Mất điện giữa nắng nóng và cắt thường xuyên hơn, lỗi do đâu?

Tình trạng cắt điện giữa thời điểm nắng nóng đang diễn ra ở nhiều địa bàn của TP.Hà Nội. Mặc dù trước đó, Bộ Công Thương khẳng định, chưa tính tới phương án cắt điện, vậy nguyên nhân do đâu?

8 giờ sáng ngày 31/5 vừa qua, gia đình chị Thu Phương (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) phải đưa hai con nhỏ đi đến khu vực có điện để tránh nóng, sau khi nhận được thông báo của Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm về việc sẽ cắt điện từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều.

Lỗi tại 'thời tiết', nhiều tổ máy điện than gặp sự cố

Gia đình chị Phương là một trong rất nhiều hộ dân ở TP.Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng mất điện trong những ngày qua.

Lý giải việc gián đoạn cấp điện trong ngày 1/6, ông Hà Tất Thắng, đại diện Công ty Điện lực Quốc Oai cho biết, vào thời điểm 10 giờ ngày 01/6/2023 đã xảy ra tình huống vận hành quá tải các đường dây 220 KV và 110 KV cấp điện chủ yếu cho khu vực Tây Hà Nội. Điều này dẫn đến các máy cắt đầu nguồn đã tự động kích hoạt, tách ra khỏi vận hành làm gián đoạn cung ứng điện cho một số khu vực tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, quận Hà Đông và Nam từ Liêm.

Tình trạng mất điện diễn ra ở nhiều địa bàn trên Thành phố Hà Nội.

Tình trạng mất điện diễn ra ở nhiều địa bàn trên Thành phố Hà Nội.

“Công ty Điện lực Quốc Oai xin lỗi khách hàng, và mong chia sẻ do tình hình thời tiết diễn biến bất thường cũng như sự việc mất điện do tình huống bất khả kháng”, Công ty Điện lực Quốc Oai gửi lời xin lỗi tới khách hàng.

Theo lịch cắt điện của Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội, nhiều khu vực thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông… bị cắt điện trong ngày nắng nóng 2/6, như tại khu vực quận Thanh Xuân, một số nơi bị cắt điện 8 tiếng từ 4 giờ đến 12 giờ; Khu vực Cầu Giấy, phố Chùa Hà cắt điện từ sáng đến chiều (8h-15 giờ); Ngõ 1 Phạm Tuấn Tài cắt điện từ 8-10 giờ…

Mặc dù trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: Cắt điện là phương án mà Bộ Công Thương chưa tính đến dù cho mùa khô miền Bắc vẫn phức tạp, đang ở cao điểm. Theo đó, Thứ trưởng nhìn nhận, nếu sử dụng tiết kiệm điện, cộng thêm vận hành ổn định của các nhà máy sẽ đảm bảo đủ điện.

Lý giải tình hình cung ứng điện khó khăn trong những ngày qua, Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội, cho biết, nguyên nhân là các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, trong khi một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.

Điển hình tại thời điểm ngày 1/6/2023 các tổ máy nhiệt điện than ở phía Bắc đang bị sự cố gồm có: Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, S2 Cẩm Phả, S1 Vũng Áng 1, S2 Nghi Sơn 2, S2 Mạo Khê, S1 Quảng Ninh, S2 Thăng Long, S1 Sơn Động. Về phía cầu, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Loại trừ nguyên nhân thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, rõ ràng việc phát triển nguồn điện vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.

Vẫn phụ thuộc điện chạy bằng than, dầu, khí

Trong khi đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang gặp phải nhiều điểm nghẽn. Tại Nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) phản ánh, khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định 21 đã không phản ánh đúng về mối tương quan trong việc tính toán phương án bán điện hàng năm. Theo Quyết định số 02/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giá bán điện bình quân tối thiểu là 220,03 đồng/kWh và mức giá bán lẻ bình quân tối đa là tăng 537,67 đồng/kWh. Trong khi đó, giá trần cao nhất cho các nhà máy phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp lại thấp hơn từ 21 - 29% so với cơ chế giá cố định được quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39.

“Đây là mâu thuẫn nghịch lý về cơ chế, chính sách quản lý điều tiết và xây dựng khung giá đầu vào, đầu ra cho ngành điện lực khiến các nhà đầu tư cảm thấy có sự thiên vị đối với các cơ quan, các đơn vị của EVN”, Đại biểu Hiếu nhìn nhận.

Mặt khác, những năm gần đây, theo Đại biểu Hiếu, nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió với công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này và gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt là gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Hệ quả của các quy định trên là một lượng lớn sản lượng điện đã không được khai thác, đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng nói chung và đẩy nhà đầu tư điện lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ước tính từ thời điểm trễ hẹn giá FiT này đến thời điểm hiện nay có trên 4.600 MW từ các dự án trên không được khai thác đưa vào sử dụng.

“Trong khi đó chúng ta đang trong tình trạng thiếu điện, đã và đang phải nhập điện từ nước ngoài”, Đại biểu Hiếu nhìn nhận, đồng thời cho rằng nếu tình hình này không chuyển biến, những bất cập nêu trên có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Tuy vậy, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có một số nghịch lý trong phát triển năng lượng tái tạo là nơi có tiềm năng về nắng và gió, lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện.

"Để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện và phát huy hiệu quả điện tái tạo thì phải có một số nguồn điện nền ổn định", ông Diên nói.

Bộ trưởng Công Thương cắt nghĩa: "Nguồn điện nền là phải có khả năng phát liên tục 24/24 giờ để bù đắp cho những khi không có 'cái nắng, cái gió' thì phải có cái đó chen vào", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo ông Diên, Việt Nam có điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và cả thủy điện cũng được xem là nguồn điện nền, ở các nước còn có cả điện hạt nhân. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải carbon có nhiều hơn trong ngắn hạn, chúng ta chưa có nguồn hoặc giải pháp khác thay thế thì điện chạy bằng than, bằng dầu, bằng khí vẫn được duy trì huy động để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Đồng thời, “nhập khẩu điện, kết nối lưới điện và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực là cần thiết, nhằm đa dạng hóa loại hình nguồn điện, nhất là điện nền để trong tương lai chúng ta có thể khai thác, phát triển được năng lượng tái tạo trong khi chưa có những nguồn điện nền khác thay thế”, ông Diên nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương và cơ chế tháo gỡ để Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề mà các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang gặp phải, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc trong xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích, nhưng các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mat-dien-giua-nang-nong-va-cat-thuong-xuyen-hon-loi-do-dau-1093007.html