Mật phục đêm cuối năm

Đêm biên giới thật bình yên, xóm làng như đã chìm trong giấc ngủ. Vừa rời khỏi cổng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP An Giang, Thượng úy Trần Văn Đang, Đội trưởng Đội trinh sát đã quay lại nói nhỏ: 'Thế là những đối tượng buôn lậu đã 'đánh hơi' được chúng ta rời đơn vị rồi đấy. Chỉ ít phút nữa là đám cửu vạn (những người mang vác thuê hàng lậu) sẽ biết và tìm mọi cách để đối phó'. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Thượng úy Đang giải thích: 'Thế mới tài chứ! Nhất cử, nhất động của anh em chúng tôi khi rời khỏi đơn vị đều bị những cặp mắt bí mật ẩn núp đâu đó theo dõi. Thế nhưng, dù các đối tượng có dùng nhiều thủ đoạn, mưu mô xảo quyệt đến đâu cũng không qua mắt trinh sát chúng tôi được'.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn vượt sông phòng, chống buôn lậu. Ảnh: Thúy An

Băng đồng, vượt sông

Thế là thêm một lần nữa tôi được tham gia chuyến tuần tra đêm. Nhưng lần này không phải đi cùng những người bảo vệ rừng ở Tràm Chim mà với lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP An Giang. Sau khi quán triệt xong nhiệm vụ, 5 người trong đội nhanh chóng cơ động lên vỏ lãi âm thầm bơi một đoạn cho an toàn rồi mới nổ máy rẽ nước đi trong màn đêm tĩnh mịch. Chưa kịp định hình chiếc vỏ lãi sẽ chở chúng tôi về đâu thì được lệnh lên bờ và đi bộ qua những cánh đồng để tránh sự theo dõi của các đối tượng buôn lậu.

Con đường mòn dẫn vào cánh đồng rộng, ngổn ngang đá sỏi chạy quanh co vừa đủ bàn chân người đặt lên. Chúng tôi nín thở, khom người dò dẫm từng bước, chỉ có tiếng sỏi lạo xạo dưới chân cũng trở thành nỗi lo. Bầu trời đêm đầy ánh sao, nhưng lần này tôi không có chút thời gian để có thể nhìn ngắm chúng vì bận căng mắt nhìn đường. Cái cảm giác mình như một đứa trẻ vừa tập đi với những bước chân chệnh choạng có thể ngã nhào bất cứ lúc nào. Thế nhưng, anh em trong đội cứ thoăn thoắt đôi chân tiến thẳng về phía trước, như thuộc lòng từng khúc quanh co, từng rãnh nước. Đi được một đoạn, anh em lại ngồi xuống quan sát. Dù đã trải nghiệm nhiều đêm tuần tra, nhưng trước mắt tôi vẫn là một màn đêm quánh đặc. Ánh sáng le lói phát ra từ sòng bài Hawai phía đất bạn Campuchia không đủ để người chưa quen với bóng đêm có thể quan sát mọi vật. Trong màn đêm, nhưng Thượng úy Trần Văn Đang vẫn ngước mắt nhìn trời và đăm chiêu nói: “Trời vẫn sáng quá”.

Theo Thượng úy Đang, tùy vào kế hoạch và địa hình thực tế mà mỗi lần, đội sẽ phục kích ở một địa điểm khác nhau, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo được thời gian đón đầu cánh buôn lậu. Làm sao đoán biết chính xác thời gian chúng đưa hàng lậu về Việt Nam? Tôi khẽ hỏi. “Buôn lậu thường đi theo đoàn. Khi lên kế hoạch, chúng tôi đã được chỉ huy giao địa điểm mật phục. Đoán đúng thời gian thích hợp là do có sự phối hợp giữa các lực lượng khác như chốt trực, công an địa phương. Cánh buôn lậu thường lợi dụng khoảng thời gian lực lượng chức năng thay ca, nghỉ giữa giờ để chuyển hàng; mình sẽ mật phục trước những khoảng giờ đó”, Thượng úy Đang bày kinh nghiệm.

Vừa dứt lời, anh bất ngờ ra hiệu tất cả ngồi xuống, gần như là nằm sát mặt đất để cơ thể không cao quá so với thân lúa trên đồng. Phía biên giới, vài bóng người qua lại che khuất những chỏm sáng của dải đèn vùng ngoại biên. Cánh đồng Vĩnh Chánh là cung đường ngắn nhất để cánh buôn lậu đưa hàng qua biên giới về Việt Nam. Vùng ngoại biên đối diện có đến ba sòng bạc, hai trường gà và một chợ trời có rất nhiều kho hàng, là “điểm nóng” tập kết hàng lậu. Ngay sát đường biên giới, hàng lậu như thuốc lá, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm... được chất sẵn cao như núi, các đối tượng chỉ chờ sơ hở của lực lượng chức năng là vận chuyển qua biên giới. Do hàng án ngữ ngay sát đường biên nên cơ quan chức năng không thể làm gì. Mùa khô, việc mật phục dễ hơn mùa nước nổi, bởi vào mùa nước, bốn bề mênh mông thì đâu cũng trở thành “đường” cho các đối tượng buôn lậu. Chúng dùng vỏ lãi “độ” máy chạy tốc độ cao để vận chuyển hàng, trong khi phương tiện của lực lượng Biên phòng có công suất kém hơn, khó đuổi kịp.

Trong khi lực lượng Biên phòng mật phục thì các đối tượng buôn lậu cũng ráo riết sử dụng “đề lô” (lực lượng cảnh giới cho buôn lậu...) làm nhiệm vụ cảnh giới. Trên cánh đồng Vĩnh Chánh, thường xuất hiện cùng lúc ba, bốn người đi soi ếch, bắt rắn, dùng đèn pin chiếu xa quét sáng cả cánh đồng. “Khi họ quét đèn pin trên khắp cánh đồng, chúng tôi phải nằm rạp xuống bờ ruộng, có khi ẩn mình trong nước, chỉ chừa mũi để thở. Để tránh bị phát hiện, nhiều lúc chúng tôi bám theo sau “đề lô”, vì chúng sẽ không đi lại con đường họ vừa đi qua. Về phía nhóm “đề lô”, thông thường, khi phát hiện có mật phục, chúng sẽ tìm cách chạm mặt nhóm trinh sát để ngầm thông báo cuộc mật phục đã bị phá sản, để trinh sát bỏ về, rộng đường cho cánh buôn lậu tuồn hàng vào”, Đội trưởng Đội, phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn nói.

Sau một lúc băng đồng, vượt sông, chúng tôi không biết mình đã hành quân bao nhiêu ki-lô-mét đường ruộng, đến điểm mật phục là quãng đồng chạy dọc kênh 79. Đội mật phục chia thành hai mũi, tất cả nằm nép xuống lúa, án binh bất động chờ bọn buôn lậu lọt trận địa phục kích, sau đó mới cùng ập đến tóm gọn.

Gần đến ranh giới, các đối tượng buôn lậu chiếu đèn dữ dội. Như đánh được hơi người, một tên trong nhóm buôn lậu dừng lại rọi đèn thẳng xuống mé ruộng quan sát thật cẩn thận, sau đó hô to: Có biến! Rồi chúng quay đầu bỏ chạy về phía biên giới. Nhanh như chớp, anh em trong đội mật phục vùng dậy lao theo. Một màn rượt đuổi li kì không khác gì bộ phim mà tôi từng được xem. Nhưng không kịp, các đối tượng buôn lậu đã chạy qua địa phận Cam-pu-chia. Đến địa phận Cam-pu-chia sẽ có mấy chục người đợi sẵn, mỗi người một bọc đưa lên xe chạy mất, chỉ khoảng 1-2 phút là mọi dấu vết sẽ được xóa sạch.

Những câu chuyện cảm động

Tại vùng biên giới tỉnh An Giang, những ngày cuối năm, hàng lậu lúc nào cũng chực chờ để tuồn vào nội địa. Mùa mưa, họ chỉ mất khoảng 3 phút để đưa một chuyến hàng vượt kênh Vĩnh Tế vào nội địa.

Thực tế, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng ở sát biên giới chờ thời cơ rồi ồ ạt di chuyển vào nội biên. Theo lời kể của Trung úy Phan Văn Đại, cán bộ Đội phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn không nhớ hết bao nhiêu lần từ phía bên kia biên giới là cả một đám buôn lậu hùng hậu, trong khi bên này chỉ mình anh và một trinh sát khác.

Anh kể: “Có lần, xác định có 8 đối tượng buôn lậu, tôi báo cáo chỉ huy xin chi viện nhưng không kịp. Lúc đó, chỉ mình tôi và một trinh sát vẫn quyết tâm đón bắt. Giáp mặt các đối tượng buôn lậu trong đêm tối, hai tay hai đèn pin, chúng tôi vờ rọi theo bốn hướng như thể lực lượng Biên phòng có rất nhiều người. Sau đó, chúng tôi đồng thanh hô to. Họ tưởng Biên phòng đông người vây bắt nên kéo nhau bỏ của chạy lấy người. Chúng tôi chỉ bắt được một đối tượng trong vụ này”.

Hỏi về những kỷ niệm khó quên trong lúc làm nhiệm vụ, anh em trong đội nhớ lại, vào tháng 9-2017, các trinh sát mật phục trên kênh, phát hiện một người đàn ông chạy chiếc vỏ lãi từ Cam-pu-chia về Việt Nam nên truy đuổi. Được một đoạn, chiếc vỏ lãi này chìm, chủ vỏ lãi lập tức bơi vào bờ chạy trốn. Giữa đêm tối, rọi đèn pin, các trinh sát phát hiện một cháu bé tầm 8 tuổi, là con người chủ vỏ lãi, đang đuối nước, bám vào một khúc gỗ. Các trinh sát liền tạm ngưng đuổi theo kẻ buôn lậu và bỏ mặc cho mớ gỗ lậu chìm xuống kênh, nhanh chóng cứu cháu bé, đưa về đồn sưởi ấm. Mấy ngày sau, cha mẹ cháu bé cũng đến tận đồn cảm ơn và hứa sẽ không bao giờ buôn lậu qua biên giới nữa. “Chúng tôi vui lắm, bởi phần lớn người dân vùng biên giới đều có hoàn cảnh khó khăn. Bất đắc dĩ lắm họ mới tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu”, Trung úy Phan Văn Đại bộc bạch.

Kết thúc chuyến mật phục, chúng tôi quay về đồn, trên màn hình điện thoại lúc này đã là 3 giờ sáng. Không gian thật tĩnh lặng, mọi người đang chìm trong giấc ngủ say, chỉ có đôi mắt căng và đôi chân không mỏi của những người lính Biên phòng Vĩnh Nguơn là vẫn còn len lỏi trong đêm. Nhiều lúc đối mặt với các đối tượng buôn lậu nguy hiểm, có nhiều lúc máu và nước mắt đã rơi, nhưng rồi vì trách nhiệm, vì niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, họ lại quên đi mệt mỏi, lao mình vào gian khổ, hiểm nguy để giữ bình yên cho vùng biên cương Tổ quốc.

Thúy An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mat-phuc-dem-cuoi-nam/