Mất an toàn giao thông từ việc đốt rơm rạ

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn trực tiếp tạo nên hiện tượng mù khói, hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Trước đây, rơm rạ sau khi thu hoạch được nông dân tận dụng cho chăn nuôi hay làm phân bón hữu cơ, nhưng nay chỉ phơi khô rồi đốt. (Ảnh chụp trên địa phận huyện Mỹ Đức).

Trên thực tế, đã có không ít các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra có liên quan tới khói rơm. Mới đây, ngày3/4, một vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra tại Km 19+500, trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do sự va chạm của 2 xe khách 16 chỗ, 1 xe bồn và 1 xe khách 48 chỗ khiến 4 người bị thương, các phương tiện bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng lưu thông trong nhiều giờ đồng hồ.

Nguyên nhân được xác định là do người dân ở 2 bên đường đã đốt rơm rạ ngoài đồng, khói bay mù mịt, bao trùm cả mặt đường khiến tầm nhìn, tầm quan sát của lái xe bị hạn chế.

Tình trạng đốt rơm rạ gần đường quốc lộ diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi, nhất là vào ngày mùa mà nguyên nhân do người dân chưa ý thức được việc mình làm sẽ gây hiểm họa cho người đi đường.

Theo khảo sát của PV tại một số địa phương ngoại thành như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai… hiện tượng này diễn tương đối phổ biến. Cá biệt, tình trạng khói bụi phát sinh từ việc đốt rơm rạ còn xảy ra trên các khu vực gần đường quốc lộ.

Trục quốc lộ 21B là một ví dụ. Tại đây, đoạn qua địa phận huyện Thanh Oai, huyện Ứng Hòa, thời điểm xế chiều rơm rạ thường được chất thành từng đống lớn và được đốt bỏ. Đáng nói, khi được hỏi nhiều người dân vẫn chưa ý thức được việc mình làm sẽ gián tiếp gây nguy hiểm cho người đi đường.

Những đống rơm cháy tạo thành khói, che kín tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại khu vực đường 21B, đoạn qua địa phận huyện Ứng Hòa)

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng trên, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra; các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng những tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe và ảnh hưởng đến giao thông tới người dân. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật để mọi người từ bỏ thói quen xấu này.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở tuyên truyền, theo dõi và ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường bộ đi qua địa bàn quản lý, đặc biệt là các tuyến quốc lộ trọng điểm, đường cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn.

Đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý quốc lộ, đường cao tốc tăng cường công tác tuần đường, tuần tra bảo trì đường bộ, khi có dấu hiệu người dân đốt rơm rạ hai bên đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông phải xử lý theo thẩm quyền, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền xử lý.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mat-an-toan-giao-thong-tu-viec-dot-rom-ra-74665.html