Mất vài năm mới vượt qua được dịch tả lợn

Đây là nhận định của giới chuyên gia về đại dịch tả lợn châu Phi (AFS) tại Trung Quốc, nơi có nền chăn nuôi lợn cũng như nhu cầu tiêu thụ thịt lợn số 1 thế giới.

Theo các chuyên gia thị trường, nguồn cung thịt lợn có thể sẽ còn thiếu hụt gay gắt trong vài năm tới, sau khi đại dịch AFS hoành hành suốt hơn 1 năm qua.

Ông Wang Lixian – Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Động vật và Thú y quốc gia, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, ngành chăn nuôi lợn trong nước đã giảm mạnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ước tính tổn thất từ 30 đến 60%. Và tồi tệ hơn là hiện nay ngành công nghiệp chăn nuôi quan trọng này chưa có dấu hiệu phục hồi.

 Giá thịt lợn ở Trung Quốc tháng 8 đã tăng tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái

Giá thịt lợn ở Trung Quốc tháng 8 đã tăng tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái

Hôm 31/8, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn cho biết, nguồn cung thịt trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm nay nhưng sẽ rất chật vật. Trong khi đó, hoạt động sản xuất các loại thịt khác, như cừu, bò và gà đã tăng trong nửa đầu năm nay, nhất là sản lượng thịt gà tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn không thể bù đắp được khoảng trống thịt lợn.

Trong khi đó, lượng thịt lợn nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 819.000 tấn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái, con số vượt ra ngoài tất cả các dự báo.

Chuyên gia phân tích ngành hàng thịt lợn Zhu Zengyong cho biết, mặc dù nguồn cung bị bóp nghẹt nhưng nhìn chung vẫn có thể trang trải được trong năm nay bằng các loại thịt thay thế và nhập khẩu cùng với việc tiết giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân. "Dự kiến sản lượng thịt lợn sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm 2020", ông Zhu nói.

“Tính đến cuối tháng 7, tổng đàn lợn ở Trung Quốc tiếp tục giảm 9,4% so với tháng trước và trên 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đàn nái sinh sản cũng tiếp tục giảm 32% so với năm ngoái. Đến hết tháng 8 vẫn còn 150 ổ dịch bùng phát rải rác ở các địa phương”, số liệu do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố.

Giá thịt lợn trung bình ở 16 tỉnh, thành ở mức 36 nhân dân tệ (5,1 USD/kg) vào thời điểm cuối tháng 8, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2018.

Mức giá trên thực tế cho thấy, giá thịt lợn cũng đã vượt qua dự báo là “giá thịt lợn trong nước sẽ tăng hơn 70% vào nửa cuối năm nay” đưa ra hồi đầu năm.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, với khoảng một nửa tổng đàn thế giới. Theo ông Wang, đại dịch AFS hoành hành ở trong nước đã khiến nhiều nông dân thận trọng không dám tái đàn.

"Việc tái đàn sẽ diễn ra rất chậm chạp, ngay cả khi có các loại vacxin đáng tin cậy và hiệu quả để ngăn ngừa AFS nên nguồn cung thịt lợn sẽ vẫn là một vấn đề lớn trong vài năm tới", ông Wang nói.

Yuan Quanshui, chủ doanh nghiệp chăn nuôi Yifa ở Hà Nam cho biết, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty. "Lúc cao điểm chúng tôi nuôi hơn 60.000 con nhưng bây giờ chỉ còn lại hơn 10.000 con thôi”.

Hôm qua (10/9), chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các bộ ngành và các địa phương tăng cường hỗ trợ ngành sản xuất thịt lợn và đảm bảo nguồn cung, bao gồm cải thiện chính sách bảo hiểm chăn nuôi và giảm bớt các rào cản trong chăn nuôi lợn.

Người tiêu dùng Trung Quốc giành nhau mua thịt lợn

Theo đó, ban hành nhiều giải pháp ưu đãi về đất đai, hạ tầng và vận chuyển cho nông dân, chủ trang trại sử dụng để chăn nuôi lợn và tăng trợ cấp cho các địa phương có nền chăn nuôi mạnh nhằm mở rộng nguồn cung trong nước.

Để khuyến khích vận chuyển và cung cấp thịt lợn, các phương tiện vận chuyển hợp pháp lợn giống và thịt lợn đông lạnh đã được miễn phí thu phí từ ngày 1/9 đến cuối tháng 6 năm 2020.

KIM LONG (Chinadaily;SCMP)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mat-vai-nam-moi-vuot-qua-duoc-dich-ta-lon-post249120.html