Masayoshi Son: Tỷ phú 'liều ăn nhiều' hay tự tạo ra nhiều vận may lớn?

Hai thương vụ đình đám nhất thế giới trong tuần qua là Grab thu mua các hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á và dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với vốn đầu tư 200 tỷ USD tại Saudi Arabia. Trong buổi họp báo thay lễ ký kết, thấp thoáng hay có lúc lấn át cả các nhân vật chính có liên quan là hình ảnh của vị tỷ phú Masayoshi Son.

Con của người nuôi heo nhưng luôn nuôi giấc mơ lớn

Masayoshi thường được gọi thân mật là Masa và người ta thường gọi tên và họ của ông thành Masason. Ông bà của Son là người Hàn Quốc nhập cư vào Nhật, sinh sống ở vùng nông thôn phía tây nam Tokyo. Cha ông cũng “kế thừa” nghề chăn nuôi heo của ông bà, rồi thêm nghề bán rượu lậu và rồi chuyển sang thử sức kinh doanh nhà hàng, bất động sản và máy đánh bạc.

Cuộc sống khổ cực đã tạo cho ông niềm tin vững vàng vào năng lực của mình. Vì thế, ông luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào quyết định của mình. Còn cha của ông thì luôn động viên và tin rằng con của mình một ngày nào đó sẽ là nhân vật số 1 tại Nhật. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng không nên hài lòng với việc làm một con người bình thường và tin rằng mình là một thiên tài” - Son nhớ lại.

Son theo học tại Đại học California, Hoa Kỳ. Chàng sinh viên 19 tuổi ngành kinh tế học không có một chút kiến thức về công nghệ lại dám đứng ra thuyết phục các sinh viên, kỹ sư công nghệ và một tiến sĩ ngôn ngữ học cùng chế tạo máy phiên dịch biết nói. Phát minh được hãng điện tử Sharp tại Nhật trả 1 triệu USD.

Năm 23 tuổi, Son trở về quê nhà và lập một cửa hàng nhỏ ở Fukuoka, thuộc đảo Kyushu. Đó là tiền thân của đại công ty Softbank sau này vươn ra thế giới với các hợp đồng đình đám, có cả trái ngọt và quả đắng và có khi gần như trắng tay.

Masayoshi Son và thái tử Saudi Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia trong lễ ký kết hợp đồng 200 tỷ USD xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Mối quan hệ thân thiết giữa tỷ phú Nhật Bản và thái tử Saudi Arabia đã góp phần hình thành quỹ đầu tư Vision Fund có vốn trên 100 tỷ USD. (Ảnh: Reuters)

Kỹ thuật đàm phán đặc biệt

Anthony Tan, người đồng sáng lập của dịch vụ chia sẻ Grab, nhớ lại lần gặp đầu tiên với Son cách đây nhiều năm khi vị tỷ phú người Nhật đang xem xét đầu tư vào startup này. Khi cả hai đang trò chuyện thì Son đề cập ông là người ủng hộ Jack Ma trong dự án phát triển Alibaba. “Anthony-san, anh nhận tiền đầu tư của tôi tức là tốt cho anh và tốt cho tôi. Nếu anh không nhận, rất là không tốt cho anh” - Tan kể lại cách Son thuyết phục mình.

Và rồi cũng như nhiều nhà khởi nghiệp trước đó, Tan chấp nhận khoản đầu tư của Son.

Còn Cheng Wei - người sáng lập và CEO của dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing tại Trung Quốc - lại gặp một tình huống khác. Năm ngoái, Wei đã từ chối khoản đầu tư của Softbank vì nghĩ tự mình có thể gọi vốn đến 10 tỷ USD. Son đã nói với Wei rằng “rất tốt, tôi sẽ chuyển khoản này cho đối thủ của anh”. Wei phải thoái lui để nhận 5 tỷ USD từ Softbank.

Son cũng áp dụng kỹ thuật đàm phán này với Uber tại Hoa Kỳ. Trước “đe dọa” của Son là sẽ đầu tư cho đối thủ Lyft, Uber phải “cay đắng” cầm 9 tỷ USD của Softbank.

Các thương vụ của Softbank hầu hết là do Son quyết định, chỉ có một vài trường hợp phức tạp về pháp lý như vụ đầu tư vào Uber thì Son mời các chuyên gia tài chính và luật sư cùng tham gia. Các trường hợp còn lại là cách tiếp cận cá nhân rất khác thường của Son.

Tổng thống Donald Trump từng nói vào tháng 12/2016 là ông rất tự hào "dù chưa nhậm chức nhưng cũng đã lấy được 50 tỷ USD của Masa". (Ảnh: CNBC)

Thành công là tạo ra nhiều vận may

Son luôn kiên trì đầu tư vào các công ty công nghệ. Đế chế của ông đầu tư hàng trăm đến cả ngàn tỷ USD ở hơn 1.300 startup trên toàn thế giới. Năm 2000, tài sản của Son chạm đến mốc 76 tỷ USD. Khi bong bóng dot-com vỡ, chỉ trong một đêm Son mất gần 75 tỷ USD. Gần 800 startup, chỉ còn Alibaba trụ được và trở thành gã khổng lồ. Từ số vốn 20 triệu USD, cổ phần của Son tại Alibaba giờ trị giá hàng trăm tỷ.

Khi bị truy hỏi “Alibaba là vận may duy nhất?”, Son đã trả lời rằng không thể thành công với một vận may duy nhất mà cần phải tạo ra nhiều vận may như vậy.

Son thường được xem là nhà đầu tư có máu đánh bạc “liều ăn nhiều”. Nhưng các thương vụ thâu tóm các dịch vụ chia sẻ xe lớn nhất thế giới như Uber, Grab, Didi Chingxi, Ola và rồi đến vụ 200 tỷ USD cho nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới đã chứng minh Son không phải là nhà đầu tư liều lĩnh tham ăn. Câu trả lời về thành công của Son qua Alibaba là hợp lý nhất.

Masayoshi Son có niềm tin mãnh liệt vào sự kết hợp giữa não bộ con người và thế hệ người máy mới trong tương lai. Một startup của nhà thần kinh học gốc Nga sống ở Hoa Kỳ đã được ông tài trợ 114 triệu USD - gấp nhiều lần số tiền nhà khoa học này muốn - để có thể đưa người máy vào các hoạt động xã hội trong 3-5 năm tới, thay vì 10 - 20 năm theo đề nghị của nhà khoa học này. (Ảnh: CNBC)

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/masayoshi-son-ty-phu-lieu-an-nhieu-hay-tu-tao-ra-nhieu-van-may-lon-d66660.html