Masan Group 'quay trở lại' với kết quả 6 tháng đầu năm 2018

Còn nhớ vào đại hội cổ đông thường niên của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang đã trao đổi thẳng thắn với cổ đông về những khó khăn và thất bại mà Tập đoàn đã trải qua. Có những lúc, 'con đường Masan' đã bị đặt dấu hỏi nhưng với những kết quả khả quan trong nửa đầu năm, Masan thật sự đã 'quay trở lại'.

Ảnh minh họa.

Lợi nhuận tăng trưởng gấp 3 lần trong nửa đầu năm

Kết quả nửa đầu năm của Masan Group gây ấn tượng khi doanh thu nửa đầu năm 2018 tăng trưởng hai chữ số (nếu không tính Masan Nutri-Science do khủng hoảng giá heo) và lợi nhuận tăng trưởng đến ba chữ số.

Cụ thể, Masan Group đạt doanh thu thuần 9.184 tỷ đồng trong quý II/2018, tăng trưởng 11,0% so với quý I/2018 với 8.274 tỷ đồng, nhưng giảm 3,1% so với quý II/2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, vốn đã kết thúc vào tháng 4/2018.

Do đó, doanh thu thuần hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 giảm 3,1% xuống 17.458 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính MNS, doanh thu thuần của Công ty trong quý II/2018 tăng 16,9% so với quý I/2018 và tăng trưởng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông Công ty trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017, trong đó gần một nửa đến từ các khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank.

“Tăng trưởng của Masan thật sự ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà chúng tôi đã đạt được những kết quả này. Tăng trưởng này là kết quả của việc chúng tôi đã giữ vững niềm tin vào chiến lược dài hạn từ 5 năm trước và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng cũng như khi đối mặt với các khó khăn trong vận hành”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ.

Masan đặt cược vào hàng tiêu dùng cao cấp, thịt “mát” và thịt chế biến

Là một doanh nghiệp hàng tiêu dùng, Masan hiểu rõ tầm quan trọng của độ phủ sản phẩm và do đó, Masan Consumer (MCH) hiện đang có sản phẩm tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Đa số sản phẩm của Masan đều trên dưới 10.000 đồng, đáp ứng nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng, khi mà 70% dân số còn đang sinh sống tại khu vực nông thôn.

Điều này được chứng minh qua kết quả nghiên cứu Brand Footprint 2017 của Kantar Worldpanel: với 6 nhãn hiệu nằm trong Top 10 các thương hiệu mạnh về thực phẩm và đồ uống tại khu vực nông thôn, Masan sở hữu số lượng thương hiệu mạnh nhiều nhất trong ngành. Đặc biệt, nhãn hiệu Nam Ngư “tiếp tục là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở nông thôn đồng thời đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thành thị. Hiện Masan Consumer đang là nhãn hiệu đứng thứ hai tại Việt Nam về sô lần chọn mua với 306 triệu lần, chỉ sau Unilever.

Tuy nhiên, thu nhập của người Việt Nam đang dần tăng lên khoảng 8,8%/năm với tầng lớp trung lưu ngày càng đông về số lượng. Hiện tại, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, mức chi tiêu của người Việt Nam được cho là sẽ đạt hơn 170 tỷ đồng vào năm 2020. Đây là tiền đề cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng như MCH tăng cường giới thiệu các sản phẩm mới cao cấp, đáp ứng cho mức sống ngày càng được cải thiện của người Việt Nam.

Cũng chính vì thu nhập tăng cao và người tiêu dùng cũng bắt đầu có nhận thức cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhu cầu cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có thương hiệu, an toàn và nguồn gốc rõ ràng là vô cùng lớn.

MCH trở lại Top 3 công ty đầu tư xây dựng thương hiệu nhiều nhất và việc tung các sản phẩm mới thành công trong nửa cuối năm 2017 đã giúp doanh thu thuần tăng lên 7.526 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 5.496 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017, và mức 6.354 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Tăng trưởng này đến từ tăng trưởng của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và người tiêu dùng cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp của MCH như dòng sản phẩm Chin-su, Nam Ngư Nhãn Vàng, Nam Ngư Phú Quốc, Tam Thái Tử Thượng Hạng, mì ly Omachi…

Về lĩnh vực đồ uống, dẫn đầu bởi nước tăng lực Wake-up 247, tăng trưởng bán hàng đến người tiêu dùng đạt 32,1% nhờ vào mạng lưới phân phối được mở rộng và sức mạnh thương hiệu được cải thiện.

MCH cũng đang đón đầu xu hướng tiêu dùng cao cấp bằng việc áp dụng công nghệ từ Jinju liên doanh với Jinju Ham (Hàn Quốc) để làm ra các sản phẩm xúc xích tiệt trùng cao cấp, một phân khúc hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Ngoài ra, Masan Nutri-Science (MNS) cũng đang có tham vọng tung ra “thịt mát” có thương hiệu lần đầu tiên có mặt trên trị trường trong lĩnh vực thực tươi sống vào cuối năm 2018.

Trong nửa đầu 2018, doanh thu thuần của MNS tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá heo giảm sâu kỷ lục. Tuy nhiên, gần đây giá heo hơi đã tăng trở lại, đạt mức 48.000/kg lần đầu tiên sau khủng hoảng. Với mức giá này, người chăn nuôi sẽ có được lợi nhuận cao và bắt đầu quay lại chế độ chăn nuôi năng suất cao, bắt đầu tái đàn và chuyển sang các loại thức ăn chăn nuôi năng suất cao như dòng Bio-zeem “Đỏ” của MNS.

Việc bán sản phẩm thịt tươi có thương hiệu mà một cột mốc quan trọng, khi mục tiêu của Masan Nutri-Science từ những ngày đầu là trở thành một công ty tiêu dùng có thương hiệu và đáp ứng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng cho sản phẩm từ thịt với giá cả hợp lý, an toàn và nguồn gốc rõ ràng.

Masan được lợi từ giá vonfram tăng, Techcombank tăng trưởng kỷ lục

Doanh thu thuần của MSR đạt 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 26,6% so với 2.559 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm 2017. Giá tham chiếu của vonfram vào cuối quý II/2018 đã tăng 7,4% so với mức giá của quý I/2018. Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của MSR đạt 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng thêm 237 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Công ty trong nửa đầu năm 2018 và các yếu tố giá hàng hóa hiện tại, Ban Điều hành tin tưởng Công ty có thể đạt được doanh thu thuần 7.300 – 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty của MSR là 600 – 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty liên kết Techcombank (TCB) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng thu nhập quý thứ 11 liên tiếp và tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20% lên 8.659 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 từ 7.210 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017 (gồm lợi nhuận một lần).

Lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2018 tăng kỷ lục lên 5.196 tỷ đồng, tăng trưởng 90% so với mức 2.734 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017, trong khi lợi nhuận trên vốn chủ sỡ hữu trong nửa đầu năm 2018 đạt 24,3% so với tỷ lệ 20,6% trong cùng kỳ năm 2017. Chỉ số an toàn vốn (CAR) của TCB là 15,9%, tỷ lệ nợ xấu là 2,01%.

Nhìn chung, có thể thẩy hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Masan đều đạt tăng trưởng ít nhất hai chữ số, duy chỉ có lĩnh vực thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng giảm do khủng hoảng giá heo. Tuy nhiên, nhu cầu cho sản phẩm cao cấp, thịt sạch, giá vonfram và giá heo hơi đều có những dấu hiệu cho thấy sẽ tăng một cách bền vững, và Masan Group sẽ được lợi nhiều nhất từ những lĩnh vực kinh doanh này. Sau một năm 2017 chưa thuận lợi, kết quả nửa đầu năm đã cho thấy Masan đã thật sự “quay trở lại” cuộc chơi.

THANH THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/masan-group-quay-tro-lai-voi-ket-qua-6-thang-dau-nam-2018-3462400.html