'Mắt biển' Hòn Khoai

Nếu chọn một điểm nhấn quan trọng nhất trong hải trình đi thăm các đảo tiền tiêu trên biển Tây Nam đầu Xuân này, tôi sẽ chọn Lễ chào cờ trên đảo Hòn Khoai. Và nỗi tiếc nuối duy nhất của tôi trong chuyến đi là đã đi lướt qua mà không thể đặt chân lên hòn Đá Lẻ, nơi có cột mốc đánh dấu điểm A2 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Lễ chào cờ được tổ chức trang nghiêm tại Đồn biên phòng Hòn Khoai

Sáng 17-1-2024, sau một đêm đi ngược sóng từ đảo Thổ Chu (Kiên Giang), đoàn công tác của chúng tôi do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm Trưởng đoàn, đã “đổ bộ” lên đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Tuy chỉ cách đất liền hơn 6 hải lý (14,6km), nhưng Hòn Khoai có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh; có thể ví như “mắt biển” canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam Tổ quốc.

Ghe chở đoàn công tác vào đảo Hòn Khoai

Ngay sau khi đặt chân lên đảo, đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đứng chân trên đảo đã trang nghiêm thực hiện nghi thức chào cờ đầu năm mới tại Đồn biên phòng Hòn Khoai. Thật khó để diễn tả sự xúc động, tự hào khi ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong gió biển mặn mòi, lồng lộng, trong nắng sớm của một ngày đầu năm mới nơi đảo xa.

Tháng 9-2013, cụm đảo Hòn Khoai được xác định là “cụm đảo gần xích đạo nhất” của Việt Nam với 5 hòn đảo là: Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ (còn gọi là Hòn Độc Lập). Trong đó, Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so với mực nước biển.

Hòn Khoai là đảo không có dân cư sinh sống. Trên đảo hiện nay chỉ có các lực lượng hải quân, biên phòng, trạm hải đăng và hạt kiểm lâm. Do chưa có phương tiện giao thông công cộng ra tuyến đảo Hòn Khoai, nên kết nối với đất liền còn rất nhiều khó khăn.

Vậy mà cách đây hơn 83 năm, ngày 13-12-1940, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam Kỳ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - nhà giáo Phan Ngọc Hiển đã chỉ huy nghĩa quân nổi dậy để chiếm Hòn Khoai. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940, khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13-12-1940 tuy thất bại, nhưng là tiếng súng báo hiệu cho tiến trình đấu tranh giành lại độc lập dân tộc bằng “võ lực của các dân tộc ở Đông Dương” nói chung, của Đảng bộ và quân, dân Cà Mau nói riêng.

Năm 1990, đảo Hòn Khoai được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia

Nhắc đến Hòn Khoai, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến ngọn hải đăng đã hơn 100 năm tuổi. Hải đăng được xây dựng từ năm 1920 trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai - 318m so với mực nước biển, có công suất quét sáng bán kính 35km, nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc. Công trình có hình cột vuông, mỗi cạnh dài 4m, cao 14,5m, được xây bằng đá hộc và xi măng, hiện vẫn còn nguyên vẹn, cần mẫn chiếu sáng biển đêm, hỗ trợ tàu thuyền lưu thông tránh những bãi cạn, bãi đá ngầm nguy hiểm, định hướng cho tàu thuyền ra, vào bến an toàn.

Đồng thời, ngọn hải đăng cũng là sự khẳng định cột mốc chủ quyền trên vùng biển cực Nam của Tổ quốc một cách đầy thuyết phục.

Hải đăng được xây dựng từ năm 1920 trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai - 318m so với mực nước biển, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do nhà giáo Phan Ngọc Hiển chỉ huy

Hải đăng Hòn Khoai

Những công nhân gác đèn bình dị ở đây hiểu rõ điều đó. Ông Huỳnh Văn Hà, quê Thái Bình kể, ông vào nghề từ cuối năm 1990 ở chính trạm hải đăng Hòn Khoai. Sau khi đi một vòng 7 đảo, ông quay lại trạm. Cuộc “chia tay và trở lại” của ông kéo dài tới 33 năm, gần trọn một đời công tác. Được hỏi vui về 3 điều ước ngay bây giờ, ông Hà đáp ngay, luôn vui vẻ, khỏe mạnh và vững tin; để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến khi về hưu.

Nhưng thực ra ông Hà chẳng cần ước. Ông vẫn đang vui khỏe và vững tin với nụ cười hồn hậu khi nói với tôi rằng, nếu được chọn lại, ông vẫn chọn làm nghề gác đèn ở hải đăng. Đó là một “nghề giúp người”, hỗ trợ cho tàu thuyền không lạc lối giữa biển cả mênh mông.

Đảo vắng, trạm ít người, bầu bạn với ông Hà đã có 2 chú chó được đặt tên là con Ki, con Vàng và cây vối xanh tốt. Uống nước lá vối “tuyệt đối sạch” đã là thói quen mấy chục năm nay của ông, như một cách nhớ về miền quê Thái Bình xa xôi thiếu thời…

Một góc Hòn Khoai nhìn từ ngọn hải đăng

Chuyến đi của tôi tới Hòn Khoai sẽ là rất trọn vẹn, nếu chiều ấy sóng không lớn đến thế. Chiếc tàu cá chỉ có thể đưa chúng tôi lướt qua bên cạnh hòn Đá Lẻ nơi có cột mốc đánh dấu điểm A2 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Thật đáng tiếc vì chưa được đặt chân lên hòn Đá Lẻ và chạm tay vào cột mốc thiêng liêng đó.

Tôi sẽ trở lại.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mat-bien-hon-khoai-post725100.html