'Mặt trận' thông tin trên biển

Ngày nay, trên mỗi chiếc tàu đánh cá xa bờ được lắp đặt 2 – 6 bộ thông tin liên lạc. Tại sao họ sắm nhiều bộ như vậy? Đây là câu chuyện sinh tử, làm ăn, hỗ trợ lẫn nhau của ngư dân giữa Biển Đông rộng lớn. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển, ngư dân yên tâm ở lại 1 – 3 tháng sản xuất liên tục trên biển.

Đại úy Nguyễn Huy Toại, Đài trưởng Đài tìm kiếm cứu nạn, Hải đội 2, BĐBP Khánh Hòa liên lạc với tàu đánh cá của ngư dân ở vùng biển Trường Sa. Ảnh: Hải Luận

Đại úy Nguyễn Huy Toại, Đài trưởng Đài tìm kiếm cứu nạn, Hải đội 2, BĐBP Khánh Hòa liên lạc với tàu đánh cá của ngư dân ở vùng biển Trường Sa. Ảnh: Hải Luận

Ngư dân quen gọi bộ thông tin liên lạc giữa tàu đánh cá và đất liền là bộ đàm (Icom). Các tàu khai thác xa bờ thường hoạt động theo từng nhóm từ 4 – 10 chiếc để sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. “Hôm đó, có đến 10 chiếc tàu đánh cá của nước ngoài vào vùng biển Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) khai thác thủy sản, bóng điện trên tàu của họ sáng quá nên lấn át hết số tàu cá của Việt Nam. Đêm thứ hai, tàu nước ngoài vẫn vào đánh bắt, tui lên đàm thông báo để Cảnh sát Biển Việt Nam biết và chạy tàu ra xua đuổi họ ra khỏi vùng biển của nước ta” - Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khoa, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, kể câu chuyện làm “tai mắt” cho các lực lượng bảo vệ biển, đảo.

Cứu nhau qua bộ đàm

Mỗi chiếc tàu đánh cá xa bờ giống như những tổ đội tự vệ biển, loại tàu câu mực khơi của tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam quân số lao động trên tàu gần cả một đại đội hải quân. Tàu đánh cá của ngư dân ngoài việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, còn góp phần kết nối chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư... để cùng nhau hỗ trợ vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Thuyền trưởng Khoa tâm sự: “Ngư dân làm ăn ở ngoài biển suốt tháng này qua tháng nọ, hễ thấy tàu lạ nước ngoài xâm nhập vào vùng biển của nước ta là lên bộ đàm báo ngay cho các nhóm tàu đánh cá khác biết để đề phòng, rồi gọi điện thông báo với lực lượng Biên phòng, Hải quân Vùng 4 biết thông tin”.

Tôi đến làng biển Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thấy bà con đang khẩn trương sửa chữa tàu thuyền, thúng chai, sàn phơi mực... để chuẩn bị cho chuyến ra khơi sản xuất liên tục từ 2 - 3 tháng. “Trước đây đi biển “như mù, như câm”, không điện đàm gì hết. Sau đó, mua sắm dần dần mấy bộ đàm sóng ngắn, bây giờ trên tàu có đủ thứ đàm. Nào loại “dò thám thính” trận địa đánh bắt, loại đàm nói chuyện nội bộ nhóm với nhau, loại đàm nói chuyện với đất liền theo dõi thời tiết, bão gió” – Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Trai, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, lướt qua nhưng ẩn chứa nhiều chi tiết đắt giá.

Đối với những nghề khai thác xa bờ như: Mực xà, cá ngừ đại dương, mành chụp, lưới vây, lưới cản..., họ thường đi theo nhóm từ 5 – 10 chiếc, thường là anh em dòng họ, hoặc những thuyền trưởng “tâm đầu ý hợp”. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuy, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tâm sự: “Biển cả rộng mênh mông, sóng gió nguy hiểm, mọi người phải thật sự đoàn kết với nhau, “chia lửa” lẫn nhau mới thắng lớn được. Ví dụ, tàu của tôi gặp đàn cá khủng, tàu của bạn tôi chưa gặp đàn cá nào. Tôi lên bộ đàm gọi họ đến cùng đánh. Lần khác, tàu bạn tôi trúng cá lại gọi tôi tới. Chỉ một cú gọi điện thôi, có thể kiếm được mấy trăm triệu đồng. Nhờ cách làm đó, mà tập đoàn tàu của tôi lúc nào cũng kiếm ăn được”.

Điều cực kỳ quan trọng là mỗi khi xảy ra tai nạn trên biển, qua hệ thống thông tin tàu cá họ đến cứu nhau. Trước đây, tàu của ông Tuy đã cứu vớt 2 tàu với 15 người bị trôi dạt trên biển do tàu chìm. Lần thứ nhất là cứu ngư dân ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Vụ tai nạn do tàu bị thủng, nước tràn vào, trên tàu có 8 người trôi dạt giữa biển, ông Tuy cứu xong cho tàu chạy vào bờ an toàn, bỏ chuyến biển chịu lỗ tới 150 triệu đồng phí tổn. Chuyến khác, ông Tuy chạy tàu đi cứu được 7 người ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trên vùng biển Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Qua sóng bộ đàm, ông Tuy biết chiếc tàu bị nạn cách chỗ ông khoảng 5 hải lý, trong điều kiện gió cấp 7, nhưng ông vẫn quay mũi tàu hướng về tàu cá bị nạn và cứu thành công.

Cựu sĩ quan Biên phòng sát cánh cùng ngư dân

Anh cán bộ Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi chở tôi đến nhà ông Huỳnh Trọng Thân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Qua chuyện trò được một lúc mới biết là Thượng tá Huỳnh Trọng Thân, nguyên Phó Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Ngãi.

“Tôi từng làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh, nên hiểu hoàn cảnh của bà con ngư dân. Thời điểm đó, tôi đã đi vận động hình thành “trạm đài bờ” thôn Mỹ Tân với đoàn tàu câu mực khơi của xã. Cắt cử người làm nhiệm vụ trực canh “trạm đài bờ” để thông báo thời tiết, gió bão cho các tàu khai thác ngoài khơi biết cách tránh né. Tàu hoạt động ngoài biển có gặp sự cố gì đều được các tàu điện báo về “trạm đài bờ”, từ đây thông báo cho từng chủ tàu biết và cùng xử lý” - Ông Thân hồn hậu cho biết.

Tôi đặt câu hỏi thẳng thắn với ông Thân: Anh không có tàu đi biển, tại sao ngư dân lại bầu anh làm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thạnh?

- Dù không trực tiếp đi sản xuất trên biển, nhưng cả cuộc đời binh nghiệp tôi lại gắn bó chặt chẽ với bà con ngư dân, từ cán bộ đồn đến giữ chức Đồn trưởng, rồi chuyển về làm Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh. Nhiều nhiệm vụ đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ tàu đánh cá và những vấn đề sát sườn của ngư dân. Lúc mới nghỉ hưu, một số thuyền trưởng, chủ tàu đánh cá đến nhà đề nghị tôi tham gia vào Nghiệp đoàn nghề cá để tiếp tục giúp đỡ bà con ngư dân. Tôi nhận lời ngay và đảm nhận nhiều năm rồi.

Thượng tá Huỳnh Trọng Thân dừng lại câu chuyện, rủ tôi đến nhà một chủ tàu và thuyền trưởng tàu câu mực khơi ăn tân niên. Tại đây tôi được gặp rất nhiều thuyền trưởng cự phách biển cả, cùng chuyện trò rôm rả và những dự định cho chuyến biển đầu năm 2020. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Trai khen ngợi: “Có sao nói vậy, anh em làm biển tụi tui nhờ anh Thân nhiều lắm, chuyện gì anh cũng giải quyết nhanh gọn. Hôm rồi có mấy đại biểu từ Trung ương về họp trên xã, anh Thân đứng lên nói: Xã Bình Châu toàn những chiếc tàu lớn câu mực khơi mà chưa có cảng cá, đề nghị Chính phủ đầu tư xây cảng cá tại đây. Rồi ông vào trong tỉnh xin dự án đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng cho xã, ngư dân chúng tôi lên UBND xã học miễn phí”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mat-tran-thong-tin-tren-bien/