Mắt thần Nga 'ngắm' chiến hạm tàng hình Pháp từ eo Bosphorus

Giới chuyên gia Nga cho biết, dù có tàng hình thế nào, các chiến hạm phương Tây vẫn hiện rõ mồn một trước radar Nga, từ cách xa hàng trăm km.

Nguồn tin từ lực lượng hải quân NATO ngày 20/11 thông báo rằng, tàu hộ vệ tối tân F-710 La Fayette của Pháp hôm 20/11 đã vào trong hải phận Biển Đen. Tàu này được tuyên bố là chế tạo theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, có khả năng mang các tên lửa chống hạm rất mạnh mẽ.

Cũng trong ngày 20/11, nguồn tin trong cơ quan chính phủ trên bán đảo Crimea thông báo rằng, dù được ra sức quảng cáo phô trương là chế tạo theo công nghệ “tàng hình”, tàu hộ vệ La Fayette của Pháp vẫn không thể thoát khỏi lưới quét theo dõi từ trạm radar thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga.

Nguồn tin nhấn mạnh, các phương tiện vô tuyến điện tử của Hải quân Nga đã “tháp tùng” chiếc tàu hộ vệ lớp Floreál do Hãng DCNS - Pháp chế tạo, ngay khi nó còn đang hải hành trong eo biển Bosphorus, chưa vào tới Biển Đen.

Người cung cấp tin cho hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết, bất kể công nghệ “tàng hình” của con tàu được quảng bá là tối tân đến đâu, các “mắt thần” của radar Nga vẫn đủ sức nhìn thấy các tàu thuộc lớp này ở khoảng cách xa tới hàng trăm cây số.

“Công nghệ tàng hình mà người ta tung hô đã vấp phải sức mạnh của ngành công nghiệp điện tử Nga. Tàu khu trục La Fayette đã bị phát hiện ngay khi nó vượt qua Bosphorus, đèn hiệu của radar Nga đã sáng lên trên màn hình vô tuyến của bộ phận trinh sát điện tử thuộc Hạm đội Biển Đen” - nguồn tin cho biết.

Ông này nói thêm rằng hiện tại tàu Hải quân Pháp đang di chuyển trong sự “tháp tùng” của các phương tiện trinh sát và theo dõi điện tử của Hạm đội Biển Đen. Ngoài ra, hạm đội này cũng đã điều một tàu hải quân thường trực để theo dõi con tàu của Pháp.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chiếc tàu hộ vệ của Pháp tiến vào hải quân Biển Đen. Hồi tháng 3 năm nay, La Fayette đã vào vùng biển này để tiến hành các hoạt động tuần tiễu và huấn luyện chung với hải quân các nước NATO trong khu vực như Bulgaria, Romania…

Chiến hạm tàng hình lớp Floreál mang số hiệu F-710 La Fayette của Pháp

Chiến hạm tàng hình lớp Floreál mang số hiệu F-710 La Fayette của Pháp

Theo quy định của Công ước Montreux 1936, các tàu thuyền có lượng giãn nước trên 45.000 tấn sẽ không được phép đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời, tàu thuyền của các nước không phải ở Biển Đen sẽ chỉ được lưu trú không quá 21 ngày.

Do đó, lợi dụng quy chế này các chiến hạm Mỹ-NATO đã tìm cách lách luật. Cứ hết 21 ngày, các chiến hạm Mỹ-NATO rời khỏi lãnh hải Biển Đen cho có lệ rồi chúng lại ngay lập tức quay vào tiếp tục hoạt động, khiến Nga rất bực tức.

Giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ-NATO tăng cường sự hiện diện hải quân tại Biển Đen. Các nhóm hải quân thường trực của liên minh thường xuyên ra vào vùng biển này, tăng cường tập trận, tổ chức thu thập thông tin tình báo nhằm vào Hạm đội Biển Đen.

Giới chức lãnh đạo Hải quân và các chuyên gia quân sự Nga thậm chí còn cảnh cáo rằng, các chiến hạm Mỹ-NATO sẽ bị tiêu diệt chỉ trong vài phút, nếu xảy ra xung đột ở Biển Đen.

Phó Chủ tịch Liên minh các cựu chiến binh Nga, nguyên chỉ huy lực lượng bờ biển của Hạm đội Biển Đen, Thiếu tướng Vladimir Romanenko tuyên bố rằng, các hệ thống tên lửa chống hạm của Hạm đội Biển Đen Nga hiện thuộc loại mạnh nhất thế giới, với các tên lửa Kalibr, Bal-E, Oniks…, đủ sức đánh bại mọi lực lượng hải quân thù địch.

Theo ông, thậm chí là tàu chiến Mỹ-NATO chỉ có vài phút để tồn tại trong Biển Đen, bởi vì các tổ hợp tên lửa của hạm đội Nga và từ một số hướng khác sẽ không cho phép các tàu này có điều kiện thực hiện được một phần nhỏ những nhiệm vụ tác chiến của chúng trong vùng biển này.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/mat-than-nga-ngam-chien-ham-tang-hinh-phap-tu-eo-bosphorus-3347498/