Mất mùa vì thuốc trừ sâu của xã: Giải thích nóng

Theo ông Tính, hầu hết các hộ dân nhận thuốc hỗ trợ, nghe cán bộ khuyến nông tư vấn phun thuốc thì trắng tay, mất mùa.

Do thời tiết?

Liên quan đến thông tin dân mất mùa vì nhận thuốc trừ sâu hỗ trợ từ chính quyền, ngày 2/8, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Tiến Trọng, Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau (huyền Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, thông tin phản ánh của người dân là không đúng.

"Thanh tra của Sở NN&PTNT tỉnh đã làm việc và tôi báo cáo rồi, xã chỉ có 3-4 hộ dân được cấp thuốc trừ sâu còn lại cấp bằng tiền hết. Những hộ dân được cấp thuốc trừ sâu là do sau khi làm việc với các thôn và đã có biên bản cho rằng những hộ này nếu cấp tiền sợ họ sẽ sử dụng vào mục đích khác như mua gạo, mua chè hay mua rượu uống.

Còn những hộ dân được cấp tiền, xã đều có những tờ rơi hướng dẫn cho bà con xem mua loại thuốc nào phù hợp", ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, xã đã phát hiện trường hợp khi người dân nhận tiền mua thuốc trừ sâu mà xã phát đã không dùng đúng mục đích. Còn những hộ được cấp thuốc trừ sâu, cây điều phát triển bình thường.

Về nguồn gốc của những gói thuốc trừ sâu này, vị Chủ tịch UBND xã cho rằng, xã mua ở 1 cửa hàng, không phải mua ở Trạm khuyến nông huyện.

Người dân đang cố gắng chăm sóc vườn điều vừa bị mất mùa. Ảnh:TPO

Cùng ngày, lãnh đạo xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho rằng, thuốc trừ sâu này do Trạm khuyến nông cung cấp, không phải thuốc giả hay có xuất xứ từ Trung Quốc.

"Vấn đề dân mất mùa điều đến nay không ai khẳng định là do sử dụng thuốc trừ sâu bởi việc mất mùa này có ở nhiều nơi và và nhiều hộ dân bị chứ không phải vườn nào dùng thuốc trừ sâu mới mất mùa. Tuy nhiên, giờ cần cơ quan chuyên môn vào cuộc để xác định xem thuốc trừ sâu đó có những thành phần và tác dụng như nào", lãnh đạo xã Thống Nhất nói.

Nói về việc này, cũng trao đổi với PV, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước cho rằng, việc này Sở đang tiến hành xác minh, làm rõ, chưa có kết luận.

"Theo chủ trương thì Sở có hỗ trợ người dân về thuốc trừ sâu và cấp cho huyện đến xã rồi tự làm. Việc cấp thuốc trừ sâu này phải có quy trình cụ thể rồi quy định, không có chuyện nhập thuốc từ Trung Quốc mà nhập thuốc tại địa bàn tỉnh thôi.

Bên cạnh đó, Sở không có quy định các hộ dân phải dùng loại thuốc nào mà chỉ có hướng dẫn người dân xem có thể dùng những hoạt chất nào phù hợp, doanh nghiệp nào bán thuốc trừ sâu uy tín", bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, nguồn gốc của những loại thuốc trừ sâu mà Sở hướng dẫn đều do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, đến giờ chưa thể khẳng định dân mất mùa điều là do thuốc trừ sâu hay do thời tiết.

"Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con sau khi sử dụng thuốc xong cần lưu lại để nếu có vấn đề gì còn có thể xử lý được", vị Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước cho biết thêm.

Nghe cán bộ thì trắng tay, mất mùa?

Trước đó, theo phản ánh trên báo Lao động, ông Hoàng Văn Thanh (thôn 9, xã Thống Nhất) cho biết, hầu hết nông dân trồng điều đều nghèo, sống nhờ cây điều.

"Gần đây, nghe tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người trồng điều, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, lên xã nhận kinh phí, thì cán bộ lại cấp thuốc trừ sâu”, ông Thanh nói.

Cụ thể, mỗi hộ được cấp 1 lít thuốc trừ sâu, 1 lít thuốc trị bệnh cho cây và 1 lít thuốc dưỡng cây.

Vườn điều của ông Hoàng Văn Thanh, ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Ảnh: Lao động

Nhận thuốc về, nghe theo hướng dẫn từ cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, các hộ dân phun các loại thuốc kia lên vườn điều của từng gia đình. Ai ngờ, chỉ sau 5-7 ngày, bông điều cháy, giòn rụm; trái điều non chưa kịp lớn rụng hàng loạt. Hậu quả của việc phun thuốc trên là các hộ dân mất mùa điều.

"Những hộ khác không nhận hỗ trợ các loại thuốc trên thì vườn điều không bị ảnh hưởng, trúng mùa, bình quân thu hoạch hơn 1 tấn/ha. Còn hầu hết các hộ nhận thuốc hỗ trợ, nghe cán bộ khuyến nông tư vấn phun thuốc, thì trắng tay, mất mùa, chỉ thu hoạch được khoảng 200kg/ha.

Nghiêm trọng hơn, sau phun thuốc, cây điều không ra được đọt để đâm chồi mới, cành lá trơ ra, nguy cơ cây bị khô, ảnh hưởng đến cả mùa vụ sau” - ông Bế Văn Tính (thôn 9) nói.

Theo ông Huỳnh Giang, Trưởng Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng cho biết, hai loại thuốc trừ sâu các xã phát cho người dân nằm ngoài danh mục khuyến cáo sử dụng của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước.

Tuy nhiên, trước khi mua và cấp phát cho dân, các xã đều không bàn bạc hay trao đổi gì với Tổ chống dịch trên cây điều của huyện, cụ thể là Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên ngành quản lý thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, vụ điều năm 2016 - 2017, do thời tiết xấu, sâu bệnh hoành hành, nên hàng ngàn hộ dân trồng điều của tỉnh đã bị mất mùa. Trước tình hình đó, đầu năm 2018, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông dân của 10 huyện thị là 44,7 tỉ đồng, cho tổng diện tích vườn điều được hỗ trợ là 22.395,2 ha. Mức hỗ trợ bình quân là 2 triệu đồng/ha.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mat-mua-vi-thuoc-tru-sau-cua-xa-giai-thich-nong-3362996/