lớn trong cộng đồng điền kinh khu vực. Tuy nhiên vì nhiều lý do, sau đó Hà Nội gần như “tuyệt giao” với marathon.

Tháng 6 năm nay, bỗng nhiên giới marathon và công chúng xôn xao trước tin một giải chạy quốc tế sắp tổ chức. Rồi cũng bất ngờ như thế, Hanoi International Heriatage Marathon ra mắt tháng 10, chính thức khai cuộc ngày 21.10. Có lẽ bởi hạn hán gặp mưa rào, nên ngay lập tức đã có tới hơn 2.500 vận động viên đăng ký tham gia, trong đó có nhiều người từ các thành phố hoặc cả các quốc gia khác đáp máy bay tới xỏ giày.

Tinh thần đã hừng hực, cộng đồng đang đầy “lửa”, điều cần nhất bây giờ là nuôi dưỡng để marathon không một lần nữa “đứt gánh” tại Hà Nội như 25 năm trước.

Với lịch sử lâu dài, bền bỉ như chính tinh thần marathon, tin rằng phong trào marathon tại Hà Nội sẽ không chỉ mang tính trào lưu. Dù muộn, nhưng Hà Nội - với Long Biên Marathon và Hanoi International Heritage Marathon - đã chính thức ghi tên vào bản đồ marathon thế giới. Một “món” mà thành phố lớn nào cũng dọn ra đãi khách.

Tiêu Phong

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/marathon-tu-athens-den-ha-noi-1016158.html