Mất gần 800 triệu đồng khi gửi tiết kiệm tại Vietinbank: Khách hàng có thể khởi kiện

Đó là khẳng định của ông Trần Minh Hải – Luật sư, chuyên gia pháp lý tài chính ngân hàng trước việc số tiền gần 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm VietinBank của một khách hàng 'không cánh mà bay'

Sự việc bà Nguyễn Thị H. trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) bị mất gần 800 triệu đồng khi mở sổ tiết kiệm tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng.

Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Minh Hải – Luật sư, chuyên gia pháp lý tài chính ngân hàng cho rằng, trong câu chuyện của bà H. có ba khả năng có thể xảy ra:

Thứ nhất, toàn bộ giấy tờ mà khách hàng đang giữ là giấy tờ giả và khách hàng đã bị kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Ngân hàng Vietinbank để thực hiện lừa đảo.

Thứ hai, giấy tờ khách hàng đang giữ, sổ tiết kiệm, chứng từ giao nhận tiền khách hàng đang giữ là thật (do ngân hàng Vietinbank cung cấp).

Như vậy có khả năng khách hàng đã bị cán bộ ngân hàng lợi dụng ký vào một số giấy tờ nào đó khiến cho thủ tục lĩnh tiền, nhận tiền đã diễn ra tại ngân hàng mà khách hàng không hay biết.

Thứ ba, cán bộ nhân viên ngân hàng thực hiện rút số tiền trong tài khoản bà H. nhưng không có chứng từ hoặc chứng từ là giả mảo.

“Trong tất cả trường hợp trên đều có dấu hiệu liên quan đến sai phạm của cán bộ ngân hàng”, ông Hải cho biết.

Ông Trần Minh Hải – Luật sư, chuyên gia pháp lý tài chính ngân hàng

Phân tích rõ hơn vụ việc ông Trần Minh Hải cho hay, qua phản ánh thấy rõ số tiền 800 triệu đồng bà H. nộp đã được chuyển vào Ngân hàng Vietinbank. Để rút ra 790 triệu đồng từ tài khoản phải có chứng từ.

Trong khi khách hàng khẳng định không biết và sổ tiết kiệm gốc của khách hàng đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên.

Như vậy có hai khả năng xảy ra: Khả năng thứ nhất, những chứng từ rút tiền từ ngân hàng là thật, khách hàng vì nhận thức chủ quan bị cán bộ ngân hàng lừa gạt ký vào giấy tờ.

Khả năng thứ hai, cán bộ nhân viên ngân hàng sai phạm giả mạo chứng từ, chữ ký của khách hàng để rút tiền.

“Tuy nhiên cả hai trường hợp trên đang có điểm vô lý sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ không thể hiện việc giao dịch như rút, gửi thêm tiền.

Trong khi về nguyên tắc việc giao dịch từ số tiền tiết kiệm cần phải được thể hiện trên sổ tiết kiệm đó. Nếu không thể hiện trên sổ tiết kiệm mà sổ tiết kiệm là thật thì nguyên nhân khó lý giải từ ngân hàng”, ông Hải nhận định.

Bình luận về việc nhân viên Vietinbank trả lời khách hàng cho rằng chỉ giải quyết khi làm đúng quy trình… ông Hải cho rằng, không một khách hàng nào có thể nắm được quy trình tiền gửi của ngân hàng. Việc thực hiện quy trình tiền gửi với khách hàng là trách nhiệm ngân hàng và cán bộ ngân hàng.

“Mặt khác nếu trong trường hợp khách hàng đang cầm sổ tiết kiệm thật đồng thời khách hàng đã gửi tiền thật và đã bị cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng danh nghĩa ngân hàng, thẩm quyền ngân hàng giao để thực hiện việc chiếm đoạt số tiền của khách hàng thì bất luận thế nào trách nhiệm cũng thuộc về ngân hàng”, ông Hải khẳng định.

Theo ông Hải nếu quyền lợi không được bảo đảm thì khách hàng có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp trong hoạt động giao dịch, dịch vụ giữa ngân hàng và khách hàng.

Như trước đó, phản ánh đến cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị H. trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) cho biết, bà H. có sổ tiết kiệm số PK 550 1228, kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng, được mở tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ.

Sổ tiết kiểm bà H được làm có dấu đỏ, chữ kí của trưởng phòng giao dịch là bà Mai Thị Tân Dân

Sổ tiết kiệm của bà H. có đầy đủ thông xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ kí của trưởng phòng giao dịch của chi nhánh ngân hàng là bà Mai Thị Tân Dân.

Theo chia sẻ của bà H. sổ được mở theo yêu cầu thu tiền tại nhà do khách hàng đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn.

Hết kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đến phòng giao dịch thì được ngân hàng thông báo chỉ còn 10 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền 790 triệu đồng đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng.

Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc bà H. đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên.

Bức xúc vì khoản tiền lớn của gia đình không cánh mà bay, anh A - con trai của bà Nguyễn Thị H. (xin được giấu tên) chia sẻ: “Mẹ tôi già yếu và cũng tin tưởng Vietinbank nên sử dụng dịch vụ thu tiền tại nhà của ngân hàng. Giờ tiền không cánh mà bay trong khi mẹ tôi chưa hề kí rút tiền lần nào…”.

Được biết khi nhận được thông báo 790 triệu đồng đã "không cánh mà bay", gia đình bà H. đã yêu cầu ngân hàng cho xem lại camera trong hai ngày phát sinh giao dịch trên để xem ai đã rút tiền nhưng phía ngân hàng từ chối.

Trao đổi với khách hàng, một nhân viên Vietinbank cho rằng bà H. đã bị lừa do không làm đúng quy trình của ngân hàng và khẳng định phía ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm khi khách hàng thực hiện đúng quy trình.

“Phải có giấy ủy quyền của ngân hàng cho nhân viên đến thu tiền tại nhà thì mới hợp pháp, hợp lệ và đúng quy trình. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm khi khách hàng thực hiện đúng quy trình. Còn ở đây bác có đến ngân hàng giao dịch đâu, đây là quan hệ dân sự diễn ra ngoài, nên có thể bác đã bị lừa.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an để giải quyết. Đây là trường hợp khách hàng bị lừa, nên hai bên cần bình tĩnh để phối hợp giải quyết”, nhân viên này nói với gia đình bà H.

Trao đổi với phóng viên về sự việc này vào ngày 11/8, đại diện Vietinbank xác nhận có sự việc trên và thông tin: "Chúng tôi đã đưa sự việc ra cơ quan pháp luật. Bây giờ phải chờ kết luận mới có thể thông tin với báo chí được”.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/mat-gan-800-trieu-dong-khi-gui-tiet-kiem-tai-vietinbank-khach-hang-co-the-khoi-kien-d116752.html