Mấu chốt là phân bổ đúng nguồn lực

Cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua cho thấy những kết quả tích cực khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện; bội chi ngân sách giảm dần; nợ công trong giới hạn cho phép; lạm phát được kiểm soát thành công...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao tìm ra động lực mới để duy trì nhịp độ tăng trưởng. Tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội chiều 5-9, nhiều giải pháp đã được gợi mở.

Giảm lệ thuộc vào khai khoáng và tín dụng

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2011. Tuy nhiên, hiệu quả mới bộc lộ rõ từ năm 2016 trở lại đây, thông qua hàng loạt các giải pháp, chính sách quyết liệt của Chính phủ. Năm 2016, năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, tăng trưởng GDP đạt mức 6,21%; bước sang năm 2017, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm đó. Đặc biệt, được đánh giá là có nhiều khó khăn, thách thức, song triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 là 6,7% dự báo là hoàn toàn khả thi. Như vậy, trong 3 năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, tăng trưởng GDP bình quân dự kiến là 6,57%, cao hơn khá nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân 5,91% của giai đoạn 2011-2016.

Tại hội thảo, các phân tích đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2016 đến nay không còn phụ thuộc nhiều vào việc gia tăng tín dụng và khai khoáng. Tăng trưởng tín dụng thời gian này đều dưới 19%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2017 tăng 3,53%, CPI bình quân 8 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,52%-trong ngưỡng cho phép của Quốc hội cho thấy chính sách tiền tệ, điều hành kinh tế đang được kiểm soát tốt.

Chứng minh cho nhận định này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nêu ví dụ: Năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,35%). Như vậy, việc tăng khoảng 2 điểm phần trăm về tăng năng suất lao động đã là động lực giúp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% tới 6,8%. Cùng với đó, giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình là 30% tới 33%/năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế từ 6 tới 6,5%. Còn giai đoạn hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15% nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế lại đạt ở mức cao hơn. Nghĩa là số vốn đầu tư để đạt được 1 đơn vị tăng trưởng chỉ bằng 1/2 giai đoạn trước. "Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn lực của chúng ta tăng lên. Điểm nhấn quan trọng nhất trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua là sự thay đổi trong cách thức tăng trưởng. Cách thức tăng trưởng đã bắt đầu chủ yếu bằng việc gia tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt hiệu quả đầu tư và không dựa vào khai thác tài nguyên”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây đã dựa trên những nền tảng vững chắc. Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về khai khoáng, hai năm 2016, 2017 và 8 tháng năm 2018 đều tăng trưởng âm. Đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2016, 2017 và 8 tháng năm 2018 chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ. Cụ thể, 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 0,3%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm mức tăng chung. Ở 3 lĩnh vực tái cơ cấu: Doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả. Cùng với đó, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp cho thấy, những năm gần đây Chính phủ đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Chính phủ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, nền tảng, củng cố nội lực để chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh

Mục tiêu tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 là giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP; quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất; tỷ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội.

Bên cạnh đó, phấn đấu hằng năm có 30-35% doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo… Đánh giá về mục tiêu này hoàn toàn có thể khả thi nếu biết tận dụng và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh: Thời gian qua, chất lượng tăng trưởng có sự chuyển biến rõ, nhưng còn một số tồn tại của nền kinh tế khi cơ cấu nguồn lực chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao… “Do đó, vấn đề đặt ra với công cuộc tái cơ cấu kinh tế những năm tới không nằm ở con số tổng đầu tư toàn xã hội, mà ở việc nguồn lực sẽ được phân bổ như thế nào cho hiệu quả. Ví dụ, việc tìm kiếm vốn ODA hay FDI đã khó nhưng quan trọng là sử dụng hiệu quả, nếu không thì chỉ là ném tiền qua cửa sổ”, ông Lê Xuân Bá nêu rõ.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: Vấn đề quan trọng là phải thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực Nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường. “Có nghĩa là ai có khả năng sử dụng hiệu quả những nguồn lực Nhà nước sẽ được tiếp cận và sử dụng nguồn lực này. Do đó, phải đẩy mạnh xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Nếu phân bố nguồn lực vẫn là xin-cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và không có cạnh tranh thì khó có thể tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ thêm.

Chỉ ra 5 nút thắt của nền kinh tế hiện nay cần phải đẩy mạnh tháo gỡ, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng đó là vấn nạn tham nhũng, sự rườm rà trong thủ tục hành chính, tính minh bạch và nhất quán trong chính sách còn thấp, cơ sở hạ tầng và năng suất lao động còn yếu kém. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cải thiện tính minh bạch, năng lực quản trị để có thể tận dụng được những dư địa cải cách chính sách và nhanh chóng tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh vừa phải bảo đảm tăng trưởng cao đi liền ổn định vĩ mô, vừa phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ từ nhiều năm, trong nửa chặng đường cuối của kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, Việt Nam cần tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Trong đó các ý kiến nhấn mạnh, tiềm năng từ cải cách, đổi mới, sáng tạo là vô tận. Tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào cải cách, trong đó đặc biệt là các động lực về thể chế, chính sách, pháp luật; kinh tế tư nhân; hội nhập kinh tế quốc tế và động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, các đô thị, đầu tàu kinh tế của đất nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mau-chot-la-phan-bo-dung-nguon-luc-548777