Mất cân bằng toàn cầu dẫn tới bảo hộ

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo đánh giá mới nhất về số dư tài khoản vãng lai tại 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết, sự mất cân bằng quá mức tồn tại dai dẳng là nguyên nhân gây ra căng thẳng thương mại giữa các quốc gia.

Mất cân bằng quá mức ở các nền kinh tế phát triển

Báo cáo của IMF cho biết, dù đã được thu hẹp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thặng dư và thâm hụt tài khoản vãng lai toàn cầu nhìn chung không có nhiều thay đổi trong 5 năm qua và vẫn chiếm khoảng 3% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại khoảng 40 - 50% trong cán cân vãng lai toàn cầu là trong tình trạng quá mức (có nghĩa là lớn hơn mức có thể được bảo đảm bằng các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và các chính sách kinh tế) và ngày càng tập trung vào các nền kinh tế tiên tiến.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai quá lớn tập trung chủ yếu ở các nước Bắc Âu như Đức, Hà Lan và Thụy Điển, cũng như tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Trong khi thâm hụt cán cân vãng lai lớn hơn mong muốn chủ yếu tập trung ở Mỹ và Anh.

Theo IMF, sự mất cân đối bên ngoài quá mức - cả thâm hụt và thặng dư - gây rủi ro cho các quốc gia riêng lẻ và cho nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế vay quá nhiều từ nước ngoài bằng cách thâm hụt tài khoản vãng lai quá lớn có thể trở nên dễ bị tổn thương do nếu dòng vốn dừng đột ngột và điều đó có thể gây mất ổn định không chỉ ở cấp quốc gia mà còn trên bình diện toàn cầu như đã thấy tại các cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử.

Trong khi các nước có thặng dư quá mức cũng phải đối mặt với những thách thức khác, trong đó nguy cơ lớn nhất là họ có thể trở thành mục tiêu cho các biện pháp bảo hộ của các đối tác thương mại.

Báo cáo cho biết, chính sự mất cân đối toàn cầu cộng thêm quan điểm về một sân chơi thương mại không công bằng đang thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên theo IMF, những quan điểm như vậy là sai lầm. Các chính sách bảo hộ chẳng những không thể giải quyết được sự mất cân bằng tài khoản vãng lai hiện nay, mà ngược lại sẽ làm tổn thương tăng trưởng trong nước và toàn cầu.

Hợp tác để hóa giải thách thức

Theo IMF, trong bức tranh hiện tại, mặc dù sự mất cân đối quá mức trên toàn cầu hiện tại chưa gây ra nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, với các chính sách đã được lên kế hoạch tại nhiều nền kinh tế lớn, IMF dự báo sự mất cân đối này sẽ tăng trong trung hạn và cuối cùng gây rủi ro cho sự ổn định toàn cầu.

Đơn cử như việc mở rộng tài khóa theo kế hoạch tại Mỹ có thể làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này, trong khi sẽ khiến thặng dư lớn hơn ở phần còn lại của thế giới. Hệ quả là tốc độ chuẩn hóa chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, việc tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể tác động tiêu cực tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thâm hụt tiếp tục tập trung ở các nước nợ và thặng dư bền vững ở các nước chủ nợ, làm tăng khả năng rớt giá đồng tiền và tài sản ở các nước nợ. Tất cả những điều đó sẽ làm giảm sự tăng trưởng toàn cầu, từ đó gây tổn hại đến nền kinh tế thặng dư.

Đó chính là lý do IMF khuyến nghị cả các nước dư thừa và thiếu hụt phải hợp tác với nhau để giảm sự mất cân đối toàn cầu quá mức theo cách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định toàn cầu.

Theo IMF, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang gần đến trạng thái toàn dụng và có dư địa hạn hẹp để điều động ngân sách công, các chính phủ cần phải điều chỉnh chính sách của mình một cách thận trọng để đạt được các mục tiêu, trong khi phải xây dựng lại các bộ đệm chính sách tiền tệ và tài chính.

Cụ thể, với các quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai thấp hơn kỳ vọng cần giảm thâm hụt ngân sách và khuyến khích tiết kiệm hộ gia đình, trong khi việc bình thường hóa tiền tệ diễn ra từ từ. Còn với các nền kinh tế có cán cân vãng lai dư thừa quá mức, việc sử dụng không gian tài chính, nếu có, có thể thích hợp để giảm bớt mức thặng dư.

Đặc biệt, theo IMF, các chính sách cải cách cơ cấu đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc giải quyết sự mất cân đối bên ngoài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng trong nước. Nhìn chung, các cải cách khuyến khích đầu tư và ngăn cản việc tiết kiệm quá mức có thể hỗ trợ tái cân bằng ở các nước thặng dư; trong khi các cải cách nâng cao năng suất và kỹ năng của người lao động là phù hợp với các nước thâm hụt.

Cuối cùng, tất cả các nước nên hợp tác hướng tới tự do hóa thương mại và hiện đại hóa hệ thống thương mại đa phương. Những nỗ lực này có thể có tác động nhỏ đến sự mất cân bằng tài khoản vãng lai, nhưng chúng có thể có tác động tích cực lớn đến năng suất và phúc lợi, đồng thời giảm nguy cơ dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mat-can-bang-toan-cau-dan-toi-bao-ho-78337.html