Mất 'bản đồ 367' Thủ Thiêm: Mất dấu một quyết định nhân văn

Nhiều người dân Thủ Thiêm đòi đất tái định cư theo 'bản đồ 367', thực chất là bộ đồ án đi kèm QĐ367/TTg. Tuy nhiên, cho đến nay, tài liệu này hầu như không được nhắc đến trong những văn bản chính thức liên quan đến quá trình giải quyết câu chuyện Thủ Thiêm. Các cơ quan hữu quan bám vào Quyết định 6565/QĐ-UBND (QĐ6565) năm 2005, một văn bản từng tai tiếng vì điều khoản vượt quyền Thủ tướng Chính phủ.

Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi làm việc về dự án quy hoạch kết nối khu trung tâm TP.HCM, xây cầu qua Thủ Thiêm vào ngày 14.6.1996. Ảnh: T.T.D/Tuổi Trẻ

Nền tảng hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm là QĐ367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, được nhiều người dân Thủ Thiêm ca ngợi là một quyết định giao đất nhân văn. Vì nước, giao cho UBND TP.HCM 770ha (gồm khoảng 130ha mặt nước sông Sài Gòn) để phát triển kinh tế. Vì dân, Chính phủ giao 160ha bố trí tiếp giáp KTTĐTMTT làm khu tái định cư, để những người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa nhà đất (dành mặt bằng xây dựng “một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ”) không bị gạt ra bên lề sự phát triển. Đấy mới thực là một cách hành xử nghĩa tình.

Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 3.5.2018, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu: “Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005, như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện giữ đầy đủ. Việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở của các bản đồ này. Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005”.

Sửa sai QĐ6565: Chưa hết

“Quy hoạch chung năm 2005” mà thứ trưởng Hùng đề cập chính là Quyết định 6565/QĐ-UBND (QĐ6565) về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm (KTTĐTMTT) tỷ lệ 1/5000 do ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ký ngày 27.12.2005.

Theo QĐ6565, quy mô Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 737ha, gồm 657ha khu đô thị phát triển và 80ha đô thị chỉnh trang. Đất tái định cư của dân đã lấy tại Thông báo 77 truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải, trích “cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (640ha theo QĐ367 - PV)”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Đua chỉ phê duyệt 657ha, mà không phải (ít nhất) là 770ha đất mà UBND TP.HCM đã từng bước hợp thức hóa? Sự khác biệt giữa diện tích đất thu hồi trên thực địa và trên bản đồ quy hoạch 1/5000 là cơ sở để đặt vấn đề về giá trị pháp lý của QĐ6565.

Một biển tuyên truyền cổ động ở quận 2. Nội dung tuyên truyền là vậy nhưng đối lập là cảnh nhiều người dân ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như các dự án gần đó 20 năm qua phải lặn lội khiếu kiện đất đai ra tận Trung ương. Ảnh Tư liệu

Chưa hết, vẫn còn đó một sự khập khiễng trong nội dung phê duyệt quy hoạch chung 1/5000. Trong khi khu 657ha có cơ cấu sử dụng từng loại đất theo tỷ lệ phần trăm thì 80ha khu đô thị chỉnh trang không có, mà chỉ liệt kê tên các loại đất thành phần. Tức, 80ha đô thị chỉnh trang này chưa được nghiên cứu trước khi phê duyệt quy hoạch. Ngay tại QĐ6565, UBND TP.HCM cũng thừa nhận, trích: “Khu vực chỉnh trang 80ha thuộc phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung được xác định rõ cơ cấu sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể khi nghiên cứu, hoàn tất quy hoạch chi tiết theo hướng chỉnh trang để phù hợp tối đa với quy hoạch chung xây dựng toàn khu, với quy hoạch chi tiết khu trung tâm đô thị phát triển 657ha…”.

Kết luận Thanh tra Thành phố 445/KL-TTTP-KTI ngày 6.8.2008 xác định: “…Riêng đối với 80ha khu đô thị chỉnh trang do chưa được điều tra, đánh giá việc thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết và các dự án trong khu vực một cách cụ thể nên chưa đủ điều kiện để đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch…”. Nội dung này vẫn y nguyên trong QĐ6565.

Một trong những căn cứ để UBND TP.HCM ban hành QĐ6565 là văn bản 1642/CP-CN ngày 24.11.2003 của Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký) “cho phép UBND TP.HCM tiến hành việc điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ1/5000) Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM để phù hợp với tình hình thực tế”.

“Tình hình thực tế” của quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại thời điểm 2003 thế nào? Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo cắm mốc giao đủ 770ha đất, theo giải pháp bổ sung một phần diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (xem thêm bài Thủ Thiêm: Vẫn vắng một “Bao Công” để thành án!).

Toàn cảnh khu nhà ở tạm cư của nhiều người dân Thủ Thiêm (phường Bình Khánh) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Dũng

Khoản 2 QĐ6565 còn táo tợn hơn, trích: “Quyết định này thay thế quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Không chỉ vượt quyền Thủ tướng, nội dung phê duyệt quy hoạch chung 1/5000 còn mang lại cảm giác mâu thuẫn về tư duy. Nói một cách hình ảnh, QĐ367/TTg và những văn bản pháp lý liên quan hợp thành cây cầu để UBND TP.HCM bước tới QĐ6565. Nhưng vừa “qua cầu”, UBND TP.HCM lập tức khai tử luôn QĐ367/TTg.

Nhiều cử tri ở quận 2 đã phát hiện ra sai phạm này. Gần hai năm sau, UBND TP.HCM sửa sai bằng cách ban hành Quyết định 4954/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ khoản 2, QĐ6565. Nhờ vậy mà một số người dân Thủ Thiêm còn cơ sở để khiếu nại, mòn mỏi đi đòi lại phần đất tái định cư theo QĐ367/TTg. Thành ra, phát biểu như thứ trưởng Hùng thì xem như bít luôn đường khiếu nại cuối cùng của nhiều người dân Thủ Thiêm.

Pháp lý lung lay

QĐ6565 còn một nội dung vượt thẩm quyền mà UBND TP.HCM đến giờ vẫn chưa sửa sai nếu căn chiếu theo Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng. Khoản 3 Điều 20 thuộc nghị định này quy định về thẩm quyền, trích: “Người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, quy hoạch chung xây dựng đô thị thì phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng. Trường hợp điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh cục bộ sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Đến đây, có một điều khúc mắc là khi ra QĐ6565, tại sao UBND TP.HCM lại "quên" mất một căn cứ quan trọng, đó là Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12.12.2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh? Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh quy định trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân TP.HCM, trích: “Xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhưng không làm thay đổi quan điểm và định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Việc tự quyền bỏ 160ha tái định cư ra ngoài quy hoạch chung 1/5000 và đưa 80ha đô thị chỉnh trang nằm ngoài ranh giao đất của Chính phủ vào quy hoạch 1/5000 là điều chỉnh cục bộ hay tổng thể?

Hình ảnh chụp tại khu nhà ở tạm cư của nhiều người dân Thủ Thiêm (phường Bình Khánh). Ảnh: Trung Dũng

Cũng trong ngày 27.12.2005, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua còn ký Quyết định 6566/QĐ-UBND về duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 mà một trong những căn cứ pháp lý là QĐ6565. Một số chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch (đề nghị không nêu tên - PV) bình luận với Người Đô Thị rằng việc ban hành hai quyết định nêu trên trong cùng một ngày là phi thực tế. Không hiểu làm thế nào mà các cơ quan tham mưu có thể hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/2000 sau khi có quy hoạch 1/5000 trong vòng 8 giờ hành chính?

Liên quan đến “bản đồ thất lạc” mà thứ trưởng Hùng đề cập, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định “làm sao có chuyện mất bản đồ”, đồng thời công bố 13 tấm bản đồ trong tập hồ sơ “Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tháng 5.1995”.

Ông Võ Viết Thanh cũng chính là người ký Tờ trình 1861/TT-UB-QLĐT ngày 27.5.1996 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5000) Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Được biết, ngày 8.5.2018, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm đã đến nhà riêng ông Thanh mượn bộ đồ án này.

Hơn một năm đã trôi qua, vẫn chưa có thông tin liên quan đến bộ đồ án quan trọng mà ông cựu chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố cung cấp. Hai bản thông báo của Thanh tra Chính phủ gồm 1483/TB-TTCP ngày 4.9.2018 (kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM) cũng như Thông báo 1041/TB-TTCP ngày 26.6.2019 (Kết luận Thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM) đều chưa đề cập đến những tài liệu này.

Trong khi đó, chỉ cần đặt cạnh nhau và làm một số thao tác kỹ thuật sẽ thấy những điều rất đáng quan tâm giữa các tấm bản đồ 02/BB-BQL, bản đồ hành chính quận 2 và bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng (một trong 13 tấm bản đồ mà ông Võ Viết Thành công bố)

Thượng Tùng - Trung Dũng

Chủ tịch và cựu chủ tịch UBND TP.HCM nói về kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm
Ông Võ Viết Thanh nói về sự “vượt quyền” của TP.HCM trong quy hoạch Thủ Thiêm
Nguyên chủ tịch TP.HCM: 'Đồng tiền làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm'
Chuyển kết luận về sai phạm của các tổ chức, cá nhân ở Thủ Thiêm đến UBKTTW xử lý
Người ở lại Thủ Thiêm
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm trong tháng 11
Dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha muốn an cư trên nơi ở cũ
Món nợ Thủ Thiêm
UBND TP.HCM xin lỗi người dân Thủ Thiêm, sẽ xử lý cán bộ vi phạm
Thủ Thiêm: Đất bị thu hồi trái luật mà... lỡ nhận tiền đền bù, thì sao?
Thanh tra Chính phủ: Nhiều diện tích đất Thủ Thiêm bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch
Nguyên chủ tịch TP.HCM: 'Đồng tiền làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm'

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mat-ban-do-367-thu-thiem-mat-dau-mot-quyet-dinh-nhan-van-20797.html