Mặt bằng lãi suất đã lên một tầm cao mới

TGTTO Nửa đầu tháng 10, thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi, đẩy mặt bằng lãi suất lên một tầm cao mới. Lần này ngay cả nhóm 'Big 4' cũng đã tham gia. Liệu diễn biến lãi suất trong những tháng còn lại của năm nay sẽ như thế nào?

Có thể thấy mặt bằng lãi suất của hệ thống đã leo lên một mặt bằng mới trong thời gian gần đây, sau động thái điều chỉnh tăng lãi suất của một loạt ngân hàng. Điều này là tất yếu trong tình hình có nhiều áp lực như hiện nay.

Hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất

Tại ngân hàng SHB, từ ngày 13/10, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 – 5 tháng tăng 0,1% lên 5,3%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 liên tiếp của SHB trong vòng 3 tháng qua. Hồi đầu tháng 8 ngân hàng này cũng tăng lãi suất tiền gửi 0,2% ở một loạt các kỳ hạn 6-11 tháng.

Tương tự, ngân hàng VIB cũng tăng 0,1% ở kỳ hạn 3-5 tháng lên kịch trần 5,5%. Kỳ hạn 6- 8 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 6,2%; kỳ hạn 18 tháng tăng 0,1% lên 7% và 36 tháng tăng 0,05% lên 7,4%. Đặc biệt kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng mạnh 0,5% lên mức kỷ lục 8,4%, tuy nhiên chỉ áp dụng cho cac khoản tiền gửi mới có số dư từ 500 tỷ trở lên hoặc khoản tiền kỳ hạn 12 tháng đến hạn và hệ thống tự động chuyển tiếp gốc hoặc (gốc +lãi) gửi thêm 01 kỳ hạn nữa.

Sau đợt điều chỉnh tăng lãi suất ở một loạt kỳ hạn vào tháng 7, khung lãi suất tiền gửi của ngân hàng ACB có hiệu lực từ ngày 05/10 tiếp tục tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lên 6%.

Trong cùng ngày, ngân hàng Hàng Hải cũng tăng 0,05% lãi suất kỳ hạn 4-5 tháng lên 5,4%; tăng 0,1% kỳ hạn 10-12 tháng lên 6,9%; kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1% lên 7% và 18 tháng tăng 0,2% lên 7,1%. Đáng kể nhất là kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng tăng mạnh 0,9% lên 6,9%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trên thị trường. Ngược lại, các kỳ hạn phổ biến lại được ngân hàng này giảm xuống, như 1 tháng giảm 0,15% xuống 5%, 2 tháng giảm 0,05% xuống 5,1% và 3 tháng giảm 0,15% xuống 5,2%. Kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,2% xuống 6,6% và 15 tháng giảm 0,05% xuống 7,05%.

Trong nhóm ngân hàng nhỏ, ngân hàng NCB tăng lãi suất kỳ hạn 6 - 8 tháng từ 0,2 – 0,3% lên 7,4%; kỳ hạn 9-11 tháng tăng từ 0,1 - 0,2% lên 7,5%; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng tăng tương ứng 0,2% và 0,1% đều lên 8%. Các kỳ hạn dài hơi từ 15 tháng trở lên cũng tăng thêm 0,1% lên 7,6%, riêng kỳ hạn 18 tháng là 7,9%.

Đến ngân hàng lớn cũng nhập cuộc

Đáng lưu ý là nhóm ngân hàng lớn, nhóm "Big 4" gồm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank cũng đã tích cực tham gia cuộc đua lãi suất gần đây. Khung lãi suất tiền gửi mới nhất của Vietcombank chứng kiến tăng thêm 0,1% ở kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,4%, trong khi kỳ hạn 3 tháng tăng 0,2% lên 4,8% và kỳ hạn 6 tháng cũng tăng 0,2% lên 5,5%.

Tại ngân hàng BIDV có mức tăng còn mạnh tay hơn, theo đó kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,2% lên 4,5%; kỳ hạn 3 tháng tăng mạnh 0,4% lên 5%; kỳ hạn 5 tháng tăng 0,2% lên 5% và 6 tháng tăng 0,2% lên 6%.

Tương tự, Vietinbank cũng điều chỉnh tăng đều 0,2% ở các kỳ hạn từ 1 – 8 tháng, theo đó kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,5%, 3 tháng lên 4,8%, 4- 5 tháng lên 5% và 6- 8 tháng lên 5,5%.

Ông lớn Agribank vốn thường xuyên giữ ổn định lãi suất huy động vốn thì gần đây cũng đã điều chỉnh theo hướng tăng lên. Cụ thể khung lãi suất mới nhất cũng tăng 0,2% ở kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,5%, 3 tháng tăng 0,2% lên 4,8%, 6 tháng tăng 0,2% lên 5,5% và 9 tháng tăng 0,1% lên 5,6%.

Như vậy, khung lãi suất điều chỉnh của 4 ngân hàng trên là khá đồng đều nhau, ngoai trừ ở kỳ hạn 1- 2 tháng thì Vietcombank điều chỉnh tăng thấp hơn 0,1% so với 3 ngân hàng còn lại.

Áp lực từ nhiều phía

Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng với chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh 0,59% trong tháng 9, theo đó so với cùng kỳ đã tăng lên 3,98%, cận kề mục tiêu 4% đề ra. Theo giới phân tích, mục tiêu giữ vững lạm phát trong năm nay sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế cũng như việc ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc đầu tuần trước bất ngờ phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, khiến tỷ giá USD/VNĐ trong nước đứng trước áp lực nóng trở lại. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tiếp tục bán ngoại tệ cho các NHTM để ổn định cung cầu thị trường.

Trong khi đó, càng về cuối năm nhu cầu thanh khoản ngày càng tăng lên. Hiện tại lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gần đây cũng đã đi lên trở lại. Trong tuần đầu của tháng 10, NHNN đã phải bơm hơn 24,4 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Với những yếu tố ảnh hưởng như trên, dự báo thời gian còn lại của năm nay mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng lên cao hơn, nếu như nhà điều hành không có thêm các giải pháp linh hoạt, điều tiết vốn cho hệ thống để giảm áp lực thanh khoản cho các ngân hàng.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/mat-bang-lai-suat-da-len-mot-tam-cao-moi-15295.html